Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga:

Kỳ thi THPT Quốc gia nhẹ nhàng, không làm thí sinh căng thẳng

(Dân trí) - Sáng ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Phó Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015 đã có buổi làm việc với cụm thi 26, 33 tại Huế. Thứ trưởng nhấn mạnh kỳ thi THPT Quốc gia phải nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, không được làm thí sinh căng thẳng.

Thi phải nghiêm túc nhưng không được căng thẳng

Đại diện các Cục của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại học Huế cùng với Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã họp để bàn lại lần cuối công tác tổ chức thi và các vướng mắc còn gặp phải.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết tinh thần chung là kỳ thi phải nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng. “Từ 4 kỳ thi nay còn 1 nên đã giảm chi phí cho xã hội. Nhưng để tránh cho thí sinh nói trước đây thi 4 kỳ còn nhẹ nhàng hơn nay thi 1 kỳ sao lại nặng hơn thì chúng ta không được làm thí sinh căng thẳng, phải làm nhẹ nhàng cho các em cả về tinh thần lẫn vật chất khi đi thi.

Điều cần thiết là cần sự phối hợp giữa khối Đại học và Trung học. Đề thi phải làm nghiêm ngặt, bảo mật tuyệt đối, nhất là khâu phân phối tới tuyến huyện”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tại Huế

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tại Huế.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, PGĐ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết hiện toàn tỉnh có 10.568 thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 7.611 em tham gia tại các cụm thi quốc gia và 2.957 em thi tại cụm thi địa phương tổ chức, chiếm tỷ lệ 1/3. Trong toàn tỉnh có 8 cụm thi với 126 phòng thi trải dài ở 8/9 huyện.

Ông Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết cụm thi số 33 do địa phương tổ chức có tổng số 3.927 thí sinh, chiếm tỷ lệ 28% thí sinh toàn tỉnh. “Có tổng số 12 điểm thi trên 9 huyện, thị xã, thành phố với 36 phòng. Riêng huyện Phú Lộc do còn tình trạng “cách đò trở sông” nên có 3 điểm thi, nhiều nhất.

Ông Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Huế cho biết theo số liệu mới nhất, cụm thi quốc gia số 26 do Đại học Huế có 27.845 thí sinh với 30 điểm thi, 716 phòng thi tập trung ở TP Huế và chia làm 10 tuyến đưa đề thi bài. Hiện kỳ thi này đã thuận lợi hơn nhiều vì có ban chỉ đạo thi, khác với các năm trước là Đại học Huế phải làm đề xuất, công văn khi tổ chức thi ĐH ở tỉnh.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tại Huế

Thứ trưởng nghe các ban ngành liên quan báo cáo tình hình chuẩn bị cho kỳ thi với hình thức mới lần đầu tiên này

Chú trọng đặc biệt đến thí sinh vùng cao

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cần chú trọng đặc biệt đến thí sinh vùng cao, không được có thí sinh nào phải bỏ thi theo quan triệt của Thủ tướng là không vì lý do khó khăn gì mà không được đi thi.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, hiện 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đăkrông có xe đưa đón thí sinh đến trường điểm trường thi. Các thí sinh ở xa có phương án về ở lại gần điểm thi gần ngày thi để chủ động.

“Tại Thừa Thiên Huế, có 2 huyện miền núi là Nam Đông, A Lưới. Nhà các thí sinh cách trường khoảng 20 phút đi xe máy. Giao thông đường sá ở đây tốt. Hội chữ thập đỏ sẽ cung ứng các suất ăn miễn phí cho các em” – ông Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết.

Thứ trưởng Ga hỏi “Nếu đụng lỡ các thí sinh không tới thi thì sao?”, ông Hùng cho hay “Hiệu trưởng và trường có địa chỉ số điện thoại các thí sinh. Những ngày trước thi trường sẽ liên lạc với các thí sinh, em nào ở xa thì sẽ vận động, tập trung về ở gần điểm thi chậm nhất tối trước ngày thi. Từ trước đến nay chưa có trường hợp thí sinh vùng cao nào ở Huế bị lỡ thi”.

Qua đó, Thứ trưởng Ga nhắn nhủ các tỉnh không được chủ quan, phải quan tâm chỉ đạo tuyến huyện vùng cao để các thí sinh không được gặp khó khăn, phải đi thi đầy đủ.

Thứ trưởng chú trọng đặc biệt đến việc thi THPT của học sinh vùng cao

Thứ trưởng chú trọng đặc biệt đến việc thi THPT của học sinh vùng cao

Một số vấn đề theo Đại học Huế phản ánh, góp ý với Bộ GD-ĐT như có 1 thí sinh thi ngoại ngữ tiếng Đức, nhưng trong Đại học Huế không ai chấm được, nên sẽ phải gửi ra Hà Nội nhờ chấm. Việc in màu hơn 28.000 thẻ dự thi gặp nhiều vất vả; rồi việc in danh sách ảnh thí sinh mỗi phòng thi, phải 3 tờ A4 màu, ước tính in hơn 10.000 tờ màu A4, nếu phần mềm của Bộ sau này chuẩn lại có chế độ in A3 thì sẽ tiết kiệm hơn với khoảng hơn 3.000 tờ A3; việc Bộ GD-ĐT cho thí sinh điều chỉnh môn thi đến 3 lần đã ảnh hưởng khi danh sách phải in lại; việc lịch thi phải in lại vì thay đổi giờ bóc đề thi…

Ông Lê Văn Anh, PGĐ Đại học Huế cũng cho biết sau kỳ thi nay sẽ gặp khó khăn đáng kể khi thi xong ngày mùng 4/7 thì ngày 5/7 phải chấm thi, 20/7 phải có điểm do thời gian rất hẹp. “Chúng tôi cũng lo việc chấm phúc khảo khi có huy động các cán bộ ngoại tỉnh xa sợ bị ảnh hưởng về quãng đường”.

Thứ trưởng Ga cho hay đây là lần đầu tiên kỳ thi được thực hiện theo cách mới nên sẽ có một số vấn đề mới phát sinh. Thứ trưởng cũng ghi nhận để tiếp thu nhưng trên tinh thần chính là những thay đổi của một kỳ thi mới tuy  làm Bộ GD-ĐT và các điểm thi khó khăn, tuy nhiên sẽ làm cho thí sinh thoải mái hơn.

Huế hỗ trợ 150 ngàn đồng/thí sinh dân tộc vùng cao

- “Để giúp đỡ cho thí sinh thiểu số, ở vùng sâu vùng xa, 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã ủng hộ, chi cho mỗi thí sinh 150 ngàn đồng giúp cho các em có điều kiện đi lại trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay” – ông Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

- Cụm thi quốc gia số 26 do Đại học Huế chủ trì sẽ có thí sinh 3 tỉnh là Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đến tham dự thi với tổng số 27.845 thí sinh. Trong đó Thừa Thiên Huế chiếm số lượng thí sinh lớn nhất, gần gấp đôi 2 tỉnh còn lại với 12.572 thí sinh; Quảng Trị có 7.590 thí sinh; Quảng Bình 7.639 thí sinh; các sở khác 8 thí sinh; bổ sung thí sinh dự tuyển công an, bộ đội là 36 thí sinh.

 Số môn thi đăng ký nhiều nhất là môn Toán (25.751 thí sinh), tiếp đến là môn Văn (24.821 thí sinh), ít nhất là môn Sử (5.876 thí sinh). Các môn ngoại ngữ: tiếng Anh (22.041), tiếng Nga (0), tiếng Pháp (65), tiếng Trung (4), tiếng Đức (1), tiếng Nhật (56).











Đại Dương