Nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2016: Ngành Tâm lý - ngã rẽ thú vị trong cuộc đời

(Dân trí) - Ở tuổi 33, giảng viên Bùi Thị Hồng Thái, Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia HN trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016. Cô tâm sự: "cuộc sống có nhiều ngã rẽ và cơ duyên đến với ngành tâm lí học là một ngã rẽ thú vị trong cuộc đời tôi".

Một trưa đầu đông, tôi gặp Hồng Thái tại ngôi trường đã gắn liền với tên tuổi của các giáo sư đầu ngành Sử học, Văn học, Tâm lí học và nhiều ngành khoa học cơ bản khác của Việt Nam. Bên bàn trà, Hồng Thái đã chia sẻ với tôi chặng đường đưa cô đến với Tâm lí học và trở thành nhà nghiên cứu chuyên tâm với ngành khoa học này.

Cơ duyên với nước Pháp

Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Nam Định, Hồng Thái là lứa học sinh đầu tiên của hệ song ngữ phổ thông Việt - Pháp. Trong 7 năm học cấp 2 và 3, giáo viên dạy tiếng Pháp đã nhen lên tình yêu với đất nước và văn hoá Pháp trong cô học trò nhỏ. Rồi như bao bạn trẻ cùng lứa, năm 2002, cô học sinh thành Nam trở thành tân sinh viên khóa 47, Khoa Tâm lí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, để tiếp tục có một sự gắn kết gì đó với văn hóa và ngôn ngữ Pháp.

Bởi khi ấy, Khoa Tâm lí học có chương trình đào tạo phối hợp với ĐH Toulouse, của Pháp. Hồng Thái tâm sự, cuộc sống có nhiều ngã rẽ và cơ duyên đến với ngành tâm lí học là một ngã rẽ thú vị trong cuộc đời tôi.


Nữ PGS.TS trẻ nhất Việt Nam năm 2016 - Bùi Thị Hồng Thái

Nữ PGS.TS trẻ nhất Việt Nam năm 2016 - Bùi Thị Hồng Thái

Năm 2006, với tấm bằng cử nhân trong tay, Hồng Thái nhận được học bổng của cơ quan Đại học Pháp ngữ AUF để học thạc sĩ tại Pháp. Những năm tháng đầu tiên được đến Pháp là những tháng ngày thỏa mãn được tình yêu văn hóa và ngôn ngữ Pháp thủa thiếu thời của Thái và tiếp tục mở ra cho cô gái trẻ những suy nghĩ mới. Thái nhớ khi ấy, lớp học của cô gồm các lưu học sinh và các giảng viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong số ấy có một giảng viên người nước ngoài đã reo rắc vào cô học viên Việt Nam rằng trở thành tình nguyên viên ở một xứ sở xa xôi nào đó thì rất tốt, song để trở thành giảng viên đại học thì sẽ đóng góp được nhiều hơn cho xã hội và cộng đồng.

Thế là những định hướng của các GS. Minh Đức và giáo sư người nước ngoài đã làm cho con đường trở thành giảng viên đại học định hình một cách rõ ràng hơn, thực tế hơn.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp, Hồng Thái Quay trở lại mái trường ĐHKHXH&NV với vai trò là giảng viên. Lúc này, thêm một lần cơ duyên được gặp GS. Minh Đức lại mở ra những tri thức và đường hướng mới cho Hồng Thái. Cô có cơ hội được tham gia vào các công việc chuyên môn khác nhau như dịch tài liệu cho sách chuyên khảo, tham gia làm đề tài nghiên cứu.

Một Hồng Thái – giảng viên đã bắt đầu công việc giảng dạy với những buổi đứng lớp, truyền thụ kiến thức và cảm hứng về tình yêu đối với tâm lí học.

Năm 2009, Hồng Thái tiếp tục nhận được học bổng AUF để làm tiến sĩ cũng tại Pháp. Đến bây giờ cô vẫn biết ơn AUF và cho rằng đất nước, văn hóa cũng như con người Pháp là những xúc tác, khiến cho cô học tập và làm việc hăng say và tin tưởng. Đến năm 2014, gần 2 năm sau khi đã nhận bằng tiến sĩ của Pháp, Hồng Thái thêm một lần lại nhận được học bổng cũng của AUF để nghiên cứu sau tiến sĩ về phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại trường Toulouse 2 Le Mirail.

Vì cơ duyên học tiếng Pháp từ phổ thông và có một thời gian dài học tập, sinh sống tại Pháp nên Hồng Thái vô cùng yêu tiếng Pháp, văn học Pháp, các bài hát tiếng Pháp. Cậu con trai của vợ chồng cô cũng được sinh ra trên đất Pháp và đến phòng Lab cùng mẹ khi còn ẵm ngửa. Giờ cậu bé đã hơn 6 tuổi, song những giáo sư người Pháp đã từng là giảng viên của mẹ cậu trên giảng đường đến giờ vẫn luôn coi cậu là kỉ niệm đẹp nhất mà mẹ Hồng Thái của cậu đã có trên đất Pháp.

May mắn là “học trò của cô Minh Đức”

Khi tôi bảo, Hồng Thái thật may mắn gặp được những người thầy tốt trong cuộc đời, cô ấy cũng đã rất đồng tình mà rằng, “không thầy đố mày làm nên” rất ứng với cuộc đời của cô. Ở bậc phổ thông, Thái đã được khơi gợi tình yêu với ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Những ngày đầu bước chân trên giảng đường đại học, cô được gặp GS. Trần Thị Minh Đức, Trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn, nữ GS đầu tiên và duy nhất của ngành Tâm lý học ở Việt Nam hiện nay.


PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái và bạn bè quốc tế

PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái và bạn bè quốc tế

Suốt quãng đời sinh viên, Hồng Thái may mắn vì được đi theo và là “học trò ruột” của GS.TS Trần Thị Minh Đức, người đầu tiên dìu dắt Hồng Thái đến với con đường khoa học, định hướng nghề nghiệp, dìu dắt Hồng Thái về chuyên môn, về cách làm khoa học.

Ngoài những nỗ lực của bản thân thì chính sự định hướng của cô Minh Đức đã giúp Hồng Thái làm việc có hiệu quả hơn. Hồng Thái cho rằng, trong bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào, mỗi người trẻ đều nên có hình mẫu lý tưởng để phấn đấu và làm việc thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Cá nhân Hồng Thái rất tự hào và yêu mến danh xưng “học trò của cô Minh Đức” mà một số bạn bè, đồng nghiệp vẫn gọi.

Bên cạnh đó, những năm tháng học ở Pháp, Hồng Thái cũng nhận được sự dẫn dắt của những giáo sư vô cùng giỏi và nghiêm túc, nhiệt huyết với nghề. Những người thầy đó chính là những tấm gương mà Hồng Thái muốn noi theo. Họ là những người giỏi về chuyên môn, tận tâm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Và trên hết, những người thầy ấy là những người sống gần gũi và luôn tràn đầy tình yêu thương.

Trước khi trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam, Bùi Thị Hồng Thái là một người vợ, một người mẹ, một giảng viên – người làm nghiên cứu khoa học. Hồng Thái luôn biết ơn người bạn đời của mình, người đã tạo cho cô sự an tâm và tin tưởng, để cô có thể dành nhiều hơn thời gian và công sức cho công việc chuyên môn. Đến giờ Hồng Thái không có cảm nhận là việc làm vợ hay làm mẹ cản trở công việc chuyên môn vì phần lớn việc nhà đã được chồng chia sẻ. Hai vợ chồng nữ phó giáo sư cùng thống nhất là thời gian dành cho con cần được ưu tiên nhất và cùng hỗ trợ nhau trong các công việc nhà, để mỗi người đều có thể hoàn thành tốt nhất công việc chuyên môn.

Con đường khoa học nối dài

Để trở thành PGS hay GS đều có những qui định chung tối thiểu về các công bố khoa học, hướng dẫn khoa học và các kết quả của các hoạt động khoa học khác. Bùi Thị Hồng Thái thấy rằng, việc được công nhận học hàm PGS là kết quả hoạt động cụ thể của cả một chặng đường dài đã qua, không phải là công việc phút chốc. Trở thành nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2016 mang đến cho Hồng Thái niềm vui, niềm tự hào, đồng thời cũng là một dấu mốc nhắc nhở cá nhân cô tiếp tục thể hiện trách nhiệm của người làm khoa học. Hồng Thái vui vì những cố gắng trong nghiên cứu và giảng dạy của bản thân đã được các thành viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ghi nhận. Chức danh PGS đồng thời là động lực để Hồng Thái có ý thức phấn đấu hơn nữa trong việc làm chuyên môn ở những năm tháng sau này.

Sau này, khi trở thành một thành viên trong nhóm nghiên cứu về tâm lí học lao động và tổ chức; về những rối nhiễu tâm lý ở phụ nữ sau sinh; về việc sử dụng mạng xã hội ở thanh thiếu niên Việt Nam... Mỗi nghiên cứu được công bố là thêm một lần tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu.

Con đường nghiên cứu khoa học cũng đêm đến cho Hồng Thái những trải nghiệm đẹp. Cô nhớ những ngày cô và đồng nghiệp cùng lĩnh vực tâm lí học từ khắp các châu lục hội tụ tại hội thảo quốc tế tổ chức ở Bờ biển Ngà hay ở Ý, cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu trong những khung cảnh đẹp như mơ.

Hồng Thái cho biết, điều trăn trở nhất hiện nay của cô là làm sao có các công bố trên những tạp chí khoa học quốc tế uy tín của ngành. Ngành Tâm lý học có bề dày trên thế giới nhưng còn quá non trẻ ở Việt Nam. Những người nghiên cứu trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để quốc tế hóa các kết quả nghiên cứu của mình.

Hiện tại, PGS. Bùi Thị Hồng Thái đang nỗ lực xây dựng mạng lưới hợp tác với các nhà nghiên cứu trên thế giới, chủ yếu là trong khối Pháp ngữ để tăng cường các nghiên cứu chung và các bài công bố quốc tế.

Đỗ Ngọc Diệp

Dòng sự kiện: 34 năm Ngày Nhà giáo VN