Tự chủ tuyển sinh: Cần thời gian nên vẫn kết “3 chung”
(Dân trí) - Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 khóa 11 và Tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ, các trường đều tán thành chủ trương thực hiện tự chủ tuyển sinh có lộ trình và cần thời gian để chuẩn bị.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: Để đảm bảo quá trình chuyển từ phương thức “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm theo lộ trình phù hợp, diễn ra trong trật tự, nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội cũng như sự lo lắng của học sinh và phụ huynh. Đồng thời, để giúp các trường chưa đủ năng lực hoặc chưa chuẩn bị được đề án tuyển sinh riêng, trong vòng 3 năm tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức kì thi tuyển sinh chung. Phương thức tổ chức kỳ thi chung được giữ ổn định như năm 2013.
Công bố quy định về tự chủ tuyển sinh
Tại Hội nghị, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Quyết định Ban hành quy định về tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, nguyên tắc giao là các trường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh theo quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục ĐH. Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh.
Từng trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu về nội dung, điều kiện quy định. Các trường tổ chức thi tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kì thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Các trường chỉ tổ chức thi tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD-ĐT quy định. Kết quả thi của thí sinh vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Những khoa, ngành tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả kỳ thi chung.
Yêu cầu đối với các trường tự chủ tuyển sinh đó là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; Thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh riêng theo quy định; Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc; Công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, các điều kiện cần đạt được của đề án tuyển sinh riêng đó là phù hợp với quy định của Luật giáo dục ĐH và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Đảm bảo các yêu cầu về tự chủ tuyển sinh; Hình thức, nội dung tuyển sinh phải phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường và chương trình phổ thông; Đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện việc tuyển sinh riêng; Các tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển rõ ràng; Không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh; được dư luận đồng tình ủng hộ; Các giải pháp chống tiêu cực khả thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường xây dựng và triển khai thực hiện đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD-ĐT xác nhận đã đáp ứng các yêu cầu quy định ở trên. Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường góp ý cho đề án tuyển sinh riêng. Những trường tuyển sinh riêng năm 2014 cần gửi đề án về Bộ GD-ĐT chậm nhất là 30 ngày từ khi Quyết định chính thức được ban hành. Công khai kết quả thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường, của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) có trách nhiệm góp ý với nhà trường hoàn thiện phương án tuyển sinh riêng; Công bố nội dung dự thảo đề án tuyển sinh riêng của các trường lên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác để xã hội góp ý hoàn đề án.
Căn cứ vào nội dung của đề án và ý kiến phản biện của xã hội, trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày trường nộp đề án tuyển sinh riêng hợp lệ, Bộ GD-ĐT xác nhận bằng văn bản khẳng định đề án tuyển sinh riêng của trường có đáp ứng yêu cầu quy định hay không. Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục công bố các đề án tuyển sinh riêng đã được xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định lên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác để xã hội biết và giám sát.
Trường "nhờ" nên Bộ làm "hộ" chứ không phải “phạm luật”
Một điều khá đặc biệt, mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra các quy định về tự chủ tuyển sinh ĐH để các trường đóng góp ý kiến nhưng hầu hết đều “im lặng”, một số cơ sở lên tiêng với xu hướng ủng hộ “tuyệt đối”.
PGS.TS Đoàn Công Vinh - Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng chia sẻ: Tự chủ tuyển sinh đối với các nhà trường là không mới bởi trường khi Bộ GD-ĐT tổ chức thi “ 3 chung” thì các trường đã thực hiện tự tổ chức thi. Cái mới ở đây là các trường phải suy nghĩ cách thi, kiểu thi, môn thi thế nào để có thể tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành nghề đào tạo để đạt được mục tiêu Nghị quyết TW 8 đã đề ra. Thực tế đây là điều khó nhất. ĐH Đà Nẵng trong thời gian tới tiếp tục tham dự kì thi “ 3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tuy nhiên với tư cách là một trường ĐH trọng điểm vùng, đa ngành với nhiều trường thành viên nên ĐH Đà Nẵng đang tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể xây dựng được một đề án tuyển sinh riêng trình Bộ xem xét. Đích đến của đề án là một phương thức tuyển sinh vừa kiểm tra kiến thức nhưng quan trọng hơn là đánh giá được năng lực học tập của thí sinh. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc học tủ, học lệch cũng như hiện tượng học thêm, dạy thêm nhằm luyện khả năng nhớ bài của thí sinh”.
Nhiều trường vẫn chưa sẵn sàng để tiếp nhận tự chủ tuyển sinh.
Với chủ trương của Bộ tổ chức kì thi tuyển sinh riêng 2 đợt trong năm, PGS Vinh đề xuất tổ chức một đợt vào tháng 7 và một đợt vào tháng 1 hoặc tháng 2.
Lãnh đạo một số trường ĐH khác cũng thẳng thắn thừa nhận: Đề án Bộ đưa ra rất hợp lý. Từ cái thi chung muốn chuyển sang thi riêng thì phải xác lập quá độ nên cần phải có lộ trình, có thời gian để có sự chuẩn bị tốt. Hiện nay chưa có giải pháp nào tốt hơn “ 3 chung”, tuy nhiên để phù hợp với xu thế hội nhập, đặc biệt là thực hiện Luật Giáo dục ĐH thì phải giao tự chủ tuyển sinh. Nhưng nếu giao mà không có sự chuẩn bị, không có kiểm soát thì nó dễ quay lại với việc tự chủ như trước đây. Cần có thời gian để tốt cho cả hai phía. Trước hết là trường có sự chuẩn bị, sau đó là các nhà trường phổ thông và thí sinh.
Để chuẩn bị kỹ cho công tác tổ chức thi riêng, năm 2014, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Thủy lợi... cho biết vẫn tham gia kỳ thi “3 chung” của Bộ GD-ĐT.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Thi cử là một vấn đề rất quan trọng nhưng không phải duy nhất của hoạt động đào tạo giáo dục ĐH, CĐ. Việc đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục ĐH cần phải có một ngưỡng để khống chế đầu vào nhưng nó không phải là yếu tố quyết định duy nhất”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ về việc tự chủ tuyển sinh
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định, “3 chung” sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian quá độ chuyển tiếp để giúp cho tất cả các cơ sở chuẩn bị kỹ điều kiện để triển khai.
“Chúng tôi cũng cân nhắc, khi làm như thế có phạm luật không? Bởi theo quy định là tự chủ giờ lại vẫn có “3 chung”. Hôm nay tại Hội nghị nhiều trường nói là chưa đủ điều kiện để tuyển sinh riêng. Cho nên giao quyền tự chủ cho các nhà trường, trong đó có quyền là các trường chưa đủ điều kiện thì có thể nhờ Bộ, nhờ các trường khác. Chúng tôi tôn trọng quyền tự chủ của các trường, tôn trọng cả quyền nhờ đó nên làm cho các trường trong những năm chuyển tiếp” - Bộ trưởng GD-ĐT chốt vấn đề.
Nguyễn Hùng