“Chê” SV dân lập: “Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ phải thổi còi”

(Dân trí) - “Nói một cách nhẹ nhàng thì quy định không tuyển làm cán bộ công chức những sinh viên tốt nghiệp ngoài công lập của Nam Định là trái với tinh thần của pháp luật” - Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH, Đào Trọng Thi bày tỏ.

Thưa ông, quy định không tuyển dụng làm cán bộ, công chức những sinh viên tốt nghiệp ngoài công lập không chỉ khiến những người có quyền lợi trực tiếp “bức xúc” mà cả dư luận nói chung cũng đang “nóng” xung quanh chủ đề này. Ông có ý kiến gì?

Vấn đề đặt ra là UBND tỉnh với tư cách cơ quan quản lý nhà nước mà ban hành một văn bản như vậy là không phù hợp. Nói trái luật thì hơi “đao to búa lớn” nên tôi cho là trái với tinh thần của pháp luật. Nói một cách nhẹ nhàng là như thế.

Vì Luật Giáo dục thừa nhận sự tương đương và sự chính thống của văn bằng tại các trường công lập và ngoài công lập. Giờ tỉnh lại chỉ đạo các cơ quan tuyển dụng như thế là có sự phân biệt đối xử, là vi phạm.

Công dân có quyền và có cơ hội tham gia việc tuyển dụng đó còn có được hay không cần được xem xét cụ thể. Xem xét cụ thể là những người tuyển dụng cụ thể chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo những cơ quan xem xét cụ thể.
 
“Chê” SV dân lập: “Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ phải thổi còi” - 1
Ông Đào Trọng Thi: Phải thổi còi với quy định không tuyển sinh viên ngoài công lập. (Ảnh: Việt Hưng)

Thứ hai, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để tăng thêm các nguồn đầu tư cho giáo dục, trong đó rất chú trọng phát triển hệ thống ngoài công lập và phải nói cho đến nay chúng ta còn muốn phát triển hơn nữa. Cụ thể, ta muốn 40% giáo dục đại học là các trường ngoài công lập đảm nhận mà giờ mới được 14 - 15%. Ra một lệnh như Nam Định thì chẳng khác gì ngăn chặn xu hướng đó.

Thứ ba, cũng chẳng có cơ sở gì để khẳng định các em tốt nghiệp ngoài công lập là kém. Có thể đánh giá chung thì thấy khối này có vẻ kém khối kia nhưng đây là con người cụ thể. Trường ngoài công lập người ta vẫn có những sinh viên giỏi thậm chí là giỏi hơn sinh viên loại trung bình loại khá của trường công lập và tôi nghĩ cũng có thể người ta có cả sinh viên giỏi nhất .

Anh đặt ra như thế này thì anh đã chặn đi một nguồn nhân tài có thể có. Anh loại người ta trước khi anh tuyển dụng.

Qua quy định của Nam Định và thực tiễn tuyển dụng công chức hiện nay, ông có cho rằng, các địa phương đang lúng túng trong công việc này?

Tôi nghĩ nói lúng túng là phải. Cách tuyển chọn hiện nay của ta là không đúng, quá hình thức, quá hời hợt. Gần như quá trình tuyển dụng ấy ít quan tâm tới những yếu tố đánh giá năng lực thực sự của người tuyển chọn.

Một kỳ thi phản ảnh cái gì. Với kiến thức ấy, điểm thi ấy có chắc là tuyển được người nổi trội không. Trong khi đó mình phải đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hoặc mình phải xem xét theo một quy trình khác mà theo tôi, tốt nhất là qua quá trình thử việc. Làm như vậy sẽ kỹ hơn nhiều.
 

“Quy định không tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học ngoài công lập của cơ quan quản lý nhà nước là sai, còn nếu cơ quan tuyển dụng cụ thể thì họ có thể tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học công lập, thậm chí phải là từ những trường đại học nào nữa. Tôi nói như một trường đại học tuyển giảng viên, không những chính quy, công lập mà có thể phải xếp loại giỏi rồi mới xem cụ thể như thế nào”.

Qua quy định của Nam Định cũng như một vài địa phương đang “nhen nhóm” quy định như tỉnh này, nhiều người lo ngại, việc làm sai tinh thần của pháp luật như ông nói sẽ phổ biến hơn?

Các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước nên có giải pháp kịp thời. Trước hết,  Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục - Đào tạo là những cơ quan trực tiếp liên quan đến vấn đề này thì chưa thấy ai lên tiếng. Tôi nghĩ, phải thổi còi với những quy định như vậy.

Vậy UB Văn hoá Giáo dục và Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có thể “can thiệp”, tác động gì vào vấn đề này?

Chúng tôi giám sát là giám sát việc thực thi pháp luật của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, bởi vậy chỉ khi nào hiện tượng này lan rộng, phổ biến và có nguy cơ ảnh hưởng đến chính sách pháp luật của nhà nước thì UB sẽ đặt vấn đề giám sát.

Nhưng giám sát của chúng tôi không phải giám sát những đơn vị cụ thể mà giám sát việc thực thi pháp luật của nhà nước. Chứ còn bây giờ hiện tượng lẻ tẻ thế này thì hoàn toàn nằm trong tầm tay và nằm trong trách nhiệm của Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT.

Hai bộ đó phải xem xét và với những văn bản không đúng tinh thần của pháp luật, không đúng quy định của nhà nước cần phải ngăn chặn hoặc góp ý kiến, nhắc nhở.

Quy định của Nam Định là trái pháp luật, nhưng xét ở khía cạnh khác, cũng có ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo tại các trường ngoài công lập nói chung còn kém nên mới có định kiến từ phía cơ quan soạn thảo quy định tại Nam Định?

Nói chung là như thế, nhưng ở đây mình đang tuyển chọn con người cụ thể chứ mình có tuyển chọn trường công lập với trường dân lập. Nếu tuyển chọn để xếp hạng trường công lập với dân lập thì lại là chuyện khác.

Không thể nói một sinh viên bất kỳ nào của trường ngoài công lập lại kém một sinh viên bất kỳ nào ở trường bên kia. Em kém của bên trường công lập vẫn được tham dự trong khi em giỏi của bên ngoài công lập bị loại ngay từ đầu, liệu có là công bằng.

Xin cảm ơn ông!
 

Trao đổi với báo chí về quy định “nói không” với sinh viên tốt nghiệp đại học ngoài công lập của Nam Định, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, bộ này đang cho các vụ, các đơn vị nắm bản chất vấn đề rồi sẽ có phương án cụ thể.

Khi được hỏi về đánh giá chất lượng công chức công lập và ngoài công lập, ông Bình cho rằng, chưa có báo cáo cụ thể nào đánh giá, tổng kết để so sánh về vấn đề này.

Trước câu hỏi, tỉnh Trà Vinh, nơi trước đây ông Nguyễn Thái Bình làm Bí thư, Chủ tịch HĐND, những cán bộ từng tốt nghiệp đại học ngoài công lập có hoàn thành nhiệm vụ không, ông Bình nói: “Tỉnh có nhiều cán bộ từng học ngoài công lập và đương nhiên phải hoàn thành nhiệm vụ thì mới được công tác tiếp”.

 
 
Cấn Cường (thực hiện)