Quảng Bình: Phụ huynh “choáng” với các khoản thu đầu năm

(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều phụ huynh bức xúc gọi điện phản ánh đến phóng viên báo điện tử Dân trí về các khoản đóng nộp đầu năm cao “ngất ngưởng” tại Trường THCS Hải Đình, TP Đồng Hới.

Theo đó, tiền đóng nộp các khoản đầu năm của một học sinh đang theo học tại ngôi trường này từ 2,5 đến khoảng 3,5 triệu đồng. Trong đó có nhiều khoản thu rất cao, chẳng hạn như tiền bảo vệ 190 ngàn đồng/học sinh/năm; tiền gửi xe đạp điện 200 ngàn đồng/xe/10 tháng; tiền công trình hội 750 ngàn đồng/học sinh; tiền quỹ hội trường 300 ngàn đồng/học sinh; tiền quỹ hội lớp 400 ngàn đồng/học sinh...

Trường THCS Hải Đình, nơi đang có rất nhiều phụ huynh choáng với mức đóng nộp đầu năm (Ảnh: Văn Lịnh)
Trường THCS Hải Đình, nơi đang có rất nhiều phụ huynh "choáng" với mức đóng nộp đầu năm (Ảnh: Văn Lịnh)

Một phụ huynh có con học lớp 7 (xin được giấu tên) bức xúc nói: “Tiền lương hai vợ chồng cán bộ quèn mỗi tháng được dăm bảy triệu đồng, phải tằn tiện lắm mới đủ sống qua ngày. Hôm rồi đi họp phụ huynh, tôi thật sự “choáng” khi nghe giáo viên liệt kê các khoản thu đầu năm hết khoảng 3,5 triệu đồng. Đặc biệt có nhiều khoản thu quá cao”. Đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường THCS Hải Đình.

"Thực tế nhà trường "hợp thức hoá" các khoản thu cho phù hợp thôi. Nhiều khoản thu nói là thu tự nguyện, thu thoả thuận chứ thực chất có mấy ai không nộp đâu. Không cho con nộp thì nó ngại với bạn bè, không dám đến trường. Bởi thế, chúng tôi cũng đành "thắt lưng, buộc bụng" mà đóng nộp cho con để cho bằng bạn bằng bè. Nhưng cũng thú thật với các anh, đối với những gia đình giàu có thì chừng đó chẳng đáng giá gì, còn chúng tôi là những người lao động chân tay, thu nhập thấp lại bấp bênh nên phải vay mượn khắp nơi mới có tiền đóng nộp cho con", một phụ huynh khác than phiền.  

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Hà Quốc Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Đình cho rằng, nhà trường thu như thế là không cao, những năm trước còn thu cao hơn.

“Trước khi đưa ra mức các khoản thu, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ công văn hướng dẫn các khoản thu, chi đầu năm của Sở GD-ĐT”, thầy Vũ cho hay.


Thầy Hà Quốc Vũ, Hiệu trưởng trường THCS Hải Đình (áo trắng) trong buổi làm việc với PV báo điện tử Dân trí .(Ảnh: Văn Lịnh)

Thầy Hà Quốc Vũ, Hiệu trưởng trường THCS Hải Đình (áo trắng) trong buổi làm việc với PV báo điện tử Dân trí .(Ảnh: Văn Lịnh)

Lý giải vì sao đã thu tiền bảo vệ 190 ngàn đồng/học sinh/năm, trường lại còn thu thêm tiền giữ xe đạp 10 ngàn đồng, xe đạp điện 20 ngàn/1chiếc/tháng, thầy Vũ giải thích: “Tiền bảo vệ là để bảo vệ tài sản chung của cả trường. Còn tiền giữ xe, ngoài việc chi trả một phần lương cho bảo vệ còn có thể "đập" vào các khoản phúc lợi phát sinh trong nhà trường, gọi là “thu đủ bù chi” ấy mà!".

Thầy Vũ còn cho biết thêm, hiện nhà trường có hợp đồng với hai người bảo vệ, mức lương từ 2,4 đến 2,5 triệu đồng/tháng/người. Toàn trường THCS Hải Đình hiện có tổng cộng 408 học sinh. Như vậy, chỉ cần một phép tính đơn giản cũng có thể biết được số dư của các khoản thu trên là bao nhiêu. 

“Sở dĩ năm nay thu cao, một phần là do trường đang triển khai mô hình “Trường học VNEN” của Bộ GD-ĐT, bởi thế nhà trường phải kêu gọi phụ huynh đóng góp tự nguyện để đầu tư cơ sở vật chất cho 3 lớp (khối 6) hết khoảng 210 triệu đồng”, thầy Vũ giải thích thêm.

Trong cuộc làm việc với PV Dân trí, thầy Vũ cũng thừa nhận rằng, có một số khoản thu Sở GD-ĐT đã chỉ rõ không được thu, tuy nhiên để “hợp thức hoá” thì nhà trường cũng phải đứng ra kêu gọi phụ huynh hỗ trợ tự nguyện để xây dựng nhà trường ngày một khang trang, đẹp đẽ hơn. “Chẳng hạn như vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường đã được đầu tư rất đẹp, tuy nhiên muốn vườn hoa, cây cảnh phát triển tốt thì phải có một nguồn kinh phí để thuê người chăm sóc. Bởi thế nhà trường phải tìm cách vận động phụ huynh đóng góp tự nguyện và tìm các nguồn khác để bù vào khoản chi phí đó”, thầy Vũ nêu khái niệm gọi là “xã hội hoá giáo dục”.

Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm