Sân trường “hụt hẫng” khi cây xanh bị đốn hạ, tỉa trụi cành
(Dân trí) - Trường THPT Thủ Đức, TPHCM vừa đốn hạ cây phượng được trồng cách đây gần 40 năm. Nhiều học sinh cảm thấy hụt hẫng nhưng theo nhà trường, họ phải cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Những ngày qua, nhiều học sinh Trường THPT Thủ Đức khi đến trường cảm thấy trống vắng, hụt hẫng khi cây phượng cao lớn, rợp bóng mát ở sân trường đã bị đốn hạ.
"Bây giờ khi đến trường, chúng em cảm giác nóng nực, bức bối hơn. Không nhìn thấy cây phượng thân quen nữa, có điều gì đó thiêu thiếu, hụt hẫng rất khó tả", Đức Anh, một học sinh của trường đầy tâm trạng.
Chị Nguyễn Ngọc Dung, có con học tại một trường mầm non tư thục ở Thủ Đức, TPHCM kể, hôm qua đưa con đi học, khi qua khu vực sân chơi của trường (sân chơi nằm tách biệt với khu vực trường học), chị thấy công nhân đang cắt tỉa cây xanh.
Các cây xanh này còn khá nhỏ, chỉ mới được trồng vài năm, được cắt tỉa kỹ nên nhìn sân chơi trống hoác. Người mẹ bày tỏ: "Tỉa cây là việc phải làm nhưng sân chơi này nằm giữa trời, không có mái che, nếu tỉa cây cối trụi thì trẻ cũng khó vui chơi, sinh hoạt ở đây vì sẽ rất nắng nóng.
Sau tai nạn xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, mới đây, một trường mầm non nằm trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM cũng cho đốn hạ 2 cây lâu năm trong sân trường.
Tại Trường THCS Cầu Kiệu, cây bàng cao giữa sân trường vừa được tỉa cành định kỳ chỉ còn trơ lại... mỗi thân cây. Một số trường khác cũng tiến hành chặt, tỉa nhánh cây xanh làm sân trường trở nên "trụi" hơn.
Việc "hạ" cây cần khoa học
Về việc đốn cây phượng lâu năm trong trường, ông Lê Ngọc Khái, Hiệu trưởng Trường THCS Thủ Đức thông tin, trường đã nhờ đơn vị chuyên môn là công ty cây xanh xuống kiểm tra, sà soát cây cối ở trường.
Cây phượng này được trồng cách đây gần 40 năm, trường được tư vấn cần phải chặt bỏ vì có thể bị bật gốc bất cứ lúc nào. Trường đã phải cân nhắc giữa việc chặt bỏ cây với việc đảm bảo an toàn cho học trò, giáo viên.
"Nhìn bề ngoài cây vẫn rất xanh, được nuôi bằng lớp vỏ nên có thể rất dễ bị nhầm. Nhưng bên trong, cây đã lão hóa, thân cây trống hoác, bị mối từ gốc lên tận ngọn", ông Khái nói.
Trong sự việc xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, trước khi cây phượng bị bật gốc đè 18 học sinh, trong đó một em tử vong, hàng năm trường đều liên hệ với công ty cây xanh để kiểm tra cây cối ở trường nhưng đã không phát hiện được nguy cơ bật gốc của cây.
Sau sự việc, một cây phượng lâu năm khác của trường cũng phải đốn hạ, hóa ra gốc cây cũng đã bị mục hết rễ, có thể đổ bất cứ lúc nào.
Trường THPT Marie Curie là một trong những ngôi trường lâu đời nhất và có nhiều cây xanh nhất ở TPHCM, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Bà Nguyễn Thị Quế Vân, Phó Hiệu trưởng cho biết, trường có 29 cây, trong đó 10 cây xà cừ trên 100 tuổi, việc cắt tỉa, đốn hạ cây đều phải có sự đồng ý của các cơ quan ban ngành như Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao...
Hàng năm, trường ký hợp đồng với công ty cây xanh để chăm sóc, xử lý đúng cách, định kỳ một năm 2 lần. Lần kiểm tra gần đây nhất hồi cuối tháng 4, trường đốn bỏ các cây bàng do lo ngại cây bị đổ rễ và công ty cũng đề nghị trường tạo giá đỡ cho một cây sứ bị nghiêng.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Gò Vấp bày tỏ, sau sự việc cây phượng bật gốc làm học sinh thương vong ở Trường THCS Bạch Đằng, các trường sẽ khó tránh khỏi lo lắng. Đây không phải là chuyện sợ trách nhiệm như dư luận lên án mà sợ nhất là có thể gây tai nạn cho học trò, cho thầy cô.
Tuy nhiên, theo ông, các trường đừng vì quá lo lắng mà vội vàng đốn hạn cây xanh như một giải pháp an toàn vì để lại hậu quả rất lâu dài cho môi trường, việc đốn hạ cây cần có tư vấn, rà soát nghiêm túc, hiệu quả từ các cơ quan chuyên môn.
Trong chỉ đạo gần đây, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các sở ban ngành chức năng rà soát kỹ cây xanh trong thành phố, không để xảy ra tình trạng chặt cây xanh bữa bãi trong trường học. Các đơn vị rà soát kỹ cây xanh trồng trong trường học để vừa đảm bảo an toàn cũng như bóng mát cho học sinh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, vấn đề chặt cây nào, giữ cây nào phải để chuyên gia, người có chuyên môn khảo sát, phải hợp lý và khoa học. Mảng xanh rất quan trọng, thành phố đang thiếu cây xanh.
Thành phố thiếu cây canh
"Tính đến cuối năm 2018, TPHCM chỉ có 491,16 ha đất công viên, bao gồm các công viên công cộng và công viên trong khu nhà ở. Diện tích đất công viên chỉ đạt bình quân 0,49 m2/người, chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn chung là từ 12 - 15 m2/người và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Số lượng công viên cây xanh trên địa bàn không đủ đáp ứng với dân số trên 10 triệu người hiện nay. Diện tích cây xanh trên đầu người của TPHCM chỉ bằng 1/18 so với Singapore và thua kém rất nhiều nước trong khu vực" - Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia.
Lê Đăng Đạt