Giới trẻ thóa mạ người thân trên Facebook, vì đâu?

(Dân trí) - Đọc những bài báo phản ánh việc một bộ phận bạn trẻ thóa mạ người thân trên Facebook, tôi có cảm giác hụt hẫng, chơi vơi đến lạ lùng...

Vì sao chỉ vì bà đã gắt gỏng khi bạn bè đến chơi và người bố không “bênh” con khi chứng kiến sự việc thì đứa cháu, đứa con lại có hành động thóa mạ người bà, người bố hết sức thậm tệ trên Fackbook? 
 
Một ví dụ về việc người thân trên Facebook.
Một ví dụ về việc người thân trên Facebook.

Tôi buồn vì đây không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, chuyện con gái chửi mẹ vì không chịu cho 2 triệu đồng mua quần áo, một chàng trai chửi bà ngoại vì ngăn cản cậu chơi bời, một cô gái mắng mẹ vì xúc phạm một nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc của mình... trên Facebook đã khiến tôi ngỡ ngàng.

Hiếu đạo (trong cả lời nói và hành động) là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam có từ ngàn xưa. Trong kho tàng văn hóa dân gian, người Việt Nam ta cũng có đến hàng trăm câu ca dao, tục ngữ nói về phận làm con. Chẳng hạn: “Đồng một khía cá buôi/Cũng mua cho được để nuôi mẹ già”, “Đói lòng ăn đọt chà là/Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”, “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”...
 

Độc giả có thể chia sẻ các ý kiến, bài viết của mình tới mục Giáo dục, báo điện tử Dân trí  qua địa chỉ email dantri@dantri.com.vn Trân trọng cảm ơn!

 

 

 

Vậy vì đâu mà có một bộ phận bạn trẻ hễ cứ có điều gì đó không bằng lòng với người thân lại lên Facebook ca cẩm, thậm chí thóa mạ?

Theo tôi, một nguyên nhân sâu xa là do sự buông lỏng của nhà trường, gia đình và các đoàn thể xã hội trong công tác giáo dục, quản lý, theo dõi hành vi đạo đức thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, hiện nay một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên đang quen với lối sống hưởng thụ. Bộ phận này đã bất chấp thủ đoạn, tìm mọi cách kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Cũng có một bộ phận thanh thiếu niên nghèo khổ bất mãn với cha mẹ, coi thường và oán hận cha mẹ vì tâm lý tự ti do “hố sâu” chênh lệch giàu nghèo. Bởi thế, khi có tác động bởi các kích thích như: lời mắng chửi, tính sĩ diện trước bạn bè, thói quen bạo lực từ game online... thì các em càng dễ có hành vi chống đối lại cha mẹ. Và Facebook, tưởng như một trang nhật ký của cá nhân, chính là diễn đàn để những cậu ấm, cô chiêu loại này “lên tiếng” công kích người thân, người lớn. Những trường hợp thóa mạ người thân trên Facebook đều có thể vì một hay nhiều nguyên nhân nói trên mà xảy ra.

Thời xưa, nếu ai  phạm vào tội đại nghịch bất đạo như thóa mạ cha mẹ, bất hiếu với ông bà tổ tiên thì đầu tiên dư luận xã hội sẽ không dung tha. Thời nay, các cơ quan an ninh mạng cần phải tìm cho ra chủ nhân thực của những phát ngôn để những cơ quan pháp luật có biện pháp răn đe.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói con người tốt xấu phần nhiều do giáo dục mà nên. Bởi vậy, trước hết là phải dùng biện pháp giáo dục bên cạnh chế tài luật pháp nói trên. Cha mẹ phải luôn quan tâm, chăm sóc con cái, thể hiện tình yêu thương đúng cách, đúng “liều lượng”, nhất là trong độ tuổi vị thành niên. Bởi độ tuổi này, trẻ đang ở giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nhân sinh quan và thế giới quan, nghĩa là cách suy nghĩ và hành động trong tương lai có chín chắn hay không. Nếu bỏ rơi trẻ thì khả năng dẫn đến việc trẻ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ những người bạn xấu, môi trường xấu theo kiểu “gần mực thì đen” là rất cao.

Mặt khác, phải thừa nhận rằng mạng xã hội (nhất là Facebook) ngày càng có ảnh hưởng đối với giới trẻ Việt Nam. Với số lượng học sinh sử dụng Facebook khá cao tại các trường học phổ thông và CĐ, ĐH hiện nay, các giáo viên, giảng viên và những nhà tâm lý giáo dục nên có những buổi nói chuyện hòa đồng, mang tính thảo luận mở về văn hóa mạng để các em có một đường hướng sử dụng Facebook hiệu quả, tạo đà để các em phát triển bản thân hơn là “giết” thời gian nhàn rỗi trên các mạng xã hội một cách lãng phí, thậm chí là gây nguy hại cho bản thân các em.

Nguyễn Văn Toàn