Giáo viên mầm non: Không yêu trẻ khó trụ được với nghề
(Dân trí) - Với khoản thu nhập từ 2-4 triệu, cộng với áp lực thời gian, áp lực công việc… nhiều cô giáo mầm non đã tính đến chuyện bỏ nghề để tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi lòng yêu nghề, mến trẻ đã giúp các cô có đủ dũng cảm để dấn thân, để bám trụ với nghề đầy những vất vả, nhọc nhằn này.
Khi được hỏi về nghề, nhiều cô giáo mầm non thành thực hỏi “Có can chi không? Có ảnh hưởng đến trường và ngành không?”, như thế để hiểu, họ có nhiều tâm tư với nghề mà không dám nói. Có nghe mới hiểu, giáo viên mầm non có nhiều tâm sự đắng đến chạnh lòng.
Ra khỏi cổng trường mới có thể thở phào nhẹ nhõm
Công việc của các cô giáo mầm non bắt đầu từ 6h30 phút sáng hàng ngày bằng việc đón trẻ và quần quật cho đến 5h chiều, thậm chí là muộn hơn thế nếu phụ huynh không đến đón con đúng giờ. Cô giáo nào may mắn được phân công lớp mẫu giáo còn đỡ vì trẻ đã có ý thức, biết vâng lời cô. Cô giáo nào được phân công phụ trách lớp giữ trẻ thì dường như không có lấy một phút nghỉ ngơi ngay từ khi ngày làm việc mới bắt đầu.
Riêng việc ổn định lớp để bắt đầu buổi học cũng ngốn của các cô khá nhiều thời gian. Đến nỗi, như cô giáo Đinh Thị Lam (Trường Mầm non Việt Anh, TP Vinh, Nghệ An) tâm sự thì cổ họng của cô chẳng mấy khi không khàn tiếng. Trên lớp, cô vừa ổn định trẻ ngồi ngay hàng thẳng lối thì chỉ được một lát, lũ trẻ lại quay sang trêu chọc, cấu véo nhau chí chóe.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên một trường mầm non ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kể: “Nhiều phụ huynh cứ gần như là khoán trắng việc chăm sóc con cho cô giáo. Sáng đưa con lên trường, chiều tới đón về. Định biên là 2 giáo viên một lớp nhưng thực tế thì 3 cô phụ trách 2 lớp, mỗi lớp ngót 40 cháu, các cô có chạy như con thoi cả ngày cũng không thể tránh khỏi việc các cháu nhỏ cào cấu nhau. Nhiều phụ huynh không hiểu hoặc chưa thông cảm được với vất vả của các cô giáo nên khi tới đón, chẳng may thấy con mình có vài vết cào xước của các bạn vào tay, vào chân con thôi là đã có thái độ với cô giáo rồi”.
“Hiện tại Nghệ An đang thiếu giáo viên mầm non dẫn đến chỉ có 1,5 cô/lớp. Áp lực cháu đông, cường độ lao động lớn, thời gian làm việc kéo dài có khi từ 10-12 tiếng mỗi ngày, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ còn thiếu… nên giáo viên luôn phải chịu tình trạng “quá tải”. Nghệ An hiện có 31 trường mầm non ngoài công lập, một số trường dù đã trả lương theo thang bậc học nhưng nhìn chung mặt bằng thu nhập của giáo viên còn thấp…” - Bà Lê Thị Hường – Trưởng phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT Nghệ An.
Vất vả của nghề thì không phải kể nhiều nhưng thứ các cô sợ nhất chính là yêu cầu làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Với đồng lương từ hơn 2 triệu đến gần 4 triệu đồng (tùy thuộc là giáo viên mới vào nghề, giáo viên trường công hay trường tư…) thì việc trích tiền để mua nguyên vật liệu đảm bảo tiêu chuẩn gần như là không thể. Đồ dùng, đồ chơi của các cô hầu hết là tận dụng từ những phế liệu người ta vứt đi như chai lọ nhựa, hộp giấy, mẩu gỗ vụn…
“Nhiều khi chúng tôi cứ như là những bà đồng nát chính hiệu, ra đường thấy cái chai, cái lọ nào có thể tận dụng được cũng nhặt nhạnh về, rửa sạch để làm đồ chơi cho trẻ. Đồ chơi làm bằng thủ công nên độ bền không cao, nhiều khi làm chỉ để trưng bày cho đẹp thôi chứ trẻ chơi một lúc đã hỏng”, một giáo viên mầm non tâm sự.
Áp lực công việc, áp lực phụ huynh, đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian ở trường… khiến các cô chỉ khi nào bước chân ra khỏi cổng trường mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Không yêu trẻ, khó giữ được lửa nghề
Công việc bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài đến tối mịt, nhiều lúc phải tận dụng thời gian trẻ ngủ trưa để hoàn thành nốt các yêu cầu về giáo án, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Làm không xong lại phải ôm việc về nhà. Bởi vậy, việc nhà, việc đón con… nhiều lúc phải nhờ chồng, nhờ ông bà nội ngoại hai bên giúp cho một tay.
Có mẹ là giáo viên mầm non nhưng nhiều đứa trẻ phải chịu thiệt thòi khi không được mẹ đưa đón đến trường như những bạn khác. Cũng bởi khối lượng công việc quá nhiều, nếu người chồng không thấu hiểu và thông cảm dễ dẫn đến những va chạm trong cuộc sống.
“Chồng có thông cảm lắm nhiều khi cũng bức xúc vì vợ bận rộn quá. Sáng mở mắt đã đi trường, có hôm tối mịt mới về, ăn vội bát cơm, tắm rửa cho con lại vào lụi cụi làm đồ chơi cho trẻ. Lắm khi vợ chồng còn chả có thời gian nói chuyện với nhau. Đó là chưa kể những đợt thanh tra, kiểm tra, thi thố này nọ thì bận không có thời gian mà thở nữa”, chị bạn tôi là giáo viên một trường mầm non công lập tâm sự.
Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt năm nay 30 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. “Bận quá, không có cả thời gian mà yêu. Có nhiều hôm bạn bè rủ đi cà phê còn bị nhẳn vì giáo án chưa soạn, đồ chơi, đồ dùng cho buổi học ngày mai chưa xong”, Nguyệt cười mà đôi mắt kém vui.
Đợt đầu năm học, riêng việc hoàn thành mô hình khu chợ quê ở trường cho trẻ cũng khiến cô ngót mấy kg, người tong teo như cây sậy. Nhưng dẫu sao Nguyệt vẫn may mắn hơn nhiều giáo viên khác khi đã được vào biên chế. Nhiều cô giáo mầm non, đặc biệt là các trường mầm non ngoài công lập ngoài lương tháng không có bất kỳ khoản phụ cấp nào, không được hỗ trợ tiền trang trí lớp, không có tiền trực trưa, thứ 7 phải làm thêm mới đủ công…
“Có những khi thấy công việc quá tải quá, cũng nghĩ hay mình bỏ nghề, tìm một công việc khác đỡ áp lực hơn nhưng rồi những khuôn mặt thơ ngây, những đôi mắt trong veo của trẻ đã “níu” mình lại với nghề. Lại đối mặt với bận rộn, với áp lực, với quá tải nhưng cũng có những hạnh phúc ít người có được. Sống với trẻ con, tâm hồn mình cũng trẻ được lâu hơn”, cô Nguyệt cười.
Hoàng Lam