Hội đồng thẩm định nói gì trước ngày công bố sách giáo khoa lớp 1 chương trình mới?
(Dân trí) - Dự kiến ngày 22/11, Bộ GD&ĐT công bố các bộ SGK lớp 1 chương trình mới đã đạt thẩm định để đưa vào sử dụng. GS. Trần Kiều - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh giá, hoạt động thẩm định SGK lần này tiến bộ nhất trong các lần thẩm định từ trước đến nay.
Quy trình thẩm định khoa học
GS. Trần Kiều cho biết, sách giáo khoa (SGK) phải đáp ứng định hướng, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt, các định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng học tập… của chương trình.
Từ tháng 7 đến giữa tháng 10/2019, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập đã tiến hành đánh giá các bản thảo SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các nhà xuất bản gửi về. Quá trình này gồm 2 vòng với quy trình tổ chức chặt chẽ, khắt khe.
Theo đó, mỗi thành viên Hội đồng nhận bản thảo SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày. Hội đồng sau đó làm việc tập trung trong 7 ngày để nghe tác giả trình bày ý tưởng của bộ sách và thảo luận công khai các vấn đề của bản thảo SGK. Kết quả thẩm định được công bố trực tiếp cho tác giả SGK để họ biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng, có những trao đổi ngược trở lại và tiếp thu ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện bản thảo.
Các tác giả có 30 ngày chỉnh sửa bản thảo SGK được đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” và nộp thẩm định tiếp ở vòng 2. Trong vòng này, tác giả sách tiếp tục trình bày ý kiến tiếp thu đã được chỉnh sửa trong bộ sách. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định và đưa ra kết luận cuối cùng về bản thảo SGK.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh - PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung thì đánh giá cao cách thức tổ chức phân định rõ ràng và tách bạch vai trò giữa Ban tổ chức với Hội đồng thẩm định. Theo đó, Ban tổ chức có vai trò hỗ trợ để Hội đồng làm đúng và tốt nhất trách trách nhiệm chuyên môn. “Hai cái này rất tách bạch, đảm bảo kết quả đánh giá chuyên môn của Hội đồng hoàn toàn được tôn trọng, không bị can thiệp hay tác động bởi bất cứ lý do ngoài chuyên môn nào”, PGS Nhung nói.
Tôn trọng sự sáng tạo của tác giả
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép mỗi môn học có một số SGK, việc biên soạn SGK được thực hiện bằng kinh phí xã hội hoá.
Thực tế, đã có 49 bản mẫu SGK các môn học lớp 1 được 3 nhà xuất bản gửi tới để thẩm định. GS. Trần Kiều cho biết, tất cả thành viên các Hội đồng thẩm định được quán triệt yêu cầu thẩm định bình đẳng, không phân biệt các bộ SGK. Những biểu hiện sáng tạo, ý tưởng mới của nhóm tác giả cần được tôn trọng. Tinh thần này đã được các Hội đồng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
“Hội đồng chúng tôi rất tôn trọng những sáng tạo của tác giả sách. Chương trình và các quy định về biên soạn SGK đều cho phép các tác giả được tự do sáng tạo trong lựa chọn ngữ liệu, phương pháp dạy học, miễn sao nó tương thích với nội dung chương trình giáo dục phổ thông, chương trình môn học và hỗ trợ học sinh phát triển các năng lực, phẩm chất đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình”, PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung nói.
Một thành viên Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt cũng cho biết, Hội đồng đã rất tôn trọng sự khác biệt của các tác giả được thể trong bản thảo sách. Bản thân chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo này khi có tính mở, cho phép các tác giả được chủ động lựa chọn cách diễn giải vấn đề, sử dụng ngữ liệu đưa vào bộ sách.
Đề cao ý kiến thực tế của giáo viên tham gia Hội đồng thẩm định
Hội đồng quốc gia thẩm định SGK yêu cầu ít nhất 1/3 thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Qua thực tế thẩm định, PGS. TS Đào Đức Doãn - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức đánh giá, với cơ cấu thành viên Hội đồng thẩm định có đầy đủ thành phần: chuyên gia và giảng viên đại học có kiến thức uyên thâm về nội dung giáo dục và các phương pháp dạy học, cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng GD&ĐT và giáo viên có cái nhìn thực tế đã giúp công tác thẩm định được kỹ lưỡng, đa chiều, toàn diện và thực tế hơn.
Ở Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh, một nửa số thành viên là giáo viên môn học đến từ các cơ sở giáo dục phổ thông.
PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn học này cho biết, quyết định này đến từ việc chất lượng và điều kiện dạy-học tiếng Anh ở các vùng miền của Việt Nam có sự chênh lệch. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học này lại là môn tự chọn ở lớp 1-2. Do đó, ban tổ chức mong muốn có đông đảo giáo viên đến từ các vùng miền khác nhau, từ đồng bằng, đến miền núi, Tây Nguyên, các thành phố lớn… để đưa ra những phản hồi chính xác nhất về tính thực tế, tính ứng dụng của các bộ sách.
“Hội đồng luôn muốn được lắng và rất tôn trọng ý kiến góp ý cho các bộ SGK của các giáo viên chúng tôi”, giáo viên Hoàng Thị Minh Thanh (trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Lào Cai) - thành viên Hội đồng thẩm định SGK môn Âm nhạc nói.
Từ sau Cách mạng tháng Tám (năm 1945) đến nay, Việt Nam có 5 lần xây dựng chương trình mới, trong đó 3 lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa.
Trong 2 lần cải cách giáo dục đầu tiên từ sau Cách mạng tháng Tám vào năm 1950 và năm 1956, Việt Nam thay đổi chương trình giáo dục phổ thông nhưng chương trình gần như không được thẩm định trước khi triển khai thực hiện.
Năm 1981, đổi mới cả chương trình - sách giáo khoa nhưng chỉ đơn giản là “đọc” thẩm định.
Lần thay đổi chương trình - sách giáo khoa năm 2002, việc thẩm định sách giáo khoa đã tiến bộ, bài bản hơn.
"Hoạt động thẩm định sách giáo khoa năm 2019 có mục đích, đối tượng thẩm định rõ ràng; các tiêu chí đánh giá khá chi tiết với các quy định cụ thể, đầy đủ. Cách thức thẩm định được tiến hành nghiêm túc” - GS. Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Toán lớp 1 chương trình 2018 cho biết.
Quỳnh Nguyễn