Quảng Trị:
Tấm lòng nhiệt huyết của những giáo viên “gieo chữ” giữa đại ngàn
(Dân trí) - Bao nhiêu năm qua, các giáo viên dạy học ở vùng núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị không quản ngại khó khăn vất vả để bám bản dạy chữ cho học sinh. Đối với các thầy, cô giáo nơi đây, được thấy học sinh của mình trưởng thành, biết được con chữ Bác Hồ là niềm hạnh phúc to lớn, là món quà quý giá nhất cho sự tận tụy với nghiệp “trồng người”.
Vượt đường xá xa xôi, hiểm trở, chúng tôi tìm đến với vùng núi Pa Nang, huyện Đakrông để được tận mắt ghi nhận hoạt động dạy và học tại địa phương còn nhiều khó khăn này. Xã Pa Nang có tất cả 9 điểm trường, trong đó 7 điểm trường lẻ. Riêng 2 điểm trường Trầm, Cóc được đánh giá là xa xôi và khó khăn nhất.
Từ trung tâm xã Pa Nang, chúng tôi phải "đánh vật" hơn 3h đồng hồ mới đến được với các bản Trầm, Cóc. Đường vào 2 bản Trầm, Cóc phải đi qua nhiều suối, đường đi xẻ dọc khu rừng lởm chởm đá.
Tại đây có 2 điểm trường đó là Trường tiểu học Trầm và Trường tiểu học Cóc. Đây là 2 điểm trường tạm, để dạy chữ cho học sinh, các thầy, cô giáo phải mượn nhà văn hóa cộng đồng của 2 bản rồi che phên tre, nứa để ngăn làm lớp học. Cả 2 điểm trường có 5 lớp với 34 học sinh các khối 1 đến 5. Các lớp phải thay nhau học trong 3 căn phòng tạm dưới chân nhà văn hóa cộng đồng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở vật chất tại 2 điểm trường này còn nhiều thiếu thốn, bàn ghế xiêu vẹo, về mùa mưa thì lớp học bị dột nát. Tham gia dạy học tại 2 điểm trường này có 14 giáo viên (trong đó 3 giáo viên nam, 11 giáo viên nữ). Các thầy, cô cùng tạm trú tại một dãy nhà 4 phòng được xây năm 2008, hiện đã có dấu hiệu xuống cấp.
Nhớ về những ngày đầu lên đây dạy chữ, thầy giáo Nguyễn Công Sanh (40 tuổi), dạy học tại bản Cóc, cho biết: “Những ngày đầu tiên lên đây nhìn mọi thứ xung quanh rất hoang sơ, rừng núi còn nhiều, rừng thiêng nước độc. Người dân địa phương phải lấy tre nứa lợp lại làm nơi cho thầy, cô dạy học. Thiếu thốn trăm bề, sên, vắt nhiều không kể xiết. Đến nay đỡ hơn rồi, nhưng việc đi lại còn khá vất vả, điều kiện dạy học chưa được cải thiện”.
Thầy Sanh bắt đầu liệt kê hàng loạt khó khăn, như: trường học khá tạm bợ, các trang thiết bị thiếu thốn, sách vở cho học sinh không đủ… đây là những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, về phong tục tập quán của bà con, nhiều phụ huynh chưa ý thức cao trong việc học hành nên ít quan tâm đến con em mình. Tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên nương làm rẫy vẫn xảy ra. Vào đầu năm học, các thầy cô phải đi vận động học sinh đến lớp…
Thầy Sanh vào dạy học tại Trầm, Cóc từ năm 2004 đến nay, gia đình thầy ở xa nên ít khi về thăm nhà. Thầy giáo Sanh kể: “Đời sống sinh hoạt tại đây rất khó khăn, nhất là về nước sạch họ phải xuống suối để gánh về sử dụng. Tiết trời trên thượng ngàn khắc nghiệt nên nhiều cô giáo trẻ mới lên đau ốm triền miên.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Liên (SN 1991, dạy học tại Điểm trường thôn Trầm) đã tham gia dạy học ở vùng rẻo cao này được 3 năm nay. Cô Liên cho biết: “Hiện tại Điểm trường thôn Trầm vẫn đang mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng của bản để làm phòng học tạm và dạy chữ. Các em học sinh trên này rất ngoan. Thường thì những khi vào mùa lũ và vụ mùa, thời điểm các học sinh thường trốn học vì phải lên nương làm rẫy cùng gia đình. Công tác vận động gặp nhiều khó khăn. Chị, em trên này cũng thường xuyên yêu thương giúp đỡ, động viên nhau để bám bản dạy học…”.
Đối với nhóm những giáo viên mới, thời gian cắm bản ít hơn, các cô luôn được các thế hệ đi trước tận tình giúp đỡ, truyền thụ kinh nghiệm để các cô hòa nhập nhanh hơn. Luôn tổ chức các buổi vui chơi, tạo sự gắn bó để cùng nhau bám bản dạy chữ nơi miền núi xa xôi.
Thầy giáo Nguyễn Công Quyết, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Pa Nang cho biết: Trong 9 điểm trường Trầm, Cóc là khó khăn nhất, thiếu cơ sở vật chất, trường học. Đây cũng là 2 bản nghèo nhất xã Pa Nang nên việc dạy chữ rất khó khăn.
Về điểm Trầm, Cóc, hầu hết các giáo viên đều trẻ tuổi nên tuổi nghề và kinh nghiệm chưa có. Tiếp xúc với dân bản còn e ngại nên rất khó khăn khi bám bản dạy chữ. Hàng năm chúng tôi cũng phải mở các khóa đào tạo để chia sẻ kinh nghiệm cho những giáo viên trẻ. Hiện tại, chúng tôi đã đề nghị lên Phòng Giáo dục huyện Đăkrông để có công văn gửi lên trên xin thêm kinh phí để mở trường dạy học tại 2 điểm trường là Trầm và Đá Bàn. Những nơi đó còn là trường tạm.
Được tiếp xúc chuyện trò với các thầy, cô giáo, chúng tôi thấu hiểu hơn cái nghiệp “gieo chữ” giữa rừng này. Dù điều kiện khó khăn, xa gia đình nhưng các thầy, cô vẫn tích cực bám bản, tận tình dạy chữ cho học sinh. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các thầy cô chia sẻ ước muốn rằng học sinh của mình chăm ngoan, biết vâng lời, tiếp thu được bài giảng, biết đọc viết thông thạo là món quà quý giá nhất đối với thầy cô.
Th. Đàm - Đ. Đức