Đại biểu Quốc hội: Chương trình mới, học sinh còn phải đi học thêm không?
(Dân trí) - Bà Phan Thị Bình Thuận, đại biểu Quốc hội TPHCM đặt ra băn khoăn, học chương trình mới, trẻ có phải đi học thêm, học bên ngoài nhà trường hay không?
Sáng 21/7, Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM làm việc với Sở GD&ĐT TPHCM về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và khảo sát tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TPHCM.
Cần đánh giá chất lượng học tập trên lớp
Tại buổi giám sát, Sở GD&ĐT TPHCM báo cáo các nội dung lựa chọn SGK , tập huấn cho giáo viên về SGK, tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình mới, cơ sở vật chất.
Sau khi nghe báo cáo của Sở, đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho biết, việc triển khai chương trình phổ thông mới nhằm giảm việc học hàn lâm, tăng cường ngoại khóa, giảm việc phải đi học thêm bên ngoài, học ngoài giờ.
Khi thực hiện chương trình mới, học sinh đã học hai buổi một ngày, ngoài việc học trên trường, các em còn phải đi học thêm, học ở bên ngoài. Vấn đề này có giảm được hay không? Báo cáo của Sở chưa thấy đánh giá vấn đề này.
Bà Thuận chia sẻ, trường hợp con bà, học cả ngày ở trường, sau giờ học ở trường, cháu phải đi học thêm, tối về ăn cơm qua loa rồi ngồi vào bàn học đến 11 - 12h đêm để làm bài tập. Tuy nhiên, lên lớp, vẫn có những môn giáo viên nhận xét chưa được.
"Cần có đánh giá thời gian 2 buổi trên lớp của giáo viên và học sinh", bà Thuận đề xuất.
Thầy Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, cái khác của chương trình mới là cách tiếp cận trong dạy và học để hình thành năng lực, phẩm chất người học. Thành phố đã có sự chuẩn bị về tâm lý, kiến thức của người thầy cho chương trình mới.
Về dạy thêm học thêm, ngành giáo dục luôn chỉ đạo giáo viên không được tổ chức dạy thêm học thêm. Nhưng giáo viên được quyền tham gia dạy thêm học thêm.
Theo ông Tân, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu. Nếu phụ huynh có nhu cầu thì cho con em theo học và cần xem nơi nào có giấy phép hoạt động.
Đặc biệt, ông Tân khẳng định, học trò sẽ trưởng thành nếu có khả năng tự học tốt, không dựa dẫm kiến thức của thầy cô giáo. Thầy cô cần phải đổi mới phương pháp dạy học để các em có thể tự học, tự nghiên cứu.
Về chuyên môn, ông Tân cho hay, có mảng lưới quản lý chuyên môn các cấp từ Bộ, Sở, Phòng, có các tổ chuyên môn, thầy cô chủ động các tiến trình xây dựng chương trình. Việc đổi mới về kiểm tra đánh giá, đổi mới thi cũng theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất của người học.
"Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư về đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ mở đường cho đổi mới dạy học", ông Tân nói.
Lo lắng thiếu giáo viên cho đổi mới chương trình
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đặt ra vấn đề, đổi mới chương trình, trước mắt giáo viên lớp 1 của thành phố có đủ không? Thiếu bao nhiêu? Làm sao đảm bảo chất lượng giáo viên đáp ứng được chương trình mới? Và giải pháp như thế nào?
Theo bà Tuyết, chính giáo viên là người quyết định thành công cho chương trình mới. Giáo viên thay đổi tư duy, phương pháp để đáp ứng chương trình. Điều này cần sự tiếp sức của ngành, cụ thể là Sở chứ không phải chờ từ Bộ.
Về công tác tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thành phố đã triển khai giảng dạy hai môn tiếng Anh và Tin học đối với bậc tiểu học từ năm 1998.
Nếu như trước đây, hai môn học này triển khai theo hình thức xã hội hóa (chương trình tự chọn, học phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh) nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với hai khối 1, 2.
Để triển khai các môn học này, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở giáo dục là tuyển dụng giáo viên do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, giáo viên tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy ở bậc tiểu học nên khó khăn trong tuyển dụng.
Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là hai môn Tin học và tiếng Anh.
Hoài Nam