Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ngưỡng điểm 15, các trường đại học dồi dào nguồn tuyển

(Dân trí) - Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngưỡng 15 điểm đại học là đã thống kê hết tất cả các tổ hợp của các trường. Lượng thí sinh đạt trên ngưỡng 15 rất đông bởi các em thi nhiều môn và tổ hợp nhiều khối khác nhau nên các trường không cần lo lắng về nguồn tuyển.

Ngay sau khi kết thúc họp Hội đồng xác định ngưỡng chất lượng xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.

Thứ trưởng Ga cho biết: Năm nay trên 1 triệu thí sinh dự thi thì có khoảng 30% thí sinh dự thi ở cụm thi địa phương, 70% thi ở cụm thi do ĐH chủ trì. Thống kê có 726.000 thí sinh thi ở cụm thi do ĐH chủ trì, số này sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH-CĐ. Những thí sinh này được đưa vào thống kê điểm để xác định mức điểm sàn.

Số chỉ tiêu đại học năm nay khoảng 390.000, trong đó 50.000 chỉ tiêu thuộc gần 200 trường đại học có đề án tuyển sinh riêng (dựa trên kết quả học phổ thông). Tuy xét tuyển riêng nhưng các trường này vẫn phải có ngưỡng bảo đảm đầu vào (bình quân đạt 6 điểm/môn học mới được vào đại học, cao đẳng là 5,5 điểm/môn). Vì thế, hoàn toàn yên tâm về chất lượng đầu vào đại học.

 

Năm nay, thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn vào đại học
Năm nay, thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn vào đại học

Thưa Thứ trưởng, việc xác định ngưỡng chất lượng xét tuyển ĐH, CĐ năm nay được tiến hành như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Dựa vào kết quả thi, Bộ GD-ĐT đã phân tích các phương án khác nhau để đưa ra Hội đồng xác định ngưỡng chất lượng đầu vào để xem xét. Năm nay có đặc thù là thí sinh dự thi một lần với nhiều môn thi để tổ hợp lại thành các tổ hợp xét tuyển. Lâu nay tổ hợp xét tuyển truyền thống có 5 khối (A,A1,C,B,D). Tuy nhiên năm nay ngoài tổ hợp truyền thống còn có nhiều tổ hợp mới, tổng cộng có khoảng 15 tổ hợp phổ biến (ngoài ra có một số tổ hợp đặc thù ở một số trường).

Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả đạt được của thí sinh, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã tìm các giải pháp kỹ thật để giảm tỷ lệ ảo, xét số lượng thí sinh thực ở ngưỡng điểm khác nhau bằng cách  đưa ra thuật toán tính toán. Những thí sinh có tổng điểm trên ngưỡng 15 điểm có thể xét tuyển ở nhiều tổ hợp khác nhau.

Hội đồng đã phân tích rất nhiều phương án khác nhau và quyết định ngưỡng tối thiểu cho tất cả các tổ hợp khi xét tuyển vào đại học là 15 điểm (đối với cao đẳng thì mức này giảm 3 điểm). Mức này bảo đảm chất lượng đầu vào, không gây khó khăn cho các trường xét tuyển, có bảo đảm nguồn dôi dư nhất định. Ngưỡng điểm chất lượng cũng đã tính đến sự dịch chuyển của thí sinh ở các vùng miền.

Sau đây, từ 1/8 thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển, vì vậy các trường sẽ công bố ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển trước thời gian này. Ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển của các trường tùy thuộc vào chỉ tiêu đào tạo nhưng không thấp hơn mức Bộ GD-ĐT công bố.

Năm nay các trường không nên sợ thiếu nguồn tuyển mà hạ điểm chuẩn, sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Nguồn tuyển rất dồi dào vì vậy các trường phải trách nhiệm, cân nhắc đưa ra mức điểm xét tuyển phù hợp để tạo thuận lợi cho thí sinh trong xét tuyển. Nếu ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển quá thấp, thí sinh sẽ nộp vào nhiều, từ đó dễ gây đến tình trạng phải rút hồ sơ.

Nếu như mọi năm thì Bộ GD-ĐT đưa ra mức điểm sàn ứng với từng khối thi thì năm nay tất cả đều chung một mức. Điều này có hợp lý không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ngưỡng 15 điểm là đã thống kê hết tất cả các tổ hợp, kể cả tổ hợp truyền thống và tổ hợp mới của các trường. Số lượng thí sinh đạt trên ngưỡng 15 rất là cao bởi các em thi nhiều môn và tổ hợp nhiều khối khác nhau nên không cần lo lắng về nguồn tuyển.

Chúng ta chọn một ngưỡng nào đó là điểm trung gian của tất cả các tổ hợp, có những tổ hợp mà điểm trung bình lên đến 18,0 nhưng cũng có những tổ hợp ở mức 14-15 điểm. Nếu chúng ta chọn qúa nhiều ngưỡng ở mỗi tổ hợp sẽ phức tạp, gây rối, không cần thiết. Thực tế thì các trường sẽ xét tuyển lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu nên ngưỡng ở mức nào cũng không quá ảnh hướng đến thí sinh.

Với việc thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả nên việc xác định vùng phổ điểm của một tổ hợp là không thể. Chẳng hạn như môn Văn thì không thể biết vùng phổ điểm cao sẽ thuộc tổ hợp khối C hay D. Vậy cách xác định ở đây là như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chúng ta không thể nào đi chi tiết mức điểm của từng tổ hợp được bởi vì có quá nhiều các tổ hợp, các tổ hợp có thể chênh nhau 0,5 điểm, 0,25 điểm thì không lý gì chúng ta phải chia quá nhỏ dẫn đến bị rối và phức tạp. Các môn thi có phổ điểm không lệch nhau quá xa nên chúng ta chỉ cần xác định ngưỡng điểm để cho phù hợp với tất cả các khối thi. Chúng ta xác định một ngưỡng đơn giản nhất mà mọi người đều chấp nhận được.

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

 

Với ngưỡng điểm đưa ra thì hệ số dôi dư như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với mức điểm này, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15,0 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường đại học.

Với cách xác định như năm nay sẽ không có ảo nhiều. Ảo theo khối đã được tính toán loại ra, một thí sinh có thể có nhiều tổ hợp nhưng chỉ tính một tổ hợp tối ưu nhất.

Lời khuyên của Thứ trưởng đối thí sinh đăng ký xét tuyển?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thí sinh cần phải theo dõi thường xuyên thông tin của các trường (3 ngày/lần). Để không bị may rủi thì các em phải tìm kiếm thông tin. Nên nhớ, NV1 các trường tuyển 70-75% chỉ tiêu. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ ảo rất lớn. Vì vậy, phải tính toán để chọn đúng  NV1, bảo đảm cơ hội để trúng tuyển cao nhất.

Thí sinh phải tính toán chọn trường, chọn ngành phù hợp. Phải chọn trường đúng tầm, không nên chọn trường cao quá để rồi phải rút hồ sơ. Theo dõi thường xuyên thông tin để rút hồ sơ nếu thấy không có khả năng trúng tuyển bởi tất cả các trường đều có trang web và sẽ thống kê lũy kế thí sinh nộp hồ sơ. Thí sinh không nên để phút chót mới nộp hồ sơ bởi sẽ rất nguy hiểm và không còn kịp thời gian để nộp trường khác.

Việc công bố kết quả nộp hồ sơ đã được đưa vào Quy chế đã công bố điểu này. Tất cả các trường phải thực hiện, nếu không sẽ bị xử lý. Thí sinh nào thấy trường không thực hiện đúng thì phản ánh với Bộ để kiểm tra và chấn chỉnh.

Nguyễn Hùng (thực hiện)

(Email hungns@dantri.com.vn)