Nhớ lời thầy dạy năm xưa

(Dân trí) - Hiện giờ so với bạn bè đã thành danh, tôi chỉ là một công nhân với tấm bằng Trung cấp nghề, có công việc ổn định và thu nhập trung bình. Nhưng tôi luôn phấn đấu trong công việc, tìm niềm vui trong viết lách và khắc sâu lời thầy dạy năm nào "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư".

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp cận kề, hẳn số đông phụ huynh học sinh đang suy tính về việc quà cáp "đi thầy, đi cô" sao cho ngân quỹ không thâm hụt quá mức nhưng vẫn đạt được mục đích là thể hiện sự quan tâm tới thầy cô của con mình. Phụ huynh quan tâm thầy cô cũng là với mong muốn được thầy cô quan tâm hơn tới con mình, hướng dẫn chỉ dạy con nhiệt tình hơn, nâng đỡ ưu ái con hơn so với các bạn khác.

Phụ huynh học sinh giờ đa phần thuộc thế hệ 7X, 8X với con em đang theo học từ tiểu học tới THPT. Họ đều chung suy nghĩ, thời mình ngày xưa quý thầy cô chỉ biết rủ nhau đến thăm thầy cô, tặng thầy cô món quà đơn sơ nhưng bây giờ thời buổi thực dụng đã khiến Ngày Nhà giáo trở thành “phiên chợ thương mại” thầm lặng mà khốc liệt giữa các bậc cha mẹ. Họ đều mong mỏi được giáo viên để mắt tới con mình nhất và con mình sẽ là học sinh nổi trội trong lớp.

Theo dõi thường xuyên chuyên mục Giáo dục, tôi suy nghĩ rất nhiều về những vụ việc tiêu cực diễn ra gần đây: học trò đánh chửi hội đồng, quay video tung lên mạng, học trò thóa mạ, hành hung thầy cô giáo... Kỉ luật nào dành cho các em? Đuổi học thì quá nặng, ảnh hưởng tới tương lai của các em mà cứ hết lần này đến lần khác nương tay thì giáo viên đứng lớp càng lúc càng thấy khổ sở. Tuổi học sinh chắn chắc sẽ mắc sai lầm bởi sự bồng bột, non nớt. Thầy cô vừa phải tâm lý gần gũi các em, vừa gồng mình lo bài vở, giáo án, chấm điểm. Sẽ chẳng dễ dàng gì nếu người thầy, người cô không hết mình vì sự nghiệp cao cả "trồng người".

Những năm tháng tôi đi học, tôi từng sống ở hai thái cực. Khi tôi ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi lớp 5, cô giáo chủ nhiệm của tôi đã dành công sức ôn luyện cùng tôi hàng tháng trời, không hề có chút công sá gì. Ngày học trò đạt thành tích, cô còn mua tặng cho tôi một chiếc túi giả da thật đẹp. Giữ vững thành tích học tập, ngày lớp 9 tôi một lần nữa nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thầy giáo dạy tôi tận tình, có bao nhiêu sách tham khảo hay cũng mang cho học trò. Trò ôn luyện ngoài thị xã, thầy lặn lội ra thăm mấy lần mang theo chút quà nhỏ và thư của các bạn động viên. Thành tích nhỏ tôi mang về cho mái trường cấp 2 ngày ấy khiến thầy cô vô cùng hạnh phúc. Tôi được tuyển thẳng vào lớp chuyên Văn cấp 3 của tỉnh.

Xa nhà, sống ở môi trường mới tôi quá bỡ ngỡ và không thích nghi nổi. Dẫu năm học lớp 10 vẫn có thành tích thi học sinh giỏi nhưng tôi đã cảm thấy mình hoàn toàn lạc lõng và cô đơn. Cô chủ nhiệm biết ý tôi muốn chuyển về quê nhưng cô vì muốn học trò cố gắng thêm lần nữa nên cô vẫn mong tôi ở lại. Ngày đó, cô đã dành 1 trong 10 suất học bổng của lớp cho tôi (dù điểm phẩy của tôi chưa đủ). Tấm lòng yêu thương học trò của cô giáo chủ nhiệm lớp chuyên Văn ngày đó làm tôi nhớ mãi.

Năm lớp 12, tôi lúc đó đã rơi vào trạng thái trầm cảm và tha thiết xin chuyển về học tại quê nhà. Từ một học sinh giỏi có tiếng, tôi chán nản buông xuôi không còn bận tâm gì tới sách vở, thường trốn tiết, ngủ gật, làm thơ tình và trở thành “học sinh lập dị”. Ở quê ngày đó, không ai biết căn bệnh trầm cảm là gì, mọi người bảo chắc do tôi học nhiều quá nên “thần kinh”. Vậy mà tôi vẫn rất may mắn được hai cô giáo dạy Sử và dạy Địa quan tâm động viên, các cô không hề chê trách mỉa mai gì học trò mà dành nhiều thời gian chuyện trò động viên tôi. Cô đến nhà đón tôi xuống trường tham dự cuộc vận động sáng tác tuổi hoa, khen tôi làm thơ hay. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến tôi cảm thấy không còn quá chênh vênh, tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nghiệp cấp 3 và bớt nghĩ quẩn khi thấy mình sắp "rớt xuống vực".

Những người thầy, người cô đi suốt con đường học hành đầy thăng trầm của tôi đều hết sức tận tâm với học trò. Thầy cô chưa nhận được món quà nào từ tôi ngày đó, có chăng là một số thành tích vừa phải chưa có gì xuất sắc. Ngay lúc tôi học hành chểnh mảng và buông xuôi thì thầy cô vẫn quan tâm, động viên tôi ôn luyện lại cho kì thi sau. Hiện giờ so với bạn bè đã thành danh, tôi chỉ là một công nhân với tấm bằng Trung cấp nghề, có công việc ổn định và thu nhập trung bình. Nhưng tôi chưa bao giờ quên những tình cảm yêu thương của thầy cô dành cho mình ngày đó. Tôi phấn đấu trong công việc, tìm niềm vui trong viết lách và khắc sâu lời thầy dạy năm nào "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (Một chữ là thầy, nửa chữ là thầy).

Ngày Nhà giáo đến gần, gạt bỏ những trào lưu chạy thầy chạy điểm, tôi vẫn tin ở tấm lòng thầy cô, khi lựa chọn nghề nghiệp cao quý trồng người, thầy cô vẫn hết mình vì học sinh thân yêu, vẫn sẵn lòng bao dung tha thứ và quan tâm tới các em khi các em mắc lỗi.

Những ngày đầy ý nghĩa này, có niềm hạnh phúc nào sánh được với lòng tri ân của biết bao lứa học trò cũ hướng tới thầy cô và mái trường xưa yêu thương.

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm