Bộ Giáo dục & Đào tạo:
Học qua truyền hình, internet: Phụ huynh phải phối hợp với GV kiểm soát con
(Dân trí) - Vì dịch Covid-19, học sinh phải học qua truyền hình, internet. Với việc học này, cha mẹ phải phối hợp với thầy cô kiểm soát các con thì mới đạt kết quả học tập tốt.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT, Bộ GD&ĐT với phóng viên về hướng dẫn học sinh cả nước học qua truyền hình, internet.
Cần xây dựng khung giờ phát sóng cụ thể đối với từng môn học
Phóng viên: Thưa ông, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể các trường phổ thông trên toàn quốc về việc dạy học qua internet, truyền hình. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào và theo đánh giá của ông tính khả thi của chủ trương này đến đâu?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Việc dạy học trên internet và truyền hình, thời gian qua các trường đã thực hiện để hỗ trợ học sinh.
Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương buộc phải cho học sinh nghỉ học. Bộ đã có hướng dẫn để các địa phương đồng loạt, tiếp tục tăng cường dạy học qua truyền hình, internet, nhằm duy trì kết nối giữa học sinh và giáo viên, không chỉ giúp các con ôn tập kiến thức mà còn học thêm kiến thức mới.
Có hai việc cần thực hiện đầy đủ như sau: đối với việc dạy qua internet, Bộ hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục phải sử dụng các hệ thống công cụ, để thầy cô có công cụ xây dựng bài giảng, các học sinh được cung cấp tài khoản để truy cập vào bài học đó.
Giáo viên giao nhiệm vụ, học sinh sẽ phải học và trả bài, đồng thời giáo viên phải phối hợp với gia đình theo dõi, hỗ trợ các con.
Với những nơi chưa có điều kiện dạy học qua internet thì phải sử dụng kênh truyền hình để tổ chức các bài học. Các địa phương phải lựa chọn được giáo viên thiết kế bài học dạy trên truyền hình; lựa chọn khung giờ phát sóng phù hợp với các con, để khi các con ở nhà có điều kiện theo dõi.
Nhưng điều quan trọng hơn, do dạy học trên truyền hình, tương tác giữa học sinh và giáo viên không được như dạy qua internet, nên các địa phương phải xây dựng được khung giờ và lịch phát sóng cụ thể đối với từng môn học, lớp học. Cần thông báo rộng rãi cho GV, HS biết lịch học để sẵn sàng tham gia.
Đồng thời, các nhà trường phải hướng dẫn GV, giao nhiệm vụ cho HS theo nội dung bài học đó để các em chuẩn bị, đến giờ phát trên truyền hình, các em ngồi vào học.
Nhưng khi các em học, phải ghi chép, phải thực hiện bài tập, thực hành, sau đó gửi cho thầy cô qua email, tin nhắn…Do đó, bố mẹ phải phối hợp thực hiện cùng các con.
Khi học sinh trở lại trường học tập trung, nhà trường phải tổ chức ôn tập, kiểm tra kiến thức con đã học qua internet và trên truyền hình. Căn cứ vào kết quả đó, xây dựng kế hoạch tiếp theo nhằm tối ưu được thời gian và đạt hiệu quả học tập.
Những vùng khó khăn vẫn triển khai tốt
Phóng viên: Việc dạy học trên Internet, truyền hình gần như là “bước ngoặt” trong giáo dục Việt Nam. Vậy, Bộ đã lường trước những khó khăn nào phải đối mặt chưa, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Chúng ta hình dung là làm thế nào để tích cực hóa hoạt động của HS.
HS phổ thông còn nhỏ tuổi, khi học trên lớp, thầy cô giao nhiệm vụ thì nhiệm vụ đó được quan sát thấy ngay HS có hiểu nhiệm vụ phải làm không. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, xuất hiện những khó khăn gì, thầy cô có thể hỗ trợ giải quyết ngay cho học sinh.
Nhưng dạy qua internet và truyền hình sẽ gặp nhiều khó khăn, vì thầy và trò chỉ có thể tương tác với nhau qua mạng. Với internet, có thể tương tác, nhưng với truyền hình thời gian còn trễ hơn nữa, do GV không nhìn thấy học trò.
Do đó, trong hướng dẫn, Bộ yêu cầu GV phải thực hiện kiểm tra kết quả học tập của học sinh. Nếu học sinh không học qua truyền hình sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ học tập, vì thế, cha mẹ phải phối hợp với thầy cô kiểm soát các con khi học qua truyền hình.
Phóng viên: Thưa ông, cơ sở vật chất và nền tảng công nghệ ở những trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có là trở ngại để các địa phương này thực hiện học qua internet và truyền hình không?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Nói chung khi điều kiện cơ sở vật chất hạn chế sẽ thành trở ngại. Ví dụ đường truyền internet không tốt rõ ràng là trở ngại. Vì thế Bộ hướng dẫn, với nơi có đường truyền tốt, thiết bị đảm bảo thì học qua internet, thuận lợi hơn, tương tác tốt hơn (dùng videocall), nhưng những vùng khó khăn hơn thì phải thực hiện dạy học qua kênh truyền hình.
Truyền hình bây giờ phủ sóng khắp nơi, nên chắc chắn sẽ đến được với học trò. Nhưng cô - trò cần gắn bó chặt chẽ bằng cách gửi thư điện tử trước đó, để các con ý thức được sẽ học gì qua tiết học trên truyền hình, để hoàn thành nhiệm vụ thầy cô giao.
Nhà trường phải kiểm tra kiến thức của học sinh
Phóng viên: Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nhà trường sẽ tinh giản bớt một số nội dung môn học. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Việc tinh giản nội dung học không phải bây giờ mới thực hiện. Ngày 3/10/2017, tại công văn số 4612, Bộ đã ghi rõ 4 điểm: Các nhà trường phải rà soát tinh giản nội dung dạy học, để thực hiện đáp ứng đúng phát triển năng lực và phẩm chất của HS chuẩn bị cho việc thực hiện CT GDPT mới.
Việc tinh giản thực hiện một cách thường xuyên. Chúng ta đổi mới phương pháp hình thức dạy học thì trong đổi mới phương thức, hình thức dạy học đó, Bộ đã hướng dẫn cách thiết kế bài học có thể học trong và ngoài lớp học.
Khi đã tổ chức dạy học theo thiết kế đó, sẽ có những bài học trên internet, truyền hình – khi học sinh quay trở lại trường, phần kiến thức đó sẽ được kế thừa – sẽ là sự tinh giản khi học sinh quay lại trường, đảm bảo chương trình trong bối cảnh chúng ta phải nghỉ học dài ngày.
Phóng viên: Vậy việc kiểm tra đánh giá với hình thức học mới như này sẽ được thay đổi như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Việc kiểm tra đánh giá việc học qua internet, truyền hình cũng như học thông thường. Bài học các con đã được cô giảng, cô giao bài làm, khi trở lại trường, các con phải trình bày lại kiến thức đó.
Căn cứ vào kết quả các con trình bày, GV có thể thay cho các bài kiểm tra thông thường hoặc cô giao bài kiểm tra như các kỳ thi về các kiến thức con đã học.
Hàng năm đều có khung thời gian năm học dự phòng
Phóng viên: Thưa ông, dịch bệnh xảy ra rất đột ngột, ngoài mong muốn, nhưng từ đây cũng đặt ra thách thức đổi mới giáo dục. Trong tương lai, việc đổi mới này sẽ như thế nào để chúng ta có thể thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Trong tình hình bây giờ, cuộc sống thay đổi, xảy ra thiên tai, dịch bệnh, chúng ta phải lường trước. Khi xây dựng khung thời gian kế hoạch năm học, Bộ luôn xây dựng khung dự phòng để cho các địa phương chủ động điều chỉnh nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, có những bài học dù học sinh đã được học trong nhà trường, nhưng bài học đó phải được “thiết kế” trải dài ra ngoài nhà trường, để nâng dần khả năng tự học, tự tìm hiểu của học sinh.
Khi chúng ta đã có sự đổi mới như thế, những tình huống bất trắc xảy ra mà HS phải học ở nhà, thì bằng phương tiện công nghệ thông tin như hiện nay, GV giao nhiệm vụ cho HS – HS có SGK, thì các con vẫn đảm bảo chương trình.
Nếu nghỉ dài hơn nữa, Bộ GD&ĐT sẽ có định hướng như thế nào?
Có 2 việc, nếu HS vẫn nghỉ, chưa đi học thì chúng ta tính toán tinh giản nội dung dạy học, phần nào HS được qua Internet, truyền hình thì tính toán để hoàn thành nốt phần kiến thức còn lại.
Tuy nhiên, nếu HS nghỉ dài hơn do điều kiện bất khả kháng, thì Bộ sẽ điều chỉnh tiếp, đảm bảo cho HS khi quay trở lại trường còn đủ thời gian để xây dựng kế hoạch đảm bảo kiến thức cho HS.
Trước khi năm học mới bắt đầu, chúng ta có nhiều việc phải hoàn thành như tuyển sinh đầu cấp, thi THPT quốc gia phải kịp hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu.
Do đó, Bộ sẽ theo dõi sát dịch bệnh để hướng dẫn các địa phương kịp thời, đảm bảo hoàn thành chương trình trong năm nay và kịp bắt đầu năm học mới.
Phụ huynh, học sinh yên tâm phòng dịch cho tốt. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh trong thời gian sớm.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh