Tiêu điểm:
Sự cảnh báo sau lời từ chối
(Dân trí) - Bằng tốt nghiệp đại học tại chức, đại học dân lập không được xem trọng, đó là một thực tế. Mà đã là thực tế, dù muốn hay không muốn nhìn nhận thì nó vẫn tồn tại.
Sự từ chối này có căn nguyên mà nếu không tìm ra đúng bệnh để chữa thì dù có lên tiếng bảo vệ cách nào, các loại bằng này cũng không thể được xã hội nhìn nhận khác đi. Thật thiệt thòi cho những người học tại chức, nhưng công tâm mà nói, có mấy ai đi học tại chức mà học hành tử tế. Số được như vậy rất ít, còn học để đối phó, vì tấm bằng thì nhiều. Ngay cả người muốn được học hành đàng hoàng thì trong môi trường tại chức cũng không có gì nhiều để học. Bởi vì bản thân phía tổ chức đào tạo, phía người dạy cũng không chú trọng đến chất lượng và trách nhiệm đối với người học.
Đối với đại học dân lập, Bộ GD ĐT cấp phép thành lập quá dễ dàng, trường đại học nhiều không đếm xuể. Đây là món kinh doanh lợi nhuận cao nên nhiều cá nhân bỏ tiền đầu tư. Cho dù không có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đúng chuẩn, không đủ cán bộ giảng dạy nhưng họ đều “chạy” được giấy phép thành lập trường. Với những trường như vậy, thật khó có cơ sở để có thể đào tạo được những cử nhân, kỹ sư có chất lượng thực sự. Có một số trường đại học dân lập hoạt động tốt, sinh viên ra trường tự tin và có đủ bản lĩnh hội nhập xã hội. Tuy nhiên, trường tốt như vậy rất ít, không đủ để làm thay đổi hình ảnh của trường dân lập trong xã hội.
Qua đợt tuyển sinh năm nay có thể thấy được hậu quả của việc mở trường đại học tràn lan. Trường nhiều, người học ít nên việc tuyển sinh không chú trọng đến chất lượng mà mong có số lượng. Chính vì vậy nên chất lượng đầu vào quá thấp, nhiều học sinh nhận giấy báo trúng tuyển từ các trường dân lập mà không hiểu vì sao mình đậu đại học. Với chất lượng đầu vào như vậy, với điều kiện cơ sở vật chất và nguồn giảng viên thiếu thốn, không ai tin được sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng.
Đà Nẵng trước đây và vừa qua là Nam Định là hai địa phương từ chối bằng đại học tại chức và dân lập, có thể còn nhiều địa phương khác cũng không mặn mà với các loại bằng này nhưng họ không tuyên bố công khai. Nhưng những phản ứng từ trong xã hội buộc các trường từ công lập đến dân lập phải nghiêm túc nhìn nhận lại chất lượng đào tạo, bởi vì rồi đây, sẽ có nhiều lời từ chối không phải đối với trường công hay trường dân lập, mà từ chối những trường đào tạo chất lượng thấp. Lúc đó chỉ có trường giỏi và trường dở mà thôi.
Xét cho cùng đó cũng là một sự công bằng, một cuộc vận động theo quy luật của thị trường. Sản phẩm tốt thì được đón nhận, sản phẩm kém thì không ai mua. Chắc chắn đã đến lúc các loại trường đại học bát nháo phải sập tiệm, những trường còn lại bắt buộc phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Có những lời từ chối rất đáng được ghi nhận, bởi vì đó là lời cảnh báo cần thiết cho dù có phần cay đắng.
Lê Chân Nhân