Nhóm nghiên cứu chế tạo test nhanh corona: Sẽ được tạo điều kiện tối đa
(Dân trí) - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp chặt chẽ với các nhóm nghiên cứu và các đơn vị liên quan.. trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho việc nghiên cứu, triển khai sản xuất kit thử xét nghiệm nCoV
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh do nCoV sáng ngày 10/2, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.
Về công tác xét nghiệm phát hiện người mắc virus corona (nCoV), tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có khoảng 22 đơn vị đủ khả năng thực hiện xét nghiệm, nếu huy động thêm có thể lên tới 30 đơn vị; sinh phẩm xét nghiệm chúng ta cũng không thiếu,… Bộ Y tế đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm phát hiện dịch bệnh theo quy định.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng hoan nghênh và khuyến khích tất các các đơn vị khoa học, công nghệ tham gia sản xuất sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm. Bộ Y tế cũng đã tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng chống dịch…
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, một số đơn vị khoa học trong nước tiến hành nghiên cứu sản xuất kit thử nhằm đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm phát hiện người bị nhiễm virus nCoV và đã đạt được những kết quả.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp chặt chẽ với các nhóm nghiên cứu và các đơn vị liên quan đánh giá về mặt hiệu quả, an toàn sinh học… trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho việc nghiên cứu, triển khai sản xuất kit thử xét nghiệm nCoV…
Tại cuộc họp, Tiến sĩ Lê Quang Hòa, phòng thí nghiệm Công nghệ gen, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu, đã trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm về chế tạo thành công bộ công cụ phát hiện nhanh chủng virus corona mới cho kết quả trong vòng 70 phút thay vì ba tiếng như phương pháp thử thông thường.
Ngay sau đó, chiều ngày 10/2, Bệnh viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm việc với nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa về kết quả nghiên cứu trên.
Trước đó, chiều ngày 9/2, trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Lê Quang Hòa cho biết, kết quả nghiên cứu này dựa trên các mẫu RNA được phiên mã in vitro (các kết quả nghiên cứu này dựa trên mô phỏng vật liệu di truyền được tổng hợp nhân tạo - PV).
Do vậy, để đảm bảo độ chính xác, bước tiếp theo cần so sánh các đặc tính của bộ sinh phẩm với phương pháp tiêu chuẩn real-time RT-PCR (khuyến cáo bởi WHO) trên các mẫu RNA vi rút được thu nhận từ mẫu bệnh phẩm thực.
Để ứng dụng rộng rãi sản phẩm này, TS Hòa cho rằng, phải có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng nCoV để nội kiểm và cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt.
"Hiện nay các kết quả này chưa được thực hiện trên các mẫu bệnh phẩm nhưng chúng tôi rất tự tin về tính chính xác của sinh phẩm này vì đây không phải loại vi rút đầu tiên mà chúng tôi phát hiện. Thông thường với trình độ công nghệ hiện nay, sau khi đã xác định được vùng gene đích, cần khoảng một tháng là nhóm nghiên cứu có thể chế tạo được phiên bản thử nghiệm của Kit. Trong lần thí nghiệm này, chúng tôi đã thành công ngay từ lần thử đầu tiên" - TS Hòa khẳng định.
GS.TS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, thế mạnh của nhóm nghiên cứu là chế tạo ra các bộ Kít thử nhanh được giới thiệu ở nhiều hội thảo khoa học lớn. Nhóm đã nghiên cứu ra rất nhiều bộ sinh phẩm và được ứng dụng như vi rút dịch tả lợn Châu Phi và nhiều đợt phòng chống dịch khác.
“Chúng ta vẫn phải tôn trọng tất cả những quy định rất ngặt nghèo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do đó, phải có sự phối hợp rất chặt chẽ của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực và có sự kiểm định nghiêm ngặt” – GS Phong nhấn mạnh.
Hồng Hạnh