Ở nơi lấp lánh tình thầy trò

(Dân trí) - “Một tiếng chào của học trò là một niềm vui, một ánh mắt sáng bừng lên khi học trò đã hiểu bài là một niềm vui, học trò nhận biết được mình thương các em là mình vui”.

Mỗi ngày vin vào từng niềm vui nho nhỏ đó giữa bao vất vả khó thể nào tả xiết, cô Trương Thị Ngọc Hà (giáo viên lớp khiếm thính ở Trường chuyên biệt Tương Lai, Đà Nẵng) đã gắn bó đời mình với trường học và những học sinh đặc biệt của cô suốt 20 năm nay.

Niềm vui với cả tấm lòng người thầy của cô Hà cũng là niềm vui của các thầy cô giáo ở Trường chuyên biệt Tương Lai. Không khí mùa hiến chương nhà giáo ở ngôi trường ấy, chúng tôi không thấy rộn cờ hoa, nhưng ở đó lấp lánh tình thầy trò “hiểu nhau qua từng ánh mắt, cử chỉ”.
 
Video clip: Tấm lòng các thầy cô ở Trường chuyên biệt Tương Lai, Đà Nẵng. (Thực hiện: Khánh Hiền)

Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cả trường có 48 cán bộ, giáo viên với 190 học sinh, vẫn còn thiếu giáo viên. Trường chuyên biệt nên phương pháp sư phạm của các thầy cô giáo ở đây cũng có tính đặc thù tùy từng đối tượng học sinh khiếm thính, hay khuyết tật trí tuệ (down, tự kỷ, rối loạn tăng động…)”.

Thầy trò trường chuyên biệt Tương Lai - Đà Nẵng
Thầy trò trường chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng).

Với học sinh khiếm thính, thầy cô giáo phải truyền đạt kiến thức bằng kết hợp cả ngôn ngữ, cử chỉ, ký hiệu. Với trẻ khuyết tật trí tuệ thì tập trung dạy kỹ năng, như học sinh cấp Tiểu học ở đây có 8 năm thì hết 4 năm học kỹ năng từ kỹ năng tự phục vụ, tự làm đẹp (ăn uống, mặc quần áo, giữ vệ sinh…), kỹ năng giao tiếp như muốn uống nước phải nói, đến kỹ năng xã hội

Khó nhất phải kể đến giáo dục trẻ tự kỷ - trẻ bị lệch lạc một trong 5 giác quan của người bình thường, có em cứ ở bóng tối, có em cứ thích mùi toilet, có em cứ đánh người khác liên tục, có em cứ la hét, có em không thích ai tiếp cận… Và các em tự kỷ các dạng lệch lạc khác nhau không thích học chung với nhau. Có lớp 1 giáo viên 3 học sinh là đã nhiều lắm rồi mới có thể dạy các em học hiệu quả.

Chỉ một buổi sinh hoạt ngoại khóa chủ đề “Tình thầy trò” trong buổi sáng ngày 19/11 khi chúng tôi đến thăm trường, cô Trương Thị Kim Hòa - Tổng phụ trách hoạt động ngoại khóa ở trường cho biết thầy cô cùng học trò đã phải tập luyện cả hơn một tháng trời nay; trong khi bình thường thời gian chỉ có 1 - 2 tuần là nhiều.

Thầy trò trường chuyên biệt Tương Lai - Đà Nẵng
 
Thầy trò trường chuyên biệt Tương Lai - Đà Nẵng
Buổi sinh hoạt ngoại khóa chủ đề "Tình thầy trò" trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam ở trường chuyên biệt Tương Lai.

Trong lớp học, một kỹ năng nhỏ như tự mang giày có quai hậu, phải cần đến 4 tiết dạy học sinh mới có thể nhuần nhuyễn các bước lật đúng mặt giày, mang vào chân, gài quai hậu và thực hiện tổng hợp các bước.

“Chỉ có tình yêu thương, sự tận tụy mới có thể gần gũi và dạy các em, giúp các em chủ yếu ở các kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hôi”- cô Trương Thị Hồng Nga - Phó Hiệu trưởng nhà trường từng có 20 năm đứng lớp và phụ trách lớp học sinh tự kỷ chia sẻ.

Nói về nỗi buồn của các thầy cô giáo nơi đây, như một thầy giáo ở đây chia sẻ rằng: “Ai cũng phải chấp nhận ở trường học bình thường, học trò ra đời thành đạt thành kỹ sư, bác sĩ, 10 năm sau có thể quay về trường hậu đáp thầy cô, nhưng học trò chúng tôi 10 năm sau gặp lại thầy cô có thể quên, thậm chí có những hành động mà với người bình thường là vô lễ. Chúng tôi buồn chứ. Buồn mà không hề trách giận các em, còn thương các em hơn”.

Bù lại, như cô Trương Thị Ngọc Hà chia sẻ: “Một tiếng chào của học trò là một niềm vui, một ánh mắt sáng bừng lên khi học trò đã hiểu bài là một niềm vui, học trò nhận biết được mình thương các em là mình vui. Khi nhận thức được tình thương của chúng tôi, các em cũng dành cho chúng tôi lòng thương mến vô bờ bến”.

Lời chúc của các em học sinh viết tặng thầy cô giáo 
Lời chúc của các em học sinh viết tặng thầy cô giáo.

Không chỉ dạy kiến thức, mà các thầy cô giáo ở đây dạy dỗ các em từng cách ứng xử với các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Có em không tâm sự được với người nhà, mà lại chia sẻ những khó khăn mà các em đang gặp với cô giáo ở lớp.

“Những năm đầu tôi đi dạy, trước mỗi năm học phải đến từng nhà để vận động học sinh ra lớp. Phụ huynh giấu nỗi đau có đứa con khuyết tật và giấu luôn cả đứa trẻ trong nhà. Nhiều người không tin con họ thể học, có thể nhận thức được điều gì để đưa con đến lớp. Hoặc phụ huynh chỉ đưa con đến trường học với tâm lý đưa con đến nhà giữ trẻ.

Nhưng bây giờ trình độ dân trí được nâng cao đã xoay chuyển nhận thức xã hội, không còn cảnh giáo viên đến nhà thuyết phục học sinh đưa con ra lớp; mà ngược lại, phụ huynh đưa con đến trường và hợp tác với thầy cô giáo ở trường. Cũng có trường hợp phụ huynh nản, thả tay, chúng tôi phải dỗ dành cả phụ huynh. Bởi phụ huynh buông mà chúng tôi cũng buông thì chúng tôi đã buông bỏ một đứa trẻ bất hạnh, vô tội” - cô Hà tâm sự.

20 năm dạy học ở trường, cô Hà nói chắc chắn một trẻ khuyết tật được đưa đến trường học hành đàng hoàng, được tiếp cận phương pháp sư phạm đặc thù chuẩn mực, có em có thể trở thành những công dân tốt, thậm chí trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đừng mất niềm tin, đừng giấu các em ở trong nhà, không cho các em đi học là thêm một bàn tay đẩy các em ra ngoài lề xã hội

Lời chúc của các em học sinh viết tặng thầy cô giáo 
20 năm đứng lớp, cô giáo Ngọc Hà luôn tin tưởng được đến trường, những học trò của cô sẽ trở thành những công dân tốt.

Thầy Hồ Phi Hổ, thầy giáo dạy bộ môn Mỹ thuật cho chúng tôi xem những bức tranh của học trò với lòng đầy tự hào như một người cha khoe thành quả của con mình. Câu nói của thầy văng vẳng theo chúng tôi: “Đối với những em học sinh ở trường chúng tôi có tình thương đặc biệt hơn. Bởi sinh ra các em đã không may mắn được như bao người bình thường. Các thầy cô giáo ở trường đã về trường là biết rằng phải thương các em hơn gấp trăm lần. Chúng tôi dành cho các em tất cả chân tình”.

Thầy Đoàn Phi Hổ dạy học trò học vẽ
Thầy Đoàn Phi Hổ dạy học trò học vẽ.

Mỗi thầy cô giáo ở đây là một tấm lòng, một trái tim không chỉ lấp lánh tình thầy trò nơi sân trường, lớp học, mà còn là những trái tim thắm đỏ tình người như sắc hoa đỏ giữa vòm cây xanh trong sân ngôi trường mang tên Tương Lai.

Khánh Hiền

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm