DNews

Người thầy được lũ trẻ H'Mông ở Mường Lát gọi bằng "cô"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Những ngày đầu đứng lớp, thầy Hà Văn Thạo bị đám trẻ H'Mông ở Mường Lát gọi là "cô". Trong tâm thức của chúng, chỉ có "cô" chứ làm gì có "thầy".

Người thầy được lũ trẻ H'Mông ở Mường Lát gọi bằng "cô"

Thầy Hà Văn Thạo là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Đến với nghề "cô nuôi dạy trẻ" khi đã 30 tuổi, thầy Thạo thừa nhận đó là sự lựa chọn của cơm áo.

Bỏ công nghệ thông tin đi làm giáo viên mầm non là điều khác thường với một người đàn ông. Nhưng thầy Thạo đã vượt qua định kiến giới nhờ sự ủng hộ hết lòng của vợ, và nhờ việc thay đổi góc nhìn của chính mình: "Thay vì hướng đến ánh mắt của người khác nhìn mình thì chỉ cần hướng ánh mắt của mình đến những đứa trẻ".

Người thầy được lũ trẻ HMông ở Mường Lát gọi bằng cô - 1

Thầy Hà Văn Thạo cùng các học sinh Trường mầm non Pù Nhi điểm trường Hua Pù (Ảnh: NVCC).

Tại lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2023, thầy Hà Văn Thạo là giáo viên nam duy nhất bậc mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vinh danh. "Cô nuôi dạy trẻ" của lũ trẻ H'Mông Trường mầm non Pù Nhi, Mường Lát xúc động nghĩ đến bước ngoặt cuộc đời: "Tới lúc này, tôi thực sự tin tưởng rằng, sự lựa chọn của mình vào 8 năm trước là đúng đắn".

Học trò gọi thầy bằng "cô"

Một người đàn ông đang làm một công việc rất… "đàn ông" là công nghệ thông tin, tại sao ở tuổi 30 anh quyết định chọn lại, mà chọn cái nghề xã hội mặc định là dành cho phụ nữ?

- Ban đầu đó là sự gợi ý của vợ tôi. Cô ấy cũng là giáo viên mầm non. Tính tôi mến trẻ con, không thấy phiền lòng khi trẻ quấy khóc hay nghịch ngợm, không ngại mỗi lúc trẻ ăn chậm… Công việc của tôi khi đó lại không tốt. Thế là vợ gợi ý "hay đi học nghề mầm non". 

Chứng kiến công việc của vợ, tôi hiểu tất cả những khó khăn, cực nhọc của nghề và thấy mình có thể đảm đương được. Vậy là tôi đi học. 

Biết trước những khó khăn của nghề, nhưng anh có biết được khó khăn với một giáo viên nam khi dạy mầm non hay không?

- Khó khăn nhất là giai đoạn đi học. Lớp tôi chỉ có mình tôi là nam giới, không tránh được cảm giác ngượng ngùng, rụt rè. Nhưng bỏ học thì không bỏ được. Tôi phải tự động viên mình vượt qua trở ngại tâm lý.

Tôi xác định mục tiêu của mình là gì, mình sẽ làm việc với ai. Mục tiêu của tôi là trở thành giáo viên, tôi sẽ làm việc với trẻ nhỏ. Vậy thì giới tính không có gì quan trọng cả. 

Người thầy được lũ trẻ HMông ở Mường Lát gọi bằng cô - 2

Thầy Hà Văn Thạo bên các học trò (Ảnh: NVCC).

Tôi cố gắng hoàn thiện các môn học rất khó với nam giới, đặc biệt là múa. Những kỹ năng nhỏ khác tôi phải tập thực hành dần như vẽ, cắt dán thủ công, điều chỉnh giọng nói sao cho nhẹ nhàng, mềm mại hơn. 

Tôi không cố gắng bắt chước các cô hay làm sao cho bằng các cô. Tôi học phương pháp, kỹ năng sư phạm. Những gì là nhược điểm tự nhiên của giới tính, tôi bù đắp bằng phương pháp sư phạm.

Nhờ đó, khi đi dạy, tôi gặp nhiều thuận lợi và may mắn. 

Anh còn nhớ lần đầu tiên được phân công đứng lớp không? Học sinh và phụ huynh đã phản ứng như thế nào?

- Bọn trẻ gọi tôi là "cô". Một phần là thói quen, một phần là vì chúng chưa biết đến khái niệm "thầy". Ngoài cách xưng hô đặc biệt ấy ra thì không có trở ngại nào. Học trò rất hồn nhiên, nhanh chóng làm quen và gần gũi với thầy. 

Một vài buổi đầu tiên, có phụ huynh đến đón con nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng. Họ chưa từng gặp thầy giáo ở trường mầm non nên họ lạ, chứ không phán xét hay cảnh giác gì. Đến khi họ quen rồi thì họ chào đón tôi như các giáo viên nữ khác.

Thực tế, giới tính có cản trở nhất định tới việc chăm sóc trẻ. Ví dụ, thầy giáo khó có động tác nhẹ nhàng, êm ái khi tiếp xúc với trẻ như cô giáo. Rồi vệ sinh cho trẻ thế nào, dỗ dành trẻ ra sao… Anh có gặp những tình huống khó xử với trẻ vì là thầy giáo hay không?

- Tôi không gặp phải tình huống khó xử nào. Tôi được phân công dạy lớp 5 tuổi, độ tuổi các con đã tự chủ trong sinh hoạt. Trẻ em ở vùng cao, nhất là trẻ người dân tộc thiểu số, rất tự lập. Việc đút ăn gần như không có. Nếu có vấn đề liên quan tới vệ sinh cá nhân của trẻ thì giáo viên nữ trợ giúp. 

Tôi cũng học được các kỹ năng để những động tác của mình trong tiếp xúc, chăm sóc trẻ không vụng về, làm đau trẻ.

Với những giờ học khó như múa, tôi thường cập nhật những clip múa hay trên mạng, chiếu lên màn hình tivi cho các con xem và tập theo clip. Vì không biết múa dẻo như các cô nên tôi bù đắp cho các con bằng việc đi học đàn, học hát để khơi dậy sự hứng khởi của các con trong lớp.

Người thầy được lũ trẻ H'Mông gọi bằng "cô" ở Mường Lát (Video: Hoàng Hồng).

Trẻ con là tờ giấy trắng, thầy cô hãy vẽ lên đó những gì đẹp nhất

Dạy học vùng cao đã khó khăn, dạy trẻ mầm non vùng cao càng khó khăn hơn khi bà con dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của bậc học này. Với cá nhân anh, khó khăn lớn nhất khi làm thầy giáo mầm non là gì?

- Khó khăn thì nhiều lắm và có lẽ ai cũng biết rồi. Học sinh Trường mầm non Pù Nhi đại đa số là người H'Mông. Chính quyền địa phương, thầy cô giáo rất vất vả để tuyên truyền, vận động bà con cho con em đi học.

Ở góc độ giáo viên đứng lớp, khó khăn nhất với chúng tôi là hiểu được các con và giúp các con hiểu mình.

Các con phần lớn không thạo tiếng Việt. Để gần gũi được với các con, tôi phải học tiếng H'Mông. Với những trẻ chưa chăm chú trong giờ học, tôi dùng tiếng H'Mông nhắc con mới lôi kéo được sự chú ý của con.

Tôi thường xuyên nhắn nhủ, động viên các phụ huynh chú ý giáo dục song ngữ cho các con tại nhà. Bố mẹ tích cực nói tiếng phổ thông với con, biết từ nào thì nói chuyện với con từ đó. Trẻ nghe tiếng phổ thông tại nhà kết hợp giao tiếp ở trường mới nhanh nắm bắt được ngôn ngữ mới.

Điều này có ý nghĩa quan trọng với các con khi lên lớp 1. Bởi từ lớp 1, các con bắt buộc phải dùng tiếng Việt để học kiến thức. Nếu các con đến trường mà không hiểu thầy cô nói gì, các con sẽ nhanh chóng bỏ học. Bao công lao vận động cha mẹ cho con đến trường sẽ đổ xuống sông xuống bể.

Thầy cô bậc mầm non phải hiểu sự thiệt thòi của những đứa trẻ vùng cao người dân tộc thiểu số để nỗ lực dạy được cho trẻ nhiều nhất có thể, từ kỹ năng, kiến thức theo độ tuổi đến tư duy, cách nghĩ. Đây là hành trang cho trẻ vững vàng lên bậc học cao hơn. 

Trẻ mầm non như tờ giấy trắng, thầy cô mầm non vẽ những nét vẽ đầu tiên lên tờ giấy tinh khôi đó. Hãy vẽ lên những gì đẹp đẽ nhất.

Người thầy được lũ trẻ HMông ở Mường Lát gọi bằng cô - 3

Thầy Hà Văn Thạo nhận bằng khen nhà giáo tiêu biểu năm 2023 từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: NVCC).

Tám năm gắn bó với trẻ mầm non, mong muốn lớn nhất của anh hiện tại là gì?

- Như tôi vừa chia sẻ, trẻ mầm non người dân tộc thiểu số có rất nhiều thiệt thòi, thiếu thốn. Một trong số đó là thiếu sách.

Điều tôi mong nhất hiện tại là sớm có thư viện tại trường mầm non để các con được tiếp cận với sách truyện từ nhỏ, nhen nhóm tình yêu với học tập, tri thức, cũng như tránh xa các thiết bị điện tử - một vấn nạn không chỉ ở miền xuôi mà còn ở miền ngược.

Mỗi lớp mầm non đều có một góc đọc, ở đó giáo viên sẽ đọc sách, kể chuyện cho các con nghe. Giờ đọc này là một trong những hoạt động quan trọng để giúp trẻ phát triển vốn tiếng Việt. Tuy nhiên chúng tôi rất thiếu các đầu sách hay, bổ ích. Chủ yếu tìm tòi tài liệu trên mạng và kể lại cho trẻ.

Vừa qua, các trường mầm non đã được đi tập huấn về thư viện, tuy nhiên chưa có nguồn sách để triển khai.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!

Câu chuyện của thầy Hà Văn Thạo cũng chính là minh chứng rõ nét cho sự thành công của dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.