Kết quả đánh giá học sinh Việt Nam hoàn toàn trung thực

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí về kết quả đánh giá của PISA (2012) về học sinh Việt Nam có kết quả đến thế giới phải bất ngờ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định kết quả hoàn toàn khách quan trung thực vì OECD kiểm soát rất chặt.

Chiều 4/12, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa được công bố ngày 3/12, trong đó, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Nóng” nhất trong buổi họp báo là câu hỏi mà các phóng viên đặt ra là kết quả PISA của Việt Nam có khách quan so với thực trạng giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay? Quy trình lựa chọn đối tượng học sinh tham gia, chấm thi như thế nào? Kết quả PISA có ý nghĩa thế nào với giáo dục Việt Nam? Có phải Việt Nam tham gia PISA để lấy thành tích?...

Niềm vui của học sinh TPHCM trong ngày vui khai giảng. (Ảnh: Lê Phương)
Học sinh từ trường nghề, bổ túc, ngoài công lập, công lập... đều có thể tham gia PISA.

Học sinh bất kỳ loại hình trường nào đều có thể được chọn

Trả lời câu hỏi về Quy trình lựa chọn đối tượng học sinh tham gia PISA như thế nào, bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc văn phòng PISA Việt Nam cho biết: Việt Nam phải tuân thủ toàn bộ quy trình kỹ thuật của chương trình nghiêm ngặt của OECD. Đây là chương trình có uy tín nhất đánh giá học sinh trên thế giới.

Ví dụ chọn mẫu. Tất cả các nước phải xây dựng dữ liệu mẫu nộp cho OECD. Kỳ thi PISA này khác với kỳ thi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi. Mẫu chọn là dân số ở tuổi 15. Các em học ở bất kỳ loại hình trường nào như chính quy, không chính quy, trường nghề, bổ túc ở tất cả vùng miền… thuộc vào hệ thống giáo dục quốc dân đều có thể được xây dựng mẫu và lọt vào mẫu chọn PISA. Năm 2012, Việt Nam khảo sát chính thức trên mẫu với 5.670 học sinh ở162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố.

Sau đó, Việt Nam gửi mẫu cho OECD lựa chọn và họ xây dựng hệ thống phân tầng. Vì vậy, những học sinh tham gia PISA, OECD sẽ xây dựng bìa đề thi được niêm yết tên tuổi, năm sinh của thí sinh. Nếu em nào không tham gia kỳ thi thì bìa đề thi đó giữ nguyên lại và mang về văn phòng PISA lưu giữ.

Đề thi do OECD cung cấp và họ tập huấn cho Việt Nam về kỹ thuật lắp ghép các bài thi và các cụm đề thi để ra các bộ đề thi. Ở Việt Nam năm 2012 có 13 bộ đề thi. Mỗi trường chọn 35 học sinh. Do đó, mỗi lớp thi chỉ lặp lại 2 em có đề thi giống nhau. Các em ngồi vị trí thi mà OECD quy định để đảm bảo khách quan nhất nên không có chuyện học sinh trao đổi bài với nhau vì đề thi của mỗi học sinh đều khác nhau.

Khi chúng ta nộp mẫu bài thi cho OECD, họ sẽ kiểm tra ngược là yêu cầu văn phòng PISA Việt Nam ngay lập tức gửi bài thi của thí sinh (phần mềm và phần cứng) theo danh sách ngẫu nhiên mà họ đưa ra.

Số lượng bài thi và câu hỏi toán học: 56 bài thi, 110 câu hỏi thi; khoa học: 18 bài thi, 53 câu hỏi; đọc hiểu: 13 bài thi, 43 câu hỏi. Nếu OECD phát hiện 2 học sinh ngồi cùng trường có bài trả lời giống nhau thì kết quả chúng ta không được tin cậy. Tuy nhiên, những bài học sinh Việt Nam trả lời đều có cách trả lời khác nhau và họ công nhận kết quả của Việt Nam hiện nay. Đây là kết quả khách quan và đáng tin cậy.

Để lộ câu hỏi sẽ kết quả quốc gia đó sẽ bị hủy

Vậy quy trình chấm bài thi PISA tại Việt Nam như thế nào?

Bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc văn phòng PISA Việt Nam: Chúng tôi tuân thủ theo quy định của OECD vì những đề thi đều được bảo mật. Những người tiếp xúc với đề thi VISA phải viết cam kết bảo mật không được sử dụng câu hỏi này với bất kỳ mục đích nào khác. Nếu như họ phát hiện ra quốc gia nào để lộ câu hỏi, không trung thực thì quốc gia đó bị hủy kết quả.

Chưa bao giờ giáo viên Việt Nam lại trải qua kỳ chấm nghiêm ngặt như vậy. PISA quy định về chấm bội và chấm đơn. 4 giáo viên chấm 1 bài, 1 câu học sinh và thêm 1 giáo viên chấm câu đơn. Như vậy mỗi 1 bài thi có 5 người chấm và nhập phiếu chấm song song vào phần mềm của OECD. Khi giáo viên nhập phần mềm đó thì máy chủ của OECD họ đã nắm được bộ dữ liệu và nghiệm thu. Nên không nước nào thay đổi hay sửa dữ liệu cho đến khi OECD nhận bản cuối cùng và họ sẽ chất vấn lại và yêu cầu chúng ta tìm lại dữ liệu nào mà họ muốn và trả lời họ.

OECD đã chất vấn Việt Nam trong vòng 2 tháng vì họ thấy kết quả khá bất ngờ vì theo quan niệm của OECD những nước có kinh tế thấp, kết quả thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều, thường là kết quả không cao. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Kết quả của Việt Nam đã được công nhận vì trung thực và chính xác.

Chi phí khi tham gia PISA ước tính khoảng bao nhiêu?

Bà Lê Mỹ Hà, Giám đốc văn phòng PISA Việt Nam: Chi phí tham gia Việt Nam phải đóng là 160.000 euro cho mỗi chu kỳ tham gia để chi trả cho toàn bộ kĩ thuật mà OECD cung cấp. Còn lại là các chi phí khác Việt Nam tự lo.

Ở Việt Nam chưa thống kê thực hiệnchu kỳ hết bao nhiêu nhưng chi phí rất thấp vì ta phải làm mọi biện pháp tiết kiệm trong điều kiện tài chính eo hẹp. Theo thông tin, ở Canada mỗi chu kỳ VISA chi phí mất 8 triệu USD. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chi phí về vấn đề này sau khi có báo cáo tổng hợp.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Tham gia PISA là danh dự quốc gia của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: "Tham gia PISA là danh dự quốc gia của Việt Nam".

PISA giúp Việt Nam thay đổi đánh giá chất lượng giáo dục

Trả lời câu hỏi, kết quả PISA có ý nghĩa thế nào với giáo dục Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: PISA hỗ trợ rất nhiều trong việc thay đổi cách đánh giá giáo dục của Việt Nam. Chúng ta đang trong hội nhập kinh tế quốc tế, PISA góp phần trả lời học sinh Việt Nam đang đứng ở đâu, yếu gì, mạnh gì để cải thiện chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hội nhập với thế giới. Qua đó, ngành giáo dục sẽ chấn chỉnh, tạo điều kiện về mặt chính sách để cải thiện chất lượng giáo dục.

Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng các kỳ thi mà chưa đánh giá về chất lượng giáo dục của đất nước, của địa phương. Vì vậy, PISA là cách để chúng ta nhìn nhận, đánh giá về chất lượng giáo dục của từng vùng miền, qua đó điều chỉnh những bất cập. Đây cũng là cách đánh giá thiên về năng lực học sinh.

Kết quả PISA có thể khẳng định học sinh của Việt Nam giỏi hơn học sinh Mỹ, Anh?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:  Cách đánh giá của PISA thiên về năng lực vận dụng kiến thức của học sinh để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của học sinh, chỉ là ở 3 năng lực mà họ khảo sát. Chúng ta chưa có điều kiện để so sánh, đánh giá về năng lực học sinh ở Việt Nam ở các mặt khác. Vì vậy, tới đây ngành giáo dục đang nỗ lực điều chỉnh những hạn chế để chuyển giáo dục theo hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh.

Có phải Việt Nam tham gia PISA để lấy thành tích?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tham gia PISA là danh dự quốc gia của Việt Nam. Kết quả này là hoàn toàn trung thực. Chúng ta cũng không vì áp lực tâm lý nào, không vì mục đích đánh giá thành tích của bất kỳ tổ chức, cá nhân, địa phương nào. Đây không phải là một kỳ thi để lấy thành tích. Đây là một cuộc khảo sát để nhận diện chất lượng giáo dục phổ thông của cả một quốc gia.

So với giáo dục đại học và nghề nghiệp, chất lượng giáo dục phổ thông có phần yên tâm hơn. Vì vậy, ngành giáo dục đang nỗ lực điều chỉnh những hạn chế để chuyển giáo dục theo hướng phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Điều quan trọng tới đây là tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông.

 

 

Kết quả PISA không nói lên chất lượng giáo dục Việt Nam
 
GS Hoàng Tụy: PISA là kỳ thi có cách làm khác và có uy tín toàn cầu, chúng ta có thể tin tưởng vào kết quả. Tôi không bất ngờ với kết quả này tại vì chỗ yếu của giáo dục Việt Nam là từ THPT lên tới đại học. Nếu có kỳ kiểm tra quốc tế ở các cấp học THPT, chắc chắn Việt Nam sẽ không có kết quả tốt như thế này.
 
Từ trước đến nay, tôi vẫn không nghĩ THCS là khâu yếu, dù vẫn còn có vấn đề về chương trình học, giáo viên, phương pháp học. Hơn nữa, bậc học này ít phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, ở độ tuổi đến 15 tuổi, chúng ta có truyền thống hiếu học, mọi gia đình đều cố gắng cho con em đi học.
 
Đây là kết quả khả quan, nhưng cần lưu ý là nó không nói lên chất lượng của cả nền giáo dục Việt Nam, mà chỉ tới bậc THCS.
 
GS Lâm Quang Thiệp: Tôi cũng hơi bất ngờ về kết quả PISA mà học sinh Việt Nam đạt được. Đây là một thước đo khách quan. Tôi chỉ nghĩ Việt Nam chỉ ở tầm trung trung nhưng khi công bố kết quả Việt Nam trên trung bình của các nước phát triển là một điều đáng ngạc nhiên. Tôi tin tưởng tố chất của học sinh Việt Nam mình vì các em thông minh, chịu khó. Hơn nữa nền giáo dục mình cũng có đóng góp nhất định, nhưng đóng góp được nhiều thì tôi chưa tin lắm, mình phải cố gắng hơn nữa.
 
Bộ GD-ĐT quyết định tham gia đánh giá này là một quyết định sáng suốt, vì quyết định như thế mình có thước đo khách quan để hòa nhập học sinh mình.
 
Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm