Nghỉ dịch Covid-19 dài ngày: Có nên bỏ thi THPT quốc gia?
(Dân trí) - Một số chuyên gia giáo dục đề xuất bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay do học sinh nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số người cho rằng không nên bỏ mà ra đề thi phù hợp hơn.
Đề xuất giảm hoặc bỏ thi năm nay
Ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký văn bản hỏa tốc gửi các địa phương thông báo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 (lần 2).
Việc Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian kết thúc năm học vào giữa tháng 7 được các địa phương và nhà trường cho rằng đó là đòi hỏi tất yếu vì đến nay nhiều nơi đã cho nghỉ đến hết tháng 3.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, học sinh có thể nghỉ dài hơn, một số chuyên gia cho rằng cần có phương án dài hơi cho các kì thi tới.
Ông Đào Tuấn Đạt, Giảng viên ĐH Bách Khoa, Trưởng Ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cho biết, tâm trạng phụ huynh và học sinh, đặc biệt ở các lớp cuối cấp đang rất lo lắng.
Theo chuyên gia này, thời gian càng rút ngắn trong khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Việc học online đem lại sự yên tâm phần nào về mặt tâm lý nhưng hiệu quả không thể được như trực tiếp đến lớp.
“Trước tình hình dịch Covid-19 không biết sẽ diễn biến như thế nào. Nếu còn dịch thì không nên cho học sinh đến trường bởi sức khỏe của học sinh và giáo viên là quan trọng nhất.
“Trong thời gian này, học sinh lớp 9 và lớp 12 dành thời gian này để ôn tập, không học thêm kiến thức mới. Phần kiến thức đã khoanh lại cho học sinh nợ và học trả nợ sau. Việc “trả nợ” như thế nào, có thể căn cứ vào thực tế quỹ thời gian chúng ta có sau khi hết dịch”, ông Đạt nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp và tiếp tục nghỉ, chúng ta cần tính đến việc có thể dừng thi THPT quốc gia năm nay.
Khi dịch bệnh xảy đến bất ngờ buộc chúng ta phải có giải pháp đặc thù để ứng phó và phải sớm xây dựng kế hoạch để không bị động.
Nên điều chỉnh đề thi
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, không nên bỏ thi bởi tâm lý của học sinh xưa nay vẫn là có học mới có thi.
Tuy nhiên, nếu tổ chức thi THPT quốc gia thì cần điều chỉnh đề thi phù hợp với thực tiễn bởi các em có kì nghỉ dịch Covid-19 quá dài.
Còn ông Đào Tuấn Đạt cho rằng, trước mắt cần công bố ngay môn thi vào lớp 10. Đồng thời, nên có giới hạn thi là phần kiến thức đã học cho đến khi học sinh nghỉ vì dịch. Tức là từ đầu năm học cho đến hết tháng 1/2020. Nếu thi cả vào phần kiến thức học online là không công bằng với học sinh.
Công tác tổ chức thi THPT quốc gia nên chuẩn bị sẵn để khi hết dịch là sẵn sàng tổ chức thi được ngay. “Nếu may mắn hết dịch vào tháng 5 thì tháng 6, chúng ta có thể thi. Như thế không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng”, ông Đạt chia sẻ.
Trong thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT và Chủ tịch TP Hà Nội sáng 16/3, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) cũng đề xuất giảm bớt môn thi THPT quốc gia để giảm gánh nặng cho học sinh.
Theo đề xuất này, chỉ nên thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Nội dung đề thi cần điều chỉnh phù hợp với thực tế học sinh đã nghỉ học 2 tháng phòng Covid-19 và có thể nghỉ tiếp.
“Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và nhà trường có kênh tham khảo để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học này”, thầy Khang đề xuất.
Cũng với góc nhìn này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần căn cứ vào tình hình nghỉ dịch Covid-19.
Nếu vẫn kịp thi THPT quốc gia trong tháng 8, Bộ GD&ĐT nên tính đến việc điều chỉnh nội dung đề thi, ra đề để đánh giá được phương pháp tư duy, năng lực của học sinh chứ không phải là kỹ năng làm bài, khối lượng kiến thức như lâu nay, không nên quá dàn trải hết chương trình.
Mỹ Hà