Nói “không” với sinh viên tại chức là không công bằng
(Dân trí) - Sự kiện TP Đà Nẵng vừa thông báo từ năm 2011 sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước đã gây xôn xao dư luận, đa số ý kiến không đồng tình vì cho rằng như vậy không công bằng đối với người học.
Trước chủ trương trên của Thành phố Đà Nẵng, nhiều giáo sư, nhà quản lý giáo dục đã có ý kiến :
Đà Nẵng nói “không” với bằng tại chức là không công bằng về mặt pháp lý. Hiện nay các hệ đào tạo do Nhà nước quy định đã ghi rõ trong Luật Giáo dục, bằng đại học chính quy và không chính quy đều bình đẳng như nhau. Có thể bằng tại chức đánh giá là kém nhưng Nhà nước đã công nhận rồi. Nếu Đà Nẵng nói như vậy là vi phạm Luật nhưng ở ta không ai kiện, không ai xử, họ muốn làm gì thì làm.
Đó là về mặt pháp lý, còn phía nhà tuyển dụng không nên quan niệm quá về bằng cấp, cứ tuyển dụng, cứ thi đi nhưng phải nghiêm túc và công bằng, không gây tệ nạn trong đó, người giỏi thì vào. Chúng ta nên hiểu rằng năng lực con người không phải phát triển theo đường thẳng tùy theo từng độ tuổi.
Tuy nhiên, qua sự việc này ngành giáo dục cũng nên nhìn nhận lại đào tạo hệ tại chức hiện nay vì nhiều trường đại học, sinh viên hệ chính quy chỉ có khoảng 3.000 sinh viên nhưng hệ đào tạo tại chức lên tới hơn 10.000, chất lượng lại không đảm bảo.
Chủ trương TP.Đà Nẵng vừa thông báo từ năm 2011 sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước, theo tôi phân biệt đối xử như vậy là không đúng, phải căn cứ vào thực chất chứ không nên dựa quá nhiều vào bằng cấp.
Tuyển là quyền của nhà tuyển dụng nhưng không nên nói không với cả một hệ đào tạo. Nếu nói về chất lượng hệ tại chức là do người tuyển dụng chứ không phải do bằng cấp. Trong tuyển dụng nếu bằng tại chức vẫn đảm bảo yêu cầu tuyển dụng thì vẫn nên tuyển. Theo tôi dù là bằng chính quy hay bằng tại chức, không thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng thì không nên tuyển nhưng không nên nói không với hệ đào tạo nào đó như vậy là cực đoan.
Chính cách tuyển dụng sẽ tác động đến đào tạo, dù có bằng cao nhưng kiểm tra thực tế không thỏa mãn nhu cầu thì anh không tuyển như thế sẽ tác động trở lại với nhà đào tạo để họ đào tạo làm sao để nâng cao được chất lượng đào tạo.
Luật giáo dục đã quy định, mọi văn bằng đều có giá trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bằng tốt nghiệp của một người học ở trường đại học vùng cũng có giá trị như bằng tốt nghiệp ở một trường ĐH trọng điểm, điều này đã rõ ràng rồi.
Có thể nhà tuyển dụng cho rằng, không nhận cử nhân tốt nghiệp ĐH tại chức là để nâng cao chất lượng đầu vào. Điều này cũng có thể hiểu được vì chất lượng đào tạo không chính quy còn hạn chế, nhưng không phải tất cả những người học không chính quy đều yếu kém. Trong những lớp học buổi tối, tôi tin vẫn có những người học thực sự. Ngược lại, sinh viên hệ chính quy cũng thế. Không phải ai học chính quy cũng đều là học giỏi, học nghiêm túc.
Theo tôi, điều quan trọng để nâng cao chất lượng tuyển dụng cán bộ công chức chính là cách tuyển chứ không phải cách loại hồ sơ. Muốn tuyển những công chức giỏi, hãy tìm cách nâng cao chất lượng đề thi đầu vào để tìm những người thực sự xứng đáng.
Quyết định không tuyển dụng người có bằng tại chức của TP. Đà Nẵng là cực đoan vì không phải tất cả những ai học tại chức đều kém còn học chính quy là tốt. Tôi đảm bảo nếu lấy tiêu chí “trình độ thực tế” để chọn, khối người có bằng chính quy vẫn bị rớt như thường. Còn người học tại chức, nếu có ý thức tự học tốt, động cơ học đúng đắn vẫn có thể có trình độ đáng nể.
Thực tế cho thấy rất nhiều người đã và đang có cống hiến trong nhiều lĩnh vực đều đi lên từ việc tự học là chính. Khi chúng ta không thể kiểm soát được chất lượng mà đóng luôn “cửa tại chức” thì không nên. Việc này vô hình trung đi ngược với chủ trương khuyến học, khuyến tài của Nhà nước. Đà Nẵng nên cân nhắc lại quyết định này, lấy “năng lực thực tế” là tiêu chí ưu tiên thay vào việc phân biệt loại văn bằng.
Theo xu hướng chung trên thế giới, cần phải mở ra nhiều con đường khác nhau để tạo điều kiện cho mọi người được học tập và học tập suốt đời. Nhất là với điều kiện Việt Nam, các trường không thể đáp ứng hết nhu cầu đào tạo chính quy nên hình thức đào tạo tại chức vẫn cần thiết, tiết kiệm rất nhiều kinh phí của Nhà nước.
Nhưng trong một thời gian dài khi việc đào tạo tại chức bung ra, chất lượng đào tạo đã không được kiểm soát chặt chẽ. Việc nhiều cán bộ nhà nước đi học để hợp thức hóa yêu cầu bằng cấp cũng phổ biến. Tuy nhiên, lỗi không phải do cái bằng tại chức mà do động cơ của người học, do quan niệm không cấp tiến của người tuyển dụng khi không chú trọng năng lực và chỉ cần bằng cấp.
Hồng Hạnh (ghi)