Giật mình trẻ ngồi trong nhà bóng nhưng bận... xài điện thoại, Ipad
(Dân trí) - Bối cảnh ở khu vui, nghe nhạc, ăn uống với bố mẹ nhưng nhiều đứa trẻ lại bận rộn với việc chơi điện thoại, xem hoạt hình, chơi game.
Ngày cuối tuần, tại một khu vui chơi trẻ em kết hợp quán cà phê nổi tiếng quận Thủ Đức, TPHCM đông nghịt người. Địa điểm tổ hợp này là nơi được rất nhiều gia đình có con nhỏ tìm đến quây quần, vui chơi vào dịp cuối tuần hay các các ngày lễ.
Thế nhưng, bước vào đây không khỏi giật mình với hình ảnh, nhiều trẻ nhỏ đi chơi cùng bố mẹ nhưng hoạt động duy nhất của các em là... chơi điện thoại, Ipad. Từ khu ăn uống, cà phê đến ngay cả trong khu vực vui chơi, những đứa trẻ gác hết mọi việc để tập trung cho điện thoại.
Có nhiều gia đình, con đi chơi, ngồi bên cạnh bố mẹ từ sáng sớm đến chiều, chỉ để xem những clip từ hài đến nhảm, xem hoạt hình, chơi game trên điện thoại, Ipad.
Các con chỉ việc xem, ăn uống bố mẹ đút tận miệng, chỉ việc nuốt. Thậm chí có trẻ không biết mình đang ăn món gì, uống nước gì.
Đi chơi nhưng các em từ chối vào khu vui chơi; bố mẹ cũng khước từ chơi cùng con, dường như họ cho rằng việc trẻ sử dụng điện thoại ngay những lúc đi vui chơi, ngay lúc bên cạnh bố mẹ là chuyện... bình thường.
Bố mẹ cứ làm việc của mình, để con với điện thoại và cũng như những đứa trẻ, nhiều phụ huynh "đưa con đi chơi" nhưng suốt buổi, họ cũng chỉ... lướt điện thoại .
Có gia đình để con bớt làm phiền, còn sắm hẳn cho con nhỏ mới vài 3 tuổi điện thoại, Ipad riêng để mang theo mọi lúc mọi nơi. Bố mẹ đã làm gì với những đứa trẻ? Họ đã tự "cách ly" con khỏi mình, khỏi cuộc sống, thế giới xung quanh, tước đi những quyền cơ bản nhất của đứa trẻ.
Không ít trẻ vào khu vui chơi với "đồ nghề" không thể thiếu là chiếc điện thoại trên tay. Thật khó hiểu và cũng khó chấp nhận có những đứa trẻ ngồi ngay trên lưng ngựa, xích đu, ngồi ngay trong nhà bóng... nhưng tiếp tục chúi đầu vào điện thoại.
Việc bố mẹ lạm dụng, thả con cho công nghệ, điện thoại có thể dễ dàng nhìn thấy ở mọi hoàn cảnh, bối cảnh mà nhiều người không thể nào lý giải nổi.
ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM kể, bà từng nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ được bố mẹ đưa đi chơi, ngồi ngay trong nhà bóng nhưng bận... xem điện thoại nguyên buổi. Không hiểu nổi sao bố mẹ lại thản nhiên với việc đó như vậy.
Bà cho hay, ngoài công nghệ, có những đứa trẻ gần như không có bất cứ giao tiếp nào với mọi người xung quanh, với cuộc sống. Có trẻ, xem nhiều chương trình tiếng Anh, trẻ nói tiếng Anh rất nhiều, phát âm rất chuẩn nhưng câu cú lủng củng, lộn xộn, bị tình trạng rối loạn ngôn ngữ, đến bố mẹ cũng không thể nào giao tiếp được với con.
Một chuyên gia giáo dục tại TPHCM cho biết, ông từng gặp cảnh gia đình du lịch, ngồi bên bãi biển nhưng bố mẹ và con cái, mỗi người một cái điên thoại.
Ông tự hỏi, ngay trong bối cảnh đi du lịch là lúc nghỉ ngơi, dành thời gian, sự quan tâm cho nhau mà còn như vậy thì trong sinh hoạt đời thường sẽ đáng sợ đến mức nào.
Theo ông, dành thời gian cho con không phải là đi cùng, ngồi cạnh, là sự hiện diện của mình mà chúng ta lắng nghe, đã quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ con như như thế nào.
Điều mà ông cho rằng, bố mẹ Việt rất thiếu và cần nỗ lực nhiều hơn thay cho việc ném điện thoại vào tay cho con mình nhằm được rảnh rang nhưng lại đang hủy hoại đứa trẻ.