Nghệ An:

“Choáng” với ngôi trường thu xã hội hóa cao nhất Bắc Trung Bộ

(Dân trí) - Người dân xã miền núi Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp, Nghệ An) đang rất bức xúc trước các khoản thu đầu năm mà Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 đặt ra. Đặc biệt, khoản tiền xã hội hóa lên tới 1.080.000 đồng/học sinh đang khiến các phụ huynh ở đây thực sự “choáng váng”.

Choáng với khoản thu xã hội hóa giáo dục.

 

Điều đáng nói, tiền xã hội hóa tại đây được người dân ví cao thuộc vào dạng nhất Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, trường này còn bắt học sinh lớp 1 mua 35 cuốn vở trong một năm học...

Trường miền núi lập “kỷ lục” thu xã hội hóa

Thời gian gần đây, PV Dân trí tại Nghệ An nhận được nhiều phản ánh của người dân xã Nghĩa Xuân, về việc Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 huy động các khoản thu đầu năm một cách vô lý, có dấu hiệu lạm thu, áp đặt mức xã hội hóa.

Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 mà đích thân là cô Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng nhà trường có một Quyết định thành lập Ban vận động xã hội hóa giáo dục.
Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 mà đích thân là cô Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng nhà trường có một Quyết định thành lập Ban vận động xã hội hóa giáo dục.

 

Để tìm hiểu rõ câu chuyện này thực hư thế nào, PV Dân trí đã vào cuộc khảo sát và thực sự cũng "choáng" với cách làm của trường này. Vào chiều 23/10, rất nhiều phụ huynh đã đổ về Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 để dự buổi họp bàn về việc đóng nộp tiền xã hội hóa. Trao đổi với PV, các phụ huynh đều bày tỏ sự bất bình vì mức thu mà nhà trường đưa ra. Con số trên 1 triệu đồng mỗi học sinh thực sự khiến nhiều người “sốc”.

“Năm ngoái chúng tôi đã phải đóng hơn 900.000 đồng mỗi cháu cho tiền xã hội hóa của trường. Đó là số tiền rất lớn, ngoài khoản đó chúng tôi còn phải lo nhiều thứ khác nữa để con cái được đi học. Năm nay nghe nhà trường thông qua mức xã hội hóa lên đến 1.080.000 đồng, tôi thật sự không tin nổi”, chị Nguyễn T.H. (xã Nghĩa Xuân) chia sẻ với phóng viên.

Tờ trình của Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 gửi một Công ty xin kinh phí, tuy nhiên theo lời của cô giáo tại đây thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể vận động được doanh nghiệp ủng hộ.
Tờ trình của Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 gửi một Công ty xin kinh phí, tuy nhiên theo lời của cô giáo tại đây thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể vận động được doanh nghiệp ủng hộ.

 

Chị H. còn trẻ nhưng đang phải nuôi đến 7 đứa con. Chồng thợ xây, vợ làm ruộng, gia đình chị quanh năm chịu cảnh túng thiếu vì phải lo cho con cái được học hành. Đầu năm học này được thông báo khoản tiền xã hội hóa cao ngất ngưởng như thế, chị rất lo lắng không biết lấy đâu tiền để đóng cho nhà trường.

Không chỉ chị H., rất nhiều phụ huynh khác ở Nghĩa Xuân cũng đang lo lắng và bức xúc vì mức huy động mà nhà trường đề ra. Chị Nguyễn T.X. (SN 1972) cho hay ngoài khoản xã hội hóa, chị còn phải đóng tiền bảo hiểm, học tăng buổi, vệ sinh,... rồi tiền mua sách vở. “Mới đầu năm học, chúng tôi đã phải xoay 3, 4 triệu bạc cho con cái nó được đến trường. Bây giờ tôi cũng chẳng biết lấy tiền đâu mà đóng xã hội hóa”, chị X. bức xúc.

PV Dân trí làm việc với cô Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2.
PV Dân trí làm việc với cô Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2.

 

Làm nghề rửa bát thuê cho một quán ăn gần nhà, mỗi tháng cũng chỉ kiếm được vài ba triệu đồng, khi nghe thông báo phải nộp hơn 1 triệu đồng tiền xã hội hóa, chị N.T.M. cũng thật sự choáng váng. “Khi nghe nhà trường thông báo mức đóng góp tự nguyện xã hội hóa 1.080.000 đồng tôi rất choáng. Nói thật gia đình tôi khá hơn chút so với nhiều người ở xóm, song mức đóng góp như thế là quá cao. Giờ không đóng không được, thấy các cô ghi trong sổ và “ép” chúng tôi ký vào thì cứ ký chứ biết mần răng, vì con đang học ở đó…”, chị M. buồn bã nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các trường học ở Nghệ An đều chú trọng nguồn thu xã hội hóa, tuy nhiên ở mức độ vừa phải trên cơ sở đóng góp tự nguyện. Thậm chí các trường ở địa bàn TP.Vinh nơi dân cư có mức sống cao cũng chỉ huy động từ 400.000 đồng - 600.000 đồng/học sinh. Dù chỉ là xã miền núi nhưng Trường Tiểu học Nghĩa Xuân đã lập “kỷ lục” về khoản thu này.

Xã hội hóa theo kiểu... “nhiệm kỳ”

Phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nghĩa Xuân. Tại đây, vấn đề thu chi, quản lý tiền của nhà trường đã bộc lộ nhiều điểm bất thường, có biểu hiện “chệch hướng” so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 - nơi phụ huynh đang rất bức xúc vì chuyện thu xã hội hóa giáo dục quá cao.
Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 - nơi phụ huynh đang rất bức xúc vì chuyện thu xã hội hóa giáo dục quá cao.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hiện có hơn 470 học sinh ở hai cơ sở. Trong đó, cơ sở 1 vừa được đầu tư sữa chữa dãy phòng học cấp 4. Bà Nga cho hay để nhanh chóng trả hết nợ do tu sửa phòng ốc, Ban giám hiệu đã đặt ra “chỉ tiêu” thu xã hội hóa trong nhiệm kỳ 3 năm học để trả nợ dứt điểm!

“Chúng tôi kêu gọi các phụ huynh mỗi tháng bỏ ra một công (công đi làm thuê) tương đương giá trị một ngày công để ủng hộ nhà trường. Hiện phụ hồ, bốc vác mỗi ngày cũng có thể thu nhập đến 150.000 đồng rồi. Ban giám hiệu muốn nhanh chóng trả hết nợ tu sửa phòng học nên đặt ra chỉ tiêu như thế cho 3 năm học. Việc này cũng đã thông qua chính quyền địa phương và các phụ huynh”, bà Nga cho hay.

Một góc trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 đã khá khang trang sạch đẹp.
Một góc trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 đã khá khang trang sạch đẹp.

 

Lãnh đạo nhà trường cho rằng hầu hết các phụ huynh đều đã đồng ý và ủng hộ với cách làm của trường. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, các phụ huynh lại tỏ ra bức xúc về mức thu quá cao, lại được triển khai theo kiểu “áp đặt”.  Mặc khác, xã hội hóa là nguồn đóng góp tự nguyện đầu mỗi năm học trên cơ sở phương án xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho từng năm. Thế nhưng Trường Tiều học Nghĩa Xuân lại đang thu theo “tầm nhìn” đến 3 năm, “khoán trắng” cho phụ huynh trả nợ tiền xây dựng, tu bổ phòng ốc.

Qua tìm hiểu của phóng viên, Trường Tiểu học Nghĩa Xuân 2 thậm chí không có phương án thu chi đầu năm, tổng hợp các khoản thu, vận động theo dự kiến. Trường này hiện còn triển khai thu thêm tiền tăng buổi và những khoản khác.

Điều đáng ngạc nhiên là UBND xã Nghĩa Xuân lại không được biết những khoản thu tại Trường tiểu học Nghĩa Xuân 2. Trao đổi với PV, lãnh đạo xã này cho hay nhà trường không có thông báo, không thông qua xã kế hoạch về dự án tu bổ, sữa chữa phòng ốc và mức thu xã hội hóa.

Một số phụ huynh đến trường trong buổi chiều 23/10/2015 để họp bàn về việc thu xã hội hóa.
Một số phụ huynh đến trường trong buổi chiều 23/10/2015 để họp bàn về việc thu xã hội hóa.

 

Ông Trương Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho biết: “Chúng tôi cũng có nhận được phản ánh của người dân và đã có tổ chức họp để chấn chỉnh việc này. Đồng thời giao cho nhà trường điều chỉnh lại cho đúng với quy định của ngành dọc giáo dục. Xã chúng tôi cũng bức xúc lắm. Chúng tôi cũng đã gửi công văn cho trường rồi, song không hiểu sao nhà trường vẫn chưa thực hiện. Việc trường thu tiền xã hội hóa như vậy là quá cao”.

Cũng theo ông Chính: “Việc thực hiện xã hộ hóa thì không những vận động trong tầng lớp phụ huynh mà còn bằng cách hoặc biết cách vận động các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng ở đây họ (Trường Tiểu học Nghĩa Xuân) lại không làm được điều này”.

Theo nguồn tin của Dân trí, các phụ huynh tại Nghĩa Xuân đã có đơn gửi Sở GD&ĐT Nghệ An cùng chính quyền địa phương, phản ánh việc thu tiền xã hội hóa của Trường Tiểu học Nghĩa Xuân. Trong thời gian tới, đoàn thanh tra sẽ trực tiếp tại trường này để kiểm tra.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Nguyễn Duy