Những thách thức của giáo dục phổ thông năm 2021
(Dân trí) - Năm 2020, dịch Covid-19 làm giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi. Một số chuyên gia hy vọng năm 2021, giáo dục sẽ vượt qua thử thách để có bước đột phá.
GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội- một trong 7 trường ĐHSP trọng điểm đổi mới chương trình đào tạo: "4 thách thức của năm 2021"
Năm 2020 cả thế giới đã và đang trải qua những biến động khủng khiếp, Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Với những quyết sách đúng đắn và kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân chúng ta đã và đang kiểm soát tốt về tình hình dịch bệnh.
Đối với ngành giáo dục cũng chịu tác động không hề nhỏ. Những thay đổi mang tính bắt buộc để kịp thời ứng phó với tình hình đã cho thấy sự phù hợp đối với thực trạng và cho nhiều bài học giá trị.
Năm 2021 sẽ là năm có những thuận lợi. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, có những vấn đề quan trọng đối với ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, sẽ không ít thách thức đối với giáo dục đất nước.
Thứ nhất, đó là đòi hỏi tính thích ứng với những biến động khó lường của dịch bệnh, trong khi phải tổ chức dạy và học đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Thứ hai, đó là đòi hỏi tư duy mới trước những thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, những ngành nghề mới mang tính liên ngành chưa được chuẩn bị trong chương trình đào tạo trước đó.
Thứ ba, việc tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Tuy nhiên quá trình triển khai gặp không ít khó khăn do sự chồng chéo giữa các văn bản qui phạm pháp luật và để tìm cách làm mới, phù hợp sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề đặt ra.
Thứ tư, việc tiếp tục triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn cơ, đòi hỏi đi vào chiều sâu, mang tính thực chất hơn nữa, yêu cầu sự quyết liệt của cả hệ thống.
Trong đó, đổi mới phương thức quản lý, đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phải thay đổi thói quen vốn dĩ đã có từ rất lâu. Đây là điều không thể một sớm một chiều.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường sư phạm triển khai công tác này nhưng cần phải thường xuyên, liên tục hơn nữa.
Năm 2021, sẽ tổ chức thực hiện chương trình phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6. Những môn học mang tính tích hợp cao bắt đầu xuất hiện.
Việc này đặt ra những yêu cầu ngày càng cao của công tác bồi dưỡng cũng như sự tự thân của mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy cô.
Năm 2020 đã cho chúng ta bài học đắt giá. Trước thềm của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trước những quyết sách mới, tiến bộ chúng ta kỳ vọng vào những thành quả tốt đẹp của giáo dục. Đó là sự chuyển mình của giáo dục toàn diện; đó là môi trường học đường văn minh, đó là tác động tích cực của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, đó là hệ thống giáo dục sẽ nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, tôi kỳ vọng trẻ em vùng cao, vùng biên giới, hải đảo sẽ có trường học tốt hơn; nhà công vụ của thầy cô sẽ đầy đủ hơn; sự bình đẳng và ưu việt của tiếp cận giáo dục của mọi trẻ em đều được quan tâm hơn nữa.
TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội: "Thích ứng với khó khăn làm tăng đề kháng"
Năm 2020 rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Học sinh không đi học, nhiều trường tư thục thiệt hại về kinh tế, tiền công và lương bổng cho giáo viên cũng giảm sút đáng kể.
Việc giãn cách xã hội thúc đẩy các trường đều cố gắng, đặc biệt "cái khó ló cái khôn", thầy cô bắt tay vào dạy trực tuyến, sẵn sàng ứng phó với cam go và rèn luyện kĩ năng.
Nhờ đó, cô giáo trở nên linh hoạt hơn vì buộc phải sử dụng công nghệ thông tin. Nhìn nhận từ trường mình, tôi cho rằng việc thích ứng với khó khăn đã khiến "sức đề kháng" của nhiều người trở nên tốt hơn. Bằng sự nỗ lực, năm học 2019-2020 đẫ kết thúc trọn vẹn, tốt đẹp.
Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên chúng ta thực thi chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực ở lớp 1.
Đây có thể xem là năm bản lề cho việc triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới, nên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam thực thi một chương trình chung nhưng có tới 5 bộ sách giáo khoa được ban hành và đưa vào giảng dạy.
Mặc dù có nhiều ý kiến về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhưng rõ ràng, có những thay đổi theo hướng sáng tạo, khơi gợi ở trẻ niềm vui học tập.
Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta hãy tin tưởng và kiên trì thực hiện, nếu sai ở đâu, sửa đấy.
Sang năm 2021, điều lo lắng nhất vẫn là dịch Covid-19 khiến cả thế giới lao đao, ngày càng nặng nề hơn nên chúng ta vẫn phải cố gắng rất nhiều.
Trường tôi nói riêng và ngành giáo dục nói chung, còn nhiều khó khăn nhưng sau những gì đã rèn luyện qua năm covid, tôi kì vọng chúng ta sẽ vượt qua để có bước đột phá.
Chúng tôi mong mỏi Chính phủ và mỗi người dân đều cố gắng để giữ gìn, kiểm soát dịch bệnh, sao cho mọi sinh hoạt diễn ra bình thường, học sinh được đến trường, đó là điều tốt đẹp nhất.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội- một trong 7 thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục: "Một mình thầy cô không thể làm nổi"
Năm 2021 chắc chắn sẽ có những khó khăn về biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh… tác động đến cuộc sống của con người.
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất, chúng ta phải thay đổi bản thân để phù hợp với cuộc sống và sự biến đổi của xã hội, thay vì chờ đợi cuộc sống thay đổi.
Việc triển khai chương trình mới trong năm 2020 có nhiều lùm xùm và ý kiến phản biện, đấy cũng là điều dễ hiểu.
Theo tôi, ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta đã cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, một mình thầy cô không thể làm nổi mà phải khích lệ tinh thần tự học của học sinh, sự vào cuộc nhiệt thành hơn nữa của gia đình, bố mẹ.
Sang năm 2021 nếu dịch Covid-19 chấm dứt thì quá tốt nhưng một khi trên thế giới đang còn rất phức tạp, con người phải thích nghi và sống chung với điều kiện khó khăn, nỗ lực vượt qua.
Chẳng hạn không thể đến trường thì phải học online, thầy cô phải tư duy để soạn bài giảng sao cho thu hút học sinh còn học sinh phải nỗ lực bản thân để học tốt...
Về vấn đề thi cử, nhiều người hỏi tôi những năm kế tiếp đây, việc thi cử sẽ ra sao. Tôi cho rằng, thi chỉ là một cuộc sát hạch, để xem mình tiến bộ đến đâu. Nếu chỉ mong chờ học để lấy điểm số thì không thể tiến bộ lên được.