Giảng viên 8x Việt tại Mỹ nghĩ về khác biệt nghề giáo hai nước

(Dân trí) - Học tập, trưởng thành và giảng dạy ở cả hai môi trường giáo dục Việt Nam và Mỹ, thầy giáo Lê Minh Tuấn có cái nhìn tổng quan về nghề dạy học ở hai đất nước.

 

Thầy giáo Lê Minh Tuấn (sinh năm 1989):

- Tốt nghiệp bằng cử nhân tài chính tại University of Washington ở Seattle, Mỹ.

- Tốt nghiệp thạc sỹ tại Oklahoma State University, Mỹ.

- Giảng viên tại học viện Ngân Hàng, Hà Nội

- Đang làm nghiên cứu sinh ngành tài chính tại Oklahoma State University, Mỹ.

Giảng viên ngành kinh tế - tài chính Lê Minh Tuấn
Giảng viên ngành kinh tế - tài chính Lê Minh Tuấn

Cảm nhận về nghề giáo

Anh Lê Minh Tuấn là giảng viên Học viện Ngân hàng tại Hà Nội, hiện tại anh đang làm nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ tài chính tại Mỹ. Bên cạnh việc nghiên cứu, thầy Tuần là trợ giảng tại trường Oklahoma State University. Thầy sẽ trở thành giảng viên được phân lớp chính thức khi bước sang năm nghiên cứu sinh thứ 3.

Là một người trẻ theo đuổi sự phức tạp của thuật toán và yêu thích công việc dạy học, thầy giáo 8x chia sẻ: “Công việc giảng viên phù hợp với sở thích tìm tòi và khám phá của mình. Bên cạnh đó mình cũng thích việc truyền cảm hứng cho người khác.

Với thầy Tuấn, nghề giáo có những “phần thưởng” về tinh thần mà ít nghề có được. Việc tương tác với người học đem lại nhiều niềm vui cho giáo viên. Thầy bộc bạch: “Nghề giáo là con đường song song giữa nghiên cứu và giảng dạy.

Thầy giáo mình từng nói “nghiên cứu là con đường cô độc”. Điều này mình thấy rất đúng vì mặc dù bạn cũng có thể hợp tác với người khác để xuất bản công trình nghiên cứu, nhưng nhìn chung phần lớn quá trình tìm tòi thực hiện là độc lập. Trong khi đó công việc giảng dạy thì không hề “cô độc” chút nào”.

Thầy Tuấn cho rằng, giảng viên luôn được tiếp xúc với các bạn sinh viên giỏi, đó là động lực để người dạy học luôn phải học hỏi và cập nhật kiến thức, tiến bộ từng ngày.

“Nghề giảng viên là một công việc khá độc lập và tự chủ so với nhiều công việc khác. Đây vừa là điểm hấp dẫn vừa là khó khăn. Vì bạn sẽ phải rất kỷ luật và nghiêm túc với việc sử dụng thời gian của mình. Không ai bảo bạn là phải làm gì, viết gì. Nhưng để tồn tại và phát triển, bạn phải tự chủ động, suy nghĩ để cho ra sản phẩm của mình. Sản phẩm ở đây có thể là giáo án, bài giảng, công trình nghiên cứu….”, thầy Tuấn chia sẻ.

Ở Mỹ, giảng viên trợ giảng thường giúp giáo sư chấm bài, có thể lên lớp một số buổi, có thể hướng dẫn ở lab, trông thi, và đối với nghiên cứu sinh thì các trường thường hay sử dụng nguồn nhân lực này vào việc nghiên cứu.

Nhìn nhận môi trường dạy học ở nước Mỹ và Việt Nam

Là một giáo viên châu Á, thầy Tuấn nhận thấy rằng: “Về mặt ngôn ngữ và phát âm thì mình không bằng được các giảng viên bản địa. Nhưng đây không phải vấn đề lớn khi đã đứng trên giảng đường vì mình vẫn truyền đạt được bài giảng đến các sinh viên Mỹ”.

Tuy nhiên, thầy nhận thấy sự tương tác giữa sinh viên Mỹ và giảng viên rất bình đẳng. Sinh viên có thể ngồi một cách rất thoải mái trong lớp và phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi sôi nổi nhưng vẫn rất tôn trọng giảng viên. Mặc dù sinh viên Mỹ có cách nhìn nhận bình đẳng hơn, nhưng trong tương tác lại rất lịch sự.

Khi đã giảng dạy cả ở Việt Nam và Mỹ, thầy Tuấn rút ra kết luận rằng ở đâu cũng thế, những sinh viên giỏi và quan tâm nhiều đến môn học của mình sẽ đặt nhiều câu hỏi hơn để được giải đáp thắc mắc.

So sánh các điều kiện phát triển của một giáo viên ở Mỹ và giáo viên ở Việt Nam, thầy Minh Tuấn thấy rằng về điều kiện nghiên cứu (môi trường học thuật, tài nguyên, cơ sở dữ liệu) thì nhìn chung các trường đại học ở Mỹ có ưu thế hơn các trường ở nhiều nước khác.

Tuy nhiên, thầy Tuấn tin rằng người giảng viên ở Việt Nam có những giá trị tinh thần mà không ở đâu có được, ví dụ như ngày tôn vinh nghề giáo như là 20/11. Ở Mỹ không có ngày tôn vinh nghề giáo viên cũng như các ngày tôn vinh ngành nghề khác. Mọi ngành nghề đều bình đẳng.

Nhân ngày 20/11, thầy Tuấn gửi lời tới các thầy cô và bạn bè đồng nghiệp: “Nhân ngày 20/11, em xin chúc các thầy cô luôn dồi dào sức khỏe và trí tuệ để tiếp tục dìu dắt các thế hệ học sinh. Tôi xin chúc các anh chị, các bạn đồng nghiệp luôn hạnh phúc, tràn đầy năng lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ và công việc của mình”.

Mai Châm

(Email: maibichcham@dantri.com.vn)

Ảnh: NVCC