Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

Phải quy định ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển

(Dân trí) - “Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT sẽ khống chế bằng những quy định để chất lượng đầu vào không quá thấp với các trường tuyển sinh riêng” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy trong buổi trả lời báo chí về dự thảo phương án tuyển sinh 2014.

Thứ trưởng Ga cho rằng, Bộ khống chế như vậy để không phát sinh hiện tượng các tổ chức, cá nhân là cán bộ giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; Không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; Phối hợp để tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát; Công bố rộng rãi phương án tuyển sinh để xã hội giám sát.

Theo dự thảo tuyển sinh 2014, Bộ yêu cầu các trường có phương án tuyển sinh riêng phải quy định ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Vậy “ngưỡng tối thiểu” đó là gì?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Phương án tuyển sinh của các trường rất đa dạng, có trường thi tuyển, có trường xét tuyển, có trường vừa thi vừa xét vì vậy mỗi trường có một ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng khác nhau. Bộ không áp đặt ngưỡng tối thiểu đối với các trường tổ chức thi riêng. Ngưỡng này do các trường tự đề xuất và phải được xã hội chấp nhận. Các chuyên gia của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét ngưỡng đó có đảm bảo chất lượng tuyển sinh hay không. Bộ không thể đưa ra một ngưỡng chung vì phương án của các trường đưa ra rất phong phú”.

Để các trường tuyển sinh riêng có chất lượng tốt, theo Thứ trưởng Ga, sẽ kiểm soát ngay từ khi các trường gửi đề án tuyển sinh riêng. Trong đề án tuyển sinh này các trường phải trình bày cụ thể môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi đặc biệt là các điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Các phương án tuyển sinh phải chứng minh được tính khách quan thì mới được chấp nhận. Theo đó, khi tuyển sinh riêng, các trường phải làm thế nào để lựa chọn đúng thí sinh có năng lực để học ngành nghề đặc trưng theo đúng yêu cầu.

Theo lãnh đạo Bộ, các trường đã đưa ra ngưỡng tuyển sinh của mình thì không được xét tuyển dưới ngưỡng đó, cũng không được xét từ trên xuống chỉ cốt để lấy đủ chỉ tiêu. Ví dụ, không thể chỉ có 600 người đăng ký thi mà lấy cho đủ 500 chỉ tiêu nếu chỉ có 200 người đạt ngưỡng.

Tuyển sinh 2014 có nhiều đợt thi, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.

Tuyển sinh 2014 có nhiều đợt thi, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.

Không dám tuyển sinh riêng!

Trong số 17 trường từng có đề án tuyển sinh riêng gửi Bộ, khi Bộ đưa ra dự thảo phương án tuyển sinh nhiều trường đã lưỡng lự chưa dám tuyển để chờ thời cơ tốt.

Trường ĐH Phan Châu Trinh đã gửi Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh riêng rất chi tiết từ đầu năm 2013.

Ông Đỗ Thế - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường đang rà soát lại phương án tuyển sinh đã gửi Bộ trước đây, xem có gì không phù hợp với các yêu cầu mới của Bộ không để điều chỉnh. Trước mắt, chúng tôi sẽ gửi công văn đề nghị Bộ GD-ĐT trả lời xem đề án đã nộp của chúng tôi đúng, sai như thế nào, chờ phản hồi của Bộ rồi chốt phương án của trường”.

Chọn phương án an toàn nhất cho mùa tuyển sinh 2014, lãnh đạo trường ĐH Phan Châu Chinh cho hay, đợt 1 trường vẫn muốn xét tuyển theo “3 chung”, nếu thi tuyển là để đợt sau bổ sung. Nếu thi riêng, trường sẽ thi vào đợt khác với đợt thi “3 chung” để tránh rủi ro.

Còn trường CĐ ASEAN, Hiệu trưởng Phan Tuý cho biết nhà trường sẽ tiếp tục trình Bộ đề án tuyển sinh riêng, với phương thức xét tuyển. Với phương án này, trường dự kiến xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở THPT, căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp, kết quả học tập của các môn theo ngành học, kết quả 3 năm học cấp 3.

Theo ông Phan Tuý, việc Bộ GD-ĐT không cho các trường muốn thi riêng được sử dụng kết quả “3 chung” cũng hợp lý, vì hầu hết các trường muốn xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở phổ thông là chính. Các trường nhóm trên muốn tuyển sinh riêng có thể tự chọn các môn thi tuyển. “3 chung” chỉ giải quyết cho những trường không đủ khả năng hoặc không muốn tổ chức thi riêng, xét tuyển riêng.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm