Giáo sư mặc quần soóc đứng lớp và… hơn thế ở giảng đường phương Tây
(Dân trí) - Ở ĐH Flinders (Úc), sinh viên luôn hứng thú với những tiết dạy của giảng viên Bevin Wilson. Người thầy giáo ăn vận quần đùi, đeo kính đen, mang giày thể thao, đội mũ màu sắc sặc sỡ bất kể nơi đâu đã trở thành “huyền thoại” trong mắt các học trò với biệt danh “cool man” – người đàn ông sành điệu.
Học trò hào hứng đón nhận
Bác sĩ Lê Hữu Phúc – 8X Việt tốt nghiệp Thạc sỹ về quản lý Y tế tại ĐH Flinders, Úc vẫn còn nguyên ấn tượng với “người đàn ông sành điệu” ấy: “Mình nhớ có một giảng viên có một phong cách thời trang rất lạ. Khi nào cũng thấy ông mặc quần đùi, mang giày thể thao, đeo kính đen, đội mũ... bất kể nơi đâu. Và đặc biệt là các vật dụng này chỉ quy định một số màu nhất định như đỏ, trắng, đen, xanh...”.
Những tiết học của thầy giáo “sành điệu” luôn được học trò đón nhận hào hứng. Ông là người giỏi chuyên môn và rất biết cách khơi gợi sự khám phá tri thức của các sinh viên.
Theo anh Lê Hữu Phúc, có thể hình ảnh một vị giáo sư đại học mặc quần đùi, áo thun, mang dép quai hậu khá là lạ ở nước ta nhưng đây là những hình ảnh rất quen thuộc ở các nước tiên tiến, đa chủng tộc như Mỹ, Úc, New Zealand,...
“Ở đó, mọi người kêu gọi tôn trọng sự khác biệt của cá nhân từ tôn giáo, chính trị, văn hoá, xã hội, thời trang, ẩm thực,... miễn sao là ở một mức độ cho phép và không ảnh hưởng đến người khác”, anh Lê Hữu Phúc chia sẻ.
Cũng theo anh Phúc, chuyện giảng viên ăn mặc cá tính và khác biệt như thầy Bevin Wilson ở các nước phương Tây không hiếm. “Chưa hết, trong quá trình giảng bài cho sinh viên, giảng viên đại học ở các nước phát triển còn có thể ngồi thẳng lên bàn, hoặc gác chân lên ghế nữa”, 8X Việt nói.
Du học sinh Việt Nguyễn Văn Thuận (phải, ngoài cùng) chụp ảnh với “cool man” Bevin Wilson.
Khi giảng viên xuất hiện “mát mẻ” hay chỉ kín phần thân dưới…
Anh Nguyễn Văn Thuận (du học sinh Việt bậc thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường ĐH Flinders, Úc) cũng là một học trò của “cool man” Bevin Wilson - nhận xét: “Cách ăn mặc của ông thầy Tây này có thể bị xem là lập dị ở Việt Nam, nhưng lại là một hình ảnh hết sức bình thường ở môi trường được xem là "tháp ngà học thuật" ở các nước phương Tây!”.
Du học sinh Việt này cho biết, là một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc nên nước Úc rất đề cao sự tự do cá nhân trong đời sống và các sinh hoạt cộng đồng. Đối với trang phục trong môi trường đại học, rất dễ nhận thấy sự đa dạng trong cách ăn mặc của cả giảng viên lẫn sinh viên.
“Với giảng viên hay giáo sư đứng lớp thì theo quan sát của tôi, có vẻ như các thầy cô luôn hướng tới một sự chuyên nghiệp trong cách ăn mặc, nhưng vẫn thể hiện sự thoải mái, gần gũi và thân thiện với sinh viên như quần jean, quần sooc, áo phông…”, 8X Việt chia sẻ.
Ngoài ra, họ có thể mặc những trang phục cực phá cách vì muốn chuyển tải một thông điệp nào đó liên quan đến nội dung bài học cho sinh viên.
Anh Thuận lấy ví dụ: “Như trong một tiết học về Văn hóa của người thổ dân bản địa Úc, giáo sư đã đến lớp bằng một bộ trang phục có phần “quái gở” trong môi trường sư phạm (cởi trần, chỉ có quần lót) nhưng sau đó sinh viên mới hiểu là bộ trang phục đó minh họa cho bài giảng. Hay trong một tiết học về Bình đẳng giới, cô giáo cũng gây sốc khi xuất hiện trong bộ trang phục “mát mẻ” với hình xăm khắp cơ thể…”.
Một "chú" Koala đặc trưng của Úc vào tận giảng đường.
Trang phục thoải mái nhưng vẫn có những quy định riêng
Với câu hỏi “Liệu có quy định hay quy tắc nào liên quan đến việc ăn mặc của giảng viên khi đứng lớp giảng dạy ở Úc hay không?”, anh Nguyễn Văn Thuận trả lời rằng, tuy chưa có điều kiện để kiểm chứng một cách toàn diện nhưng cá nhân anh được biết một số ngành đặc thù lại có quy định rất chặt chẽ áp dụng cho cả giảng viên và sinh viên. Quy định đó không chỉ áp dụng ở giờ dạy mà cả các giờ ngoại khóa, hội thảo.
Ví dụ, trường Hộ sinh và Sản khoa (School of Nursing and Midwifery - thuộc Đại học Flinders, Úc) quy định bắt buộc những ai tham dự các buổi hội thảo chuyên môn phải mang đồng phục, không được sơn móng tay móng chân, không được mang nhẫn hay khuyên tai, không mang dép lê, vv... Đối với các trường phổ thông thì quy định về ăn mặc (dress code) dành cho giáo viên ở các trường công lập cũng được quy định cụ thể. Từ năm 2014, Bộ Giáo dục bang New South Wales yêu cầu hơn 70.000 giáo viên thuộc các trường công lập trên toàn tiểu bang phải tuân thủ 1 quy định về trang phục khi đến lớp.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Vinh Khương (Nghiên cứu sinh cao học tại ĐH Arkansas, Hoa Kỳ) cho biết, tại Mỹ, các trường đại học thường không quy định chi tiết và bài bản về cách ăn mặc, họ đề cao sự thoải mái – miễn sao không quá lố lăng và hở hang. Giáo sư mặc quần sooc lên lớp dạy rất bình thường bởi ở lớp, quan trọng nhất là kiến thức họ mang đến cho sinh viên.
Còn khi xuất hiện ở phòng thí nghiệm quy định trang phục đối với các giáo sư sẽ khắt khe hơn. Có những phòng thí nghiệm phải mặc đồ bảo hộ; có những phòng về cơ bản an toàn, phải mặc quần dài, đi giày bịt kín (không mang dép hoặc sandal). Trên giảng đường ở Mỹ thì không có những quy định đó.
Một thầy giáo "thổ dân" trong tiết học về văn hóa bản địa
Ở một góc nhìn khác, anh Nguyễn Văn Thành (công tác tại Hà Nội) nêu câu chuyện ở đất nước Hàn Quốc: “Chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang khuyến khích công chức thành phố này mặc quần soóc đi làm như một hình thức để chống nóng và tiết kiệm điện vào mùa hè. Theo chính quyền Seoul, việc thay các bộ vest, quần tây dài, dày và bí bức bằng áo phông và quần soóc sẽ khiến cơ thể thoáng mát hơn. Do đó các văn phòng sẽ không nhất thiết phải để điều hòa ở nhiệt độ thấp (nguyên nhân gây hao phí điện năng), thậm chí không cần bật điều hòa. Tháng 6/ 2012, chính quyền Seoul đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang công sở với sự xuất hiện vô cùng đặc biệt của thị trưởng Park Won Soon trong chiếc quần soóc trên sàn catwalk. Ông Thị trưởng nhấn mạnh, tất cả mọi người nên có trách nhiệm tham gia vào chiến dịch tiết kiệm của thành phố”. |
Lệ Thu