Khối trường Văn hóa nghệ thuật thích tuyển sinh riêng

(Dân trí) - Bà Lê Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo (Bộ VH TT và Du lịch) cho hay, năm 2013 việc thực hiện đề án tuyển sinh riêng đối với 10 trường đã tạo nguồn tuyển rộng rãi và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào.

Đề cập đến công tác tuyển sinh tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 khóa 11 và Tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28/12, bà Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: Xuất phát từ công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong 5 năm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, số lượng thí sinh dự thi giảm sút, nguồn tuyển hạn hẹp, chất lượng nguồn tuyển sinh và quy mô đào tạo giảm, chất lượng đào tạo chưa cao trong khi đòi hỏi thực tiễn yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật góp phần thúc đẩy sự nghiêp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Nhằm triển khai thực hiện Đề án của ngành Văn hóa thể thao và du lịch đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trực thuộc xây dựng đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, cho phép triển khai thực hiện thí điểm đối với 10 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong năm 2013 theo phương thức thi tuyển các môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển các môn văn hóa dựa trên kết quả học tập THPT.

Thí sinh dự thi môn năng khiếu ở kì thi tuyển sinh ĐH năm 2013. (Ảnh: Mai Châm)
Thí sinh dự thi môn năng khiếu ở kì thi tuyển sinh ĐH năm 2013. (Ảnh: Mai Châm)

Sau 1 năm triển khai đề án, công tác tuyển sinh đối với 10 cơ sở đào tạo (9 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 1 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT) đã được đánh giá là thành công. Việc thực hiện đề án tuyển sinh riêng đối với 10 trường đã tạo nguồn tuyển rộng rãi và nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào có tính chất đặc thù, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế, trong một trường cùng lúc có thể chọn hai phương thức tuyển sinh. Chẳng hạn như các ngành đào tạo năng khiếu sẽ tuyển sinh theo phương thức thi năng khiếu kết hợp với xét tuyển môn văn hóa, các ngành đào tạo văn hóa thực hiện phương thức tuyển sinh theo kì thi “3 chung”.

Triển khai tổ chức kì thi tuyển sinh riêng được chủ động về thời gian thi tuyển và xét tuyển môn Ngữ văn nên số lượng thí sinh dự thi vào các trường văn hóa nghệ thuật tăng cao so với các năm trước. Chẳng hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tăng 75%, ĐH Mỹ thuật TPHCM tăng 67%...

Nhờ có kì thi tuyển sinh riêng mà các trường đã tiết kiệm được chi phí trong việc tổ chức kì thi, tránh áp lực cho thí sinh dự thi để tập trung vào thi các môn năng khiếu, đồng thời tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội tham gia dự thi các trường khác theo kì thi “ 3 chung”.

Năm 2013, điểm xác định trúng tuyển của một số ngành cao hơn năm trước do điểm xét tuyển các môn văn hóa có kết quả cao hơn so với thi tuyển như những năm trước đây. Mặc dù việc triển khai đề án còn gặp một số khó khăn tuyển sinh theo quy định như hành chính thủ tục, một số Sở GD-ĐT thành phố chưa cập nhật để phối hợp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, một số thí sinh gặp khó khăn khi làm thủ tục dự thi… nhưng có thể nói kì thi tuyển sinh riêng của 10 trường đã thực hiện một cách an toàn, nghiêm túc, đúng quy định, đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi. Phương thức thi tuyển môn năng khiếu kết hợp với xét tuyển môn văn hóa dựa trên kết quả học tập phổ thông là hình thức tuyển sinh phù hợp với khối trường đặc thù văn hóa nghệ thuât, đem lại hiệu quả cao về chất lượng nguồn tuyển sinh.

Trước những thành công của việc tuyển sinh riêng, Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép 10 trường văn hóa nghệ thuật được tiếp tục tổ chức kì thi tuyển sinh riêng trong các năm tiếp theo và cho phép một số trường thuộc các tỉnh thành phố thuộc khối văn hóa nghệ thuật được tổ chức tuyển sinh riêng trên cơ sở tự nguyện, xây dựng đề án khả thi được 2 Bộ phê duyệt.

Bà Hiền đề nghị Bộ GD-ĐT có văn bản xem xét, hướng dẫn cụ thể với những thí sinh không có điểm môn Ngữ văn, nhằm tạo điều kiện tối đa cho những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật… Bởi từ thực tế tuyển sinh riêng của 10 trường năm vừa qua, có trường hợp thí sinh đăng ký dự thi học tập và có bằng tốt nghiệp CĐ ở nước ngoài. Do trong chương trình học không có môn Ngữ văn nên những đối tượng này không đảm bảo tiêu chí để xét tuyển dù có tài năng thực sự.

Trả lời những kiến nghị của Phó Vụ trưởng Lê Thị Thu Hiền, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay: “Khối trường thuộc khối Văn hóa nghệ thuật, Vụ đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich) cần chủ động trao đổi với Bộ GD-ĐT, tinh thần là Bộ GD-ĐT đồng tình với những nguyên tắc Phó vụ trưởng đã trao đổi”.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm