Điểm chuẩn ĐH, CĐ 2015 có xu hướng như thế nào?
(Dân trí) - Nếu như mọi năm thí sinh thi xong đại học, cao đẳng, ngay từ vòng chấm đầu tiên, các trường đã dự kiến được điểm chuẩn mà không cần chờ đến điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Năm nay hoàn toàn lại khác, mọi dự kiến về điểm chuẩn đều không có cơ sở.
Năm nay, với việc thí sinh biết điểm thi trước sau đó mới đăng ký xét tuyển NV1 nên chỉ khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, các trường ĐH,CĐ mới hình dung ra được mức điểm chuẩn dự kiến.
Bên cạnh đó, việc xây dựng điểm chuẩn chính thức sẽ mất khá nhiều thời gian khi thí sinh được phép đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường ở đợt xét tuyển NV1.
Hiện nay cơ sở duy nhất để thí sinh có thể đánh giá được mức độ cạnh tranh khi làm hồ sơ xét tuyển đó chính là phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố. Tuy nhiên, để đọc được phổ điểm này không phải là dễ dàng.
Sở dĩ khó đọc được phổ điểm bởi số lượng thí sinh dự thi môn Toán của tổ hợp khối thi A, B, D năm chung một cột, không tách dữ liệu nên con số dự đoán phổ điểm có độ “lệch” sẽ lớn hơn.
Để giải quyết bài toán này chúng ta nên dựa trên kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm qua. Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, thông thường một thí sinh dự thi tổ hợp khối A thì mức độ “vênh” giữa các môn thi sẽ không quá lớn. Nếu có sự biến động thì chỉ vênh nhau trong phạm vi từ 0,5-2 điểm.
Dựa trên kinh nghiệm này chúng ta có thể phân tích như sau: Môn thi dễ loại trừ nhất là Sinh học khi tổ hợp chủ yếu là khối B, ở vùng phổ điểm từ 6-8 có khoảng 40.000 thí sinh đạt. Như vậy, tương ứng bên cạnh các môn Toán và Hóa cũng dao động ở mức này. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 40.000 thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 18-24 điểm.
Trong khi đó ở vùng điểm Sinh học từ 8,25 trở lên đến 10 không cao, khoảng gần 5.000 thí sinh. Như vậy vùng phổ điểm từ 25 trở lên khi ở mức thấp.
Qua đây có thể thấy, đối với khối B nguồn tuyển ở mức 18-24 sẽ rất dồi dào, ở mức cao hơn khá hạn chế. Đối với các ngành thuộc khối trường Y khả năng biến động ở các ngành có điểm chuẩn cao của năm 2014 là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, ở các ngành có mức điểm 20 hoặc 21, việc biến động lớn là điều khó tránh khỏi. Khối ngành Nông – Lâm – Ngữ có thể mức điểm chuẩn sẽ tăng hơn so với năm trước.
Sau khi loại trừ được số lượng thí sinh đạt môn Toán, Hóa có thể nằm ở khối B, chúng ta tiến tới xác định vùng phổ điểm khối A.
Tổng số thí sinh môn Hóa nằm ở vùng phổ điểm từ 6-8 khoảng 100.000 em, như vậy số thí sinh môn Hóa đạt mức này nằm ở khối A chiếm khoảng 60.000-70.000 em. Từ môn Hóa có thể ước tính được số lượng thí sinh đạt tổng điểm 3 môn khối A đạt từ 18-24 trở lên khoảng 70.000 -80.000 em đạt (vùng phổ điểm của môn Toán từ 8,0 trở lên không cao). Qua đây cũng cho thấy nguồn tuyển cho các trường top trên cũng khá hạn chế nên mức điểm chuẩn khó có thể biến động, tuy nhiên với vùng top giữa sẽ chứa ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.
Sau khi loại trừ được thí sinh khối A thì số thí sinh còn lại sẽ tập trung chủ yếu vào khối D. Cách xác định tương tự sẽ cho thấy vùng phổ tổng điểm 3 môn của khối này.
Theo dõi thông tin để quyết định chọn ngành
Năm nay mọi sự phân tích chỉ là kênh để tham khảo và chứa ẩn nhiều rủi ro bởi nó có thể thay đổi “chóng mặt” khi nhiều thí sinh có tổng điểm cao nộp dồn vào một trường.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và phí ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.
Hồ sơ và phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người tham gia ĐKXT, khuyến khích các trường ĐH, CĐ cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT theo hình thức trực tuyến.
Như vậy, để đánh giá được cơ hội trúng tuyển của mình thí sinh cần phải theo dõi thông tin cập nhật về số lượng thí sinh nộp hồ sơ để biết mình đang đứng ở vị trí thứ bao nhiêu.
Một chuyên gia tuyển sinh nhận định, việc xét tuyển năm nay sẽ rất phức tạp bởi thí sinh phải liên tục theo dõi thông tin từ phía các trường để đánh giá. Thông qua đó sẽ quyết định có nên rút hồ sơ hay không. Tình trạng rút hồ sơ sẽ náo loạn, nhất là những ngày cuối của mỗi đợt xét tuyển. Chính vì thế, nếu không có một sự quản lý theo hệ thống thì nguy cơ “vỡ trận” trong công tác xét tuyển chắc chắn sẽ xảy ra.
Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn)