Đạo đức sinh viên: Đến lúc cần…. thuốc “đề kháng”
(Dân trí) - Đạo đức sinh viên đang ở mức báo động, nhất là khi việc giáo dục đạo đức ở nhà trường ĐH, CĐ còn bị “bỏ trống” hoặc có thực hiện thì chưa mấy tác động đến sinh viên nên còn thiếu hiệu quả.
Nội dung này được đề cập tại hội thảo khoa học “Giáo dục đạo đức cho sinh viên trong các trường ĐH, CĐ” do Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 21/12.
Đạo đức sinh viên: Báo động
Giảng viên Nguyễn Như Bình (Trường ĐH Văn hóa) TPHCM chỉ ra tình trạng báo động về đạo đức sinh viên (SV) hiện nay ở góc độ bạo lực học đường, đang trở thành ám ảnh của toàn xã hội. Tình trạng bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở việc HS, SV đánh nhau mà nghiêm trọng hơn còn cả việc HS, SV đe dọa, cảnh cáo, thậm chí là hành hung, truy sát người đứng trên bục giảng.
Giảng viên Nguyễn Như Bình dẫn chứng bằng vụ việc một SV khoa Cơ khí Công nghệ (ĐH Nông lâm TPHCM) vì thi trượt nhiều lần đã tạt axit, dùng dao truy sát thầy phó trưởng khoa khiến thầy bị bỏng 34% và nhiều SV khác bị liên lụy.
Đánh bài ăn tiền là một trong những tệ nạn phổ biến trong giới SV.
TS Vũ Thị Liên - phó khoa Sư phạm Tự nhiên (Trường CĐ Sơn La) thẳng thắn cho rằng, một bộ phận SV sống không đồng cảm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến việc đua đòi, hưởng thụ. Về hành vi, không ít SV vi phạm pháp luật, vi phạm ao toàn giao thông, nghiện game online, quay cóp bài hay đánh nhau, trả thù vì những mâu thuẫn rất nhỏ...
Bà Liên cũng bày tỏ SV đang bị tác động rất nhiều từ bối cảnh thị trường và toàn cầu hóa với sự phân hóa giàu nghèo cũng như nhiều tệ nạn xã hội đang diễn ra hàng ngày. Trong khi việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ - cả ngay trong trường học - đang bỏ ngỏ quá nhiều vấn đề.
Dựa vào một số kết quả nghiên cứu đã thực hiện tại trường, ThS Phan Thị Luyện - Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay phần lớn SV cho rằng tệ nạn xã hội trong SV là khá phổ biến. Chủ yếu ở các hành vi chơi lô đề, cờ bạc, bạo lực học đường, đua xe trái phép, nghiện ma túy... Đặc biệt là lô đề và chơi bài ăn tiền.
Quan điểm đánh giá về các hành vi trên của SV thì có tới 31% trong số những người được khảo sát cho rằng các hành vi đó là bình thường vì hầu hết các bạn nhìn thấy hành vi này thường xuyên ở các xóm trọ SV và nơi công cộng.
Thuốc nào để “đề kháng”?
Hầu hết các tham luạn trong tổng 60 bài viết về đề tài đạo đức SV đề cập tại hội thảo đều nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức SV là việc cần thực hiện ngay. Bởi thực tế hiện nay ở trường ĐH, CĐ chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục đạo đức mà chỉ chú trọng việc dạy kiến thức. Ở trường ĐH, cũng có môn học nào để hiểu là môn học đạo đức, giáo dục hành vi cho SV.
Một trong những biện pháp nổi bật nhất trong việc giáo dục đạo đức SV hiện nay ở các trường ĐH, CĐ chính là các hoạt động Đoàn, hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, các hoạt động này ở nhiều trường tổ chức rất dày, rất rầm rộ nhưng không mấy hiệu quả đến việc hình thành nhân cách, đạo đức của SV.
Theo ThS Đàm Thị Vân Anh - ĐH Sư phạm TPHCM, các hoạt động Đoàn hội, hoạt động ngoài giờ cần gần gũi, hấp dẫn hơn để thu hút SV nhằm hạn chế “tình trạng nhàn rỗi” của SV, qua đó loại bỏ các cơ hội khiến họ tiếp cận với hành vi tiêu cực.
"Nhân cách của người thầy chính là tấm gương đạo đức có sức thuyết phục nhất đối với sinh viên. Sự giáo dục “không lời” mà đem lại hiệu quả cao" - PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM. |
TS Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen rất “bận lòng” về tình trạng “đạo văn” trong SV. Theo bà, để rèn tính trung thực cho SV cần phải tạo ra một nền giáo dục sạch bằng việc chấm dứt nạn “đạo văn”. Nhưng thực tế phải thừa nhận vấn nạn này không chỉ trong SV mà có mặt ở các bậc học, cả thạc sĩ, tiến sĩ…
TS Bùi Trân Phượng cũng cảnh báo việc SV thiếu trung thực, thiếu chuẩn mực đạo đức là một rào cản rất lớn, làm chúng ta không thể hội nhập được với thế giới. Bà Phượng dẫn chứng có những SV giỏi, mọi mặt rất tốt nhưng khi đi học ở nước ngoài bị cảnh cáo vì hành vi copy tư liệu của người khác mà không trích nguồn.
Hoài Nam