Đồng Tháp:
Vợ chồng giáo viên về hưu hết lòng chăm lo học trò nghèo
(Dân trí) -Gần 20 năm qua, thầy giáo Đặng Văn Chính bắt đầu đi “tìm” học sinh nghèo, học sinh bỏ học… để vận động các em đến lớp. Đặc biệt, gặp những học trò nghèo, đỗ ĐH-CĐ chưa được ai "tiếp sức”, thầy Chính giới thiệu cho vợ mình để các em được hỗ trợ kịp thời.
Chồng “tiếp sức” học trò nghèo…
Thầy Đặng Văn Chính là cựu giáo viên Trường tiểu học Phong Mỹ 1 (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1995, thầy Chính được phân công nhiệm vụ thực hiện công tác phổ cập tiểu học. Chính thời gian này, thầy giáo Chính có dịp tiếp xúc nhiều với các em học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn ở địa phương. Và đây cũng là cái duyên sau này thầy giáo Chính tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài ở xã Phong Mỹ.
Thầy Chính chia sẻ: “Công việc phổ cập thời đó khó khăn lắm, nhưng tôi thấy khó khăn nhất là thay đổi tư duy của phụ huynh khi họ không xem trọng việc học hành của con cái. Rất khó thuyết phục các phụ huynh để họ đồng ý cho con em đi học trở lại... Tuy nhiên, mình phải sử dụng phương cách “mưa dầm, thấm lâu”, đồng thời tích cực vận động các ban ngành đoàn thể khác trong xã tiếp tay, từ tuyên truyền, vận động đến góp tiền mua sách vở, quần áo… cho các em. Từ đó họ thấy mình vận động con họ đi học trở lại không chỉ nói suông nên rất nhiều phụ huynh cho con em đi học trở lại”.
Năm 2001, Hội Khuyến học xã Phong Mỹ ra đời, thầy Chính tình nguyện tham gia thêm công tác khuyến học ở xã. Đến năm 2005, thầy Chính về hưu và từ thời gian này, thầy được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phong Mỹ. Năm 2007, thầy được bầu là Chủ tịch Khuyến học xã Phong Mỹ. Vậy là cái duyên “tiếp sức” học trò nghèo, giúp các cháu bám trường lớp của thầy Chính được tiếp tục và kéo dài gần 20 năm qua.
Nhớ lại những ngày tháng làm công tác phổ cập và khuyến học, thầy Chính chia sẻ: “Có nhiều kỷ niệm vui nhưng cũng có lắm chuyện buồn, nhất là khi gặp những phụ huynh chẳng nghĩ xa về chuyện học hành của con em. Không ít phụ huynh gặp mình là bỏ đi, nhiều phụ huynh nói thẳng “học không no được cái bụng” và có phụ huynh còn xé sách, vở… trước mặt mình… Lúc đó, tôi thấy buồn và giận lắm nhưng nghĩ đến các cháu nhỏ mà tiếp tục kiên trì vận động. Nhưng rất may chính phụ huynh đó lại đổi ý đến gia đình xin lỗi tôi và mong tôi tìm cách cho cháu đi học lại. Đó cũng là giây phút tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi làm công tác khuyến học”.
Ông Bùi Văn Nhỏ - Bí thư Chi bộ Đảng ấp 4, xã Phong Mỹ cho biết: “Theo tôi biết thầy giáo Chính có 4 đứa con, trình độ đứa thấp nhất là Đại học, 3 đứa còn lại đều có trình độ Thạc sĩ trở lên. Đáng chú ý nhất là các cháu đang làm việc cho những công ty, đơn vị danh tiếng, thu nhập cao, cuộc sống ổn định. Từ bằng chứng sống động này, cộng với tấm lòng nhiệt huyết cho công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương nên thầy giáo Chính làm công tác khuyến học ở địa phương rất hiệu quả, người dân rất tin tưởng khi thầy Chính nói về “cái được” của chuyện học hành”.
Em Mai Ngọc Quyền - học sinh lớp 7A1 Trường THCS Nguyễn Văn Đừng chia sẻ: “Ngày hôm nay cháu còn đến lớp cũng chính nhờ sự quan tâm của bác Chính. Bác Chính đã trực tiếp đến gia đình thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của cháu và cấp học bổng cho cháu đi học. Cháu hứa sẽ cố gắng học tốt để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô và các cô chú bên Hội Khuyến học xã đã quan tâm và giúp đỡ cháu”.
Bản thân thầy giáo Chính, từ năm 1997 không chỉ bỏ công sức, thời gian tìm kiếm, vận động các học trò nghèo vượt qua khó khăn, bám con chữ… Thầy giáo Chính còn tự nguyện trích lương để mỗi năm cấp 1 suất học bổng cho 1 em học sinh. Hoạt động này cho đến nay thì giáo Chính vẫn còn giữ. Và từ khi thực hiện phong trào nuôi heo đất khuyến học, thầy Chính không chỉ vận động ban ngành đoàn thể, người dân tham gia nuôi heo đất mà bản thân thầy cũng nuôi một con heo đất và tặng hết số tiền cho quỹ khuyến học khi “mổ” heo.
… Vợ lấy lương hưu khen tặng học sinh đỗ đại học
Hôm chúng tôi đến nhà thầy Chính, chỉ có vợ thầy ở nhà. Cô Võ Thị Ngọc Yến - vợ thầy giáo Chính chia sẻ: “Từ khi ông nhà tham gia công tác khuyến học ông cứ đi suốt. Nhất là vào mùa tựu trường, có hôm ông nhà đi đến tận tối mới về nhà. Nói thật ở nhà một mình cũng buồn nhưng nghĩ lại, ông nhà đi tìm hiểu hoàn cảnh các học trò nghèo, giúp các cháu tiếp tục đi học, tôi thấy cũng vui và chấp nhận làm hậu phương cho ông “ra trận”.
Cô Yến cho biết, từ năm 1976 cô về dạy học tại Trường tiểu học Phong Mỹ 3 cho đến ngày về hưu. Trong suốt gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Yến có nhiều cảm xúc, nhất là hình ảnh những học trò nghèo, chịu cảnh đói meo vì không có tiền ăn quà sáng hoặc những học sinh nam đến lớp với bàn chân trần, quần áo xốc xếch, mặt mũi lắm lem…
Cô Yến kể: “Hồi đó dạy học vất vả nhưng vui lắm. Trường lớp chẳng được khang trang như bây giờ, điều kiện đi lại, dụng cụ dạy học… mọi thứ gần như tự thân vận động, kiến tạo để dạy học. Còn các em học sinh thì chẳng có điều kiện vui chơi, giải trí như bây giờ… Chính vì vậy mà cô trò cứ quấn quýt bên nhau… Và cũng nhờ đó mà mình hiểu tính tình, khả năng của từng em để rồi có cách giáo dục riêng, mang lại hiệu quả cơ hơn trong công tác dạy học”.
Từ năm 2005 khi về hưu, cô Yến trích một phần lương hưu và tiền tiết kiệm của mình để khen tặng cho các em học sinh nghèo thi đỗ ĐH, CĐ. Trong đó, đối với con cháu trong dòng họ, cô Yến thưởng 2.000.000 đồng. Đối với các em học sinh nghèo ở địa phương thì không giới hạn số lượng, hễ có danh sách do thầy giáo Chính giới thiệu là cô thưởng 200.000 đồng/em. Riêng những trường hợp em nào khó khăn, gia đình chưa đủ tiền làm hồ sơ nhập học, cô sẵn sàng cho tạm ứng trước để các em hoàn chỉnh hồ sơ nhập học. Tính từ năm 2005 đến nay đã có hàng chục em học sinh được cô Yến khen tặng. Đặc biệt cô đã “bao” hết học phí học tập cho 3 sinh viên trong suốt thời gian ăn học. Hiện tại 3 sinh viên này đã ra trường và có công việc ổn định.
“Chỉ một hai năm gần đây, số học sinh đỗ ĐH, CĐ nhiều lên, còn các năm về trước cả xã chỉ có vài em đỗ là cùng. Do vậy, tôi rất mong danh sách các em thi đỗ ĐH, CĐ nhiều lên, có thể quỹ lương của tôi hao hụt một chút nhưng tôi cảm thấy rất vui. Vì biết rằng ý thức cho con cháu ăn học của các phụ huynh đã nâng lên, chất lượng học hành của con em địa phương đã có sự thay đổi theo hướng tiến bộ”, cô Yến bày tỏ.
Nói về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Yến chia sẻ: “Ngày xưa, cô và trò đều khổ như nhau nên chẳng ai quan tâm đến những món quà nhân ngày 20/11. Mãi về sau này, kinh tế phát triển, tôi và ông nhà nhận được những bó hoa tươi thắm mà phần lớn là do những học trò cũ đã ra trường về thăm thầy cô tặng cho chúng tôi. Riêng tôi, luôn nhắc nhớ các em học sinh của mình rằng: Món quà lớn nhất, giá trị nhất của các em tặng cô, thầy chính là thành tích học tập của các em, qua những bài kiểm tra, kỳ thi mà các em nỗ lực đạt được trong học tập. Và cuối cùng các em phải phấn đấu trở thành một công dân tốt, một người hữu dụng cho đất nước”.
Bà Lê Thị Nhàn - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thầy giáo Chính là một trong những cán bộ Hội rất tích cực trong công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh. Và rõ ràng nhất là phong trào nuôi heo đất khuyến học mà tỉnh Hội phát động thì Hội Khuyến học xã Phong Mỹ làm rất tốt, mỗi vụ "mổ" heo số tiền trên nửa tỷ đồng. Do vậy, về mặt này, Hội Khuyến học xã Phong Mỹ đang dẫn đầu trong toàn tỉnh về phong trào nuôi heo đất khuyến học. Tuy nhiên chúng tôi nhận ra rằng, cái được nhất của các phong trào, như mô hình nuôi heo đất, chương trình “Gương sáng hiếu học” hay "Bà mẹ vượt khó nuôi dạy con học giỏi"… không chỉ là quy động số tiền, số học sinh được nhận học bổng… mà là cụm từ khuyến học, khuyến tài đã “âm thầm” đi vào tâm trí của mỗi người dân, cán bộ. Do vậy, đích đến của việc xây dựng một xã hội học tập mà Trung ương Hội Khuyến học đề ra và Chính phủ mới có chỉ đạo thực hiện là điều hiển nhiên sẽ đến khi mọi người dân, cán bộ ai cũng biết và cùng thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài như người dân xã Phong Mỹ và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang làm. Và chúng tôi tiếp tục làm cho “chất men khuyến học” này ngày một lan tỏa nhiều hơn”.
Gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy giáo Đặng Văn Chính và cô Võ Thị Ngọc Yến luôn được đồng nghiệp, học trò quý mến. Riêng về chuyên môn nghiệp vụ, thầy cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cuối năm đạt danh hiệu lao động tiên tiến… Đặc biệt, thầy Chính, cô Yến còn nhận được huy chương Vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD-ĐT và nhiều giấy khen các cấp trong sự nghiệp dạy học và công tác khuyến học, khuyến tài… Tuy nhiên, đối với thầy Chính và cô Yến, phần thưởng lớn nhất của đời giáo viên là đào tạo ra những công dân tốt cho xã hội. Và càng ý nghĩa hơn khi về hưu, hai thầy cô đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa khuyến học, khuyến tài ở địa phương để cùng với các cấp lãnh đạo xây dựng một xã hội học tập, giúp đất nước ngày thêm phồn vinh, phát triển.