“Giúp con yêu tiếng Việt rồi mới đến việc giỏi tiếng Anh”
(Dân trí) - Là giáo viên, chuyên viên tiếng Anh có tiếng ở TPHCM, cực kỳ xem trọng tiếng Anh đối với tương lai của trẻ nhỏ, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh chia sẻ, trách nhiệm và thành công lớn nhất của mình là giúp con.... yêu tiếng Việt.
Cuối năm học vừa rồi, sự việc 42/43 đạt học sinh giỏi tại một lớp 6 ở Vũng Tàu gây xôn xao dư luận bắt đầu từ phản ứng của gia đình. Họ không thể hiểu nổi và không thể chấp nhận con cháu mình đạt loại giỏi toàn diện trong lớp nhưng trong cuộc sống, cậu học trò không nói nổi một câu giao tiếp tiếng Việt rõ nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội quán Các bà mẹ TPHCM kể, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài liên hệ cấp học bổng cho học sinh Việt Nam với điều kiện duy nhất: Giỏi tiếng Việt - tiếng Việt chứ không phải ngoại ngữ.
Tuy nhiên, hài hước ở chỗ việc tìm được các gương mặt trẻ người Việt giỏi tiếng Việt lại không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở môi trường xung quanh là người Việt nhưng nói, sử dụng tiếng Việt ngắc ngứ. Không ít phụ huynh bây giờ trong giáo dục con đặt ra tiêu chí: Chỉ cần giỏi tiếng Anh là được!
Hạn chế của rất nhiều người chúng ta trong đời sống trước hết là ngôn ngữ chứ chưa phải là ngoại ngữ. Không diễn đạt được mong muốn, thông điệp của mình, không chọn lọc được những lời hay, ý đẹp, phù hợp kéo theo rất nhiều mâu thuẫn, khủng hoảng trong cuộc sống.
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên tiếng Anh Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, bà làm việc về tiếng Anh, trong môi trường tiếng Anh nhưng từ lúc con mới 18 tháng, hàng tối bà đã đọc Truyện Kiều cho con nghe. Sau đó, đọc Chinh phụ ngâm, con nghe đồng dao, ca dao, hát ru của các vùng miền...
Khi biết chữ, con bắt đầu đọc những cuốn sách, cuốn truyện mỗi trang chỉ một chữ rồi dần dần con đọc những cuốn chỉ toàn chữ. Đọc sách tiếng Việt trước rồi đọc sang sách tiếng Anh. Nhờ vậy, con gái bà có vốn từ ngôn ngữ tiếng Việt cực kỳ phong phú và hơn hết con rất yêu tiếng Việt, rất trân trọng tiếng mẹ đẻ.
Học trò Trường tiểu học Đông Hòa B, Dĩ An, Bình Dương trong ngày hội sách
Theo bà, tiếng Anh bây giờ hết sức quan trọng với một đứa trẻ, nó là phần hiển nhiên không thể thiếu. Tuy nhiên, với người Việt, để sống, để trả lời câu hỏi cuộc đời tôi là ai thì chính tiếng mẹ đẻ là giá trị có thể nói là không thể thiếu trên hành trình này.
"Điều tự hào và hạnh phúc lớn nhất của tôi là giúp con mình yêu tiếng Việt rồi sau đó, mới đến việc giỏi tiếng Anh. Đi học xa nhà, con gọi về nói: Mẹ ơi, phải nói là "nhớ nhà" mới thấy đã, mới thấy thấm chứ nói theo cách của người Mỹ "homesick" không thấm vào đâu", ThS Thụy Anh chia sẻ.
Hành trình dạy con yêu tiếng Việt từ bé, bà còn giúp con đam mê đọc sách, có khả năng tự học. 12 năm học phổ thông ở Việt Nam, khi đi du học ở Mỹ, tài liệu con cần phải đọc rất khủng khiếp. Mà nếu không được rèn kỹ năng đọc từ ở nhà thì trẻ không thể nào đáp ứng nổi yêu cầu của trường học bên đó.
Quách Nguyễn Minh Anh, con gái ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh là một trong nhóm tác giả nhí viết truyện bằng tiếng Anh thuộc dự án "Friends to Friends" (Trẻ em Việt Nam viết truyện tiếng Anh Việt Nam) trong giai đoạn 2016-2018, khi đó em là học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa.
Em cũng là người sáng lập và tổ chức Dự án Classics On The Go tập hợp các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên đến các trường phổ thông, trường đại học ở TPHCM trình diễn nhạc cổ điển nơi công cộng theo nhiều hình thức thú vị nhằm mục đích đưa âm nhạc bác học đến với cộng đồng, với nhiều đối tượng khán giả, nhất là các bạn trẻ. Dự án từng tạo ấn tượng đặc biệt khi trình diễn tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Hiện Minh Anh đang du học ở Mỹ.
Là giáo viên tiếng Anh, tiếp xúc với nhiều học trò, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh gặp không ít trường hợp, học sinh không đọc sách, ít giao tiếp, gần như chỉ tiếp xúc với công nghệ. Qua điện thoại, iPad, phụ huynh để trẻ chơi các chương trình tiếng Anh vô tội vạ, trẻ có thể nói tiếng Anh rất nhiều, phát âm rất chuẩn nhưng câu cú lủng củng, lộn xộn.
Các em gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ, tiếng Việt cũng không rành, tiếng Anh cũng không trôi và ngay trong gia đình, bố mẹ cũng không thể giao tiếp được với con cái.
Một câu giao tiếp thông thường: "Cô ơi, cái này vui lắm" thì không ít em nói: "Cô ơi, vui cái này lắm!"
Theo bà Thụy Anh, cách giúp trẻ yêu tiếng Việt, phát triển ngôn ngữ hàng đầu chính là đọc sách. Sách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ rất tốt, giá trị từ sách mang lại rất nhân văn, mang tính toàn cầu. Đọc sách giúp trí tưởng tượng của của trẻ phát triển một cách tuyệt vời.
Học sinh TPHCM đi nhà sách vào ngày cuối tuần
Trong trường học, theo bà Thụy Anh, không chỉ thiết kế tiết đọc sách trong thời khóa biểu một cách kỹ thuật, rồi đến giờ đẩy trẻ vào đọc sách là có thể hình thành, xây dựng việc yêu thích đọc sách ở trẻ. Đó là điều không thể.
Việc đọc sách phải được đưa vào mọi hoạt động giáo dục, từ trong các bài học trên lớp, trên trường đến gia đình. Sách cần được đưa vào các chủ đề, bài giảng. Chủ đề đề nào, bài nào, sẽ có rất nhiều sách liên quan các em cần được nghe đọc, hướng dẫn đọc thì mới thấy được sách mang những điều thú vị như thế nào. Từ đó, mới có thể thiết kế tiết đọc sách và từ từ hướng dẫn trẻ.
Và trên hết, ThS Thụy Anh nhấn mạnh, đã đến lúc bản thân giáo viên và phụ huynh chúng ta phải cầm cuốn sách trên tay thay cho cầm chiếc điện thoại.
Hoài Nam