Khi Giáo dục công dân bị coi là môn phụ

(Dân trí) - Liệu một giáo viên bộ môn tự nhiên có thể truyền tải hết nội dung, tầm quan trọng của bộ môn Giáo dục công dân đến học sinh không, hay chỉ coi môn GDCD là môn phụ nên giáo viên đọc chép cho xong?

Ai cũng thắc mắc nguyên nhân từ đâu mà một số bạn trẻ có xu hướng xuống cấp về đạo đức, vậy có ai thấy được nguyên nhân từ đâu không? Theo tôi là từ tất cả những điều trong môi trường chúng ta đang sống. Một con cá được sống trong một môi trường nước tốt được ăn thức ăn tốt nó sẽ cho sản phẩm cá con lành mạnh. Các nhà quản lý giáo dục có bao giờ đi tìm nguyên nhân của việc này chưa? Nền giáo dục toàn diện - toàn diện là đạo đức và tri thức hay học sinh phải học giỏi hết tất cả các môn, hay giáo viên (GV) là những người đa năng? Vì sao tôi hỏi như vậy? Bạn thời phổ thông của tôi hiện đang là GV dạy môn Sinh học, khi GV này xin chuyển công tác về một trường gần nhà, Phòng Giáo dục phân GV này về một trường THCS. Vì hiện tại trường đã đủ biên chế cho GV bộ môn Sinh, nhưng GV phải dạy cho đủ số tiết/tuần thế là GV này phải nhận thêm mấy tiết môn Giáo dục công dân (GDCD).
 

Gần đây, có không ít người “giật mình” trước các biểu hiện của việc xuống cấp về đạo đức của một bộ phận bạn trẻ như thóa mạ người thân trên Facebook, chửi bậy tràn lan, đánh nhau hội đồng... Theo bạn đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Xin mời độc giả chia sẻ các ý kiến, bài viết của mình tới mục Giáo dục, báo điện tử Dân trí  qua địa chỉ email dantri@dantri.com.vn Trân trọng cảm ơn!

Đúng rằng khi được đào tạo để trở thành một GV, họ đã được đào tạo kiến thức và đạo đức, họ không chỉ dạy học sinh về chuyên môn của mình mà còn phải uốn nắn học sinh về đạo đức. Nhưng với một GV bộ môn tự nhiên họ có thể truyền tải hết nội dung, tầm quan trọng của bộ môn GDCD này đến học sinh không, hay chỉ coi môn GDCD này là môn phụ nên đọc chép cho xong, còn nếu GV này truyền tải hết cả môn “tay trái” này thì quả là GV của chúng ta đa năng thật.

Khi môn GDCD được dạy cho xong, thì liệu học sinh sẽ được dạy về đạo đức như thế nào?

Ngoài ra, lối sống của giới trẻ có bị ảnh hưởng bởi những kênh giải trí không? Có đấy và những kênh này ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn nhận về giá trị đạo đức, giá trị cuộc sống, cách cư xử… Vậy mà có bao nhiêu phần trăm những người hoạt động trong ngành nghề này biết được tầm quan trọng của mình với công chúng với xã hội với cả thế hệ trẻ. “Yêu mà không có tiền, cạp đất mà ăn à” - phát biểu đó của một cô “hoa hậu”, tôi thật xấu hổ thay khi đọc những phát ngôn bừa bãi của cô gái này.

Rồi trong gia đình, những ông bố bà mẹ đã thực sự là tấm gương cho con cái chưa? Họ đối xử với cha mẹ mình đúng cách để con cái noi theo chưa, họ đối xử với những người xung quanh có đúng chưa? Nếu một gia đình có cha mẹ cư xử, đối xử đúng mực, thận trọng trong lời nói, không bừa bãi phát ngôn với ông ba cha mẹ mình, với những người hàng xóm và với những người gặp trong xã hội thì con của họ sẽ không có những suy nghĩ, những phát ngôn như vậy.

Trước việc một bộ phận bạn trẻ xuống cấp về đạo đức, đừng đổ lỗi cho một mảng nào hết mà là trách nhiệm của tất cả mọi người.

My Dung