Đừng quá say sưa với “chiếc bánh” PISA
Mọi thứ bậc được xếp hạng tạm thời chỉ là hư danh, vì giá trị cuối cùng của đào tạo chính là sản phẩm con người mà chúng ta đang sở hữu…
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu: “Tôi rất bất ngờ vì học sinh mình giỏi thế. Lâu nay, chúng ta cứ nói chất lượng học sinh Việt Nam thấp, chúng tôi lo lắm. Khi tham gia PISA, chúng tôi hy vọng học sinh đạt trung bình hoặc dưới trung bình, không ngờ lại có kết quả cao như vậy”.
Còn nhiều lời ca ngợi khác nữa, nhưng cũng không ít ý kiến bình tĩnh hơn trước kết quả này. Đó là, đừng tự ru ngủ mình với thứ hạng cao, mà hãy đánh giá thật trung thực chính bản thân mình để biết mình là ai.
Mọi thứ bậc được xếp hạng tạm thời chỉ là hư danh, vì giá trị cuối cùng của đào tạo chính là sản phẩm con người mà chúng ta đang sở hữu.
Học sinh Anh, Mỹ, Australia đứng sau Việt Nam vì họ không học nhồi, học nhét một số môn mà họ giáo dục con người toàn diện, phát triển đồng đều các kỹ năng, nhất là không chú trọng khai thác sức nhớ, mà khơi gợi tối đa sức sáng tạo. Cho nên, không lạ gì, du học sinh Việt Nam tại các nước này đều học giỏi môn toán hơn học sinh nước sở tại ở trung học. Nhưng càng lên cao, chương trình đào tạo của họ phân hóa rất rõ tài năng và học vẹt.
So sánh sinh viên tốt nghiệp đại học của Việt Nam với sinh viên các nước phát triển, sẽ thấy chúng ta đứng thấp hơn họ quá xa. Nếu không như thế thì người dân Việt Nam chẳng phải nhọc công tích góp tiền bạc cho con sang Anh, Mỹ để học đại học, sau đại học.
Học sinh Việt Nam giỏi hơn học sinh Anh, Mỹ, nhưng tại sao sinh viên Việt Nam kém hơn họ, khoa học gia của Việt Nam kém hơn họ?
Thực tế chứng minh, Việt Nam quá ít những nhà khoa học đỉnh cao, Việt Nam không có phát minh, sáng chế có giá trị, không tạo ra được công nghệ hiện đại phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, ngành khoa học kỹ thuật của Việt Nam không làm được chiếc radio cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Về giá trị đổi mới, sáng tạo, chúng ta đang là quốc gia có thứ hạng trung bình trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) thuộc Liên Hợp Quốc công bố năm 2012, đứng thứ 76/141 quốc gia. Cho nên, kết quả của giáo dục đào tạo, chính là chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.
Thứ hạng cao PISA 2012 chỉ là một sự khích lệ để ngành giáo dục tự tin và quyết tâm hơn trong cuộc cải cách mạnh mẽ sắp tới. Một điều không thể ảo tưởng, đó là sản phẩm đào tạo quá tròn trịa về lý thuyết mà khuyết tật về sáng tạo thì muôn đời vẫn chỉ theo sau làm gia công cho thiên hạ mà thôi.
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động