Giáo sư mặc quần đùi nói chuyện với SV: Liệu có phù hợp, hiệu quả không?
(Dân trí) - Hình ảnh thầy hiệu phó Trường ĐH Hoa Sen mặc quần đùi nói chuyện với sinh viên gây ra những tranh cãi trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng không có vấn đề gì nhưng cũng không ít người phản pháo thế là không được.
“Đó là quần mặc trong phòng ngủ”
Là người quan tâm đến các vấn đề giáo dục, anh Trần Triều, ở Gò Vấp, TPHCM chú ý ngay đến thông tin GS mặc quần đùi trong buổi nói chuyện với sinh viên. Theo anh, đây không phải là quần short mà là quần đùi. Loại quần mùa hè “thần thánh” mà những người đàn ông đã dậy thì thành công thường thay vào, thả rông ở phòng ngủ.
Anh Triều cũng đặt ra tình huống, có thể là ý tưởng bộc phát, có thể ông thầy không có ý định mặc quần đùi giảng bài từ trước, vẫn mặc quần dài đến lớp nhưng trong phút bộc phát đã tụt vứt quần dài ra nên “lộ” cái quần ngủ.
“Nhưng dù sao thì vẫn khó chấp nhận nhất là đối với đặc thù của ngành sư phạm có những chuẩn nhất định. Học trò có thể lỡ ăn mặc lố lăng nhưng thầy phải ăn mặc lịch sự để đủ tư cách phạt cái đứa học trò ăn mặc lố lăng đó. Dù dạy nội dung gì, thầy cũng phải ăn mặc nghiêm chỉnh”, anh Triều hài hước.
Theo anh Triều, sáng tạo không có nghĩa phải “xâm phạm” vào chuẩn mực cũng như chuẩn mực chưa bao giờ giới hạn sáng tạo.
Nhìn vào bức ảnh và bối cảnh khi diễn ra hình ảnh “chiếc quần đùi”, có thể nói ban đầu ông GS mặc Veston đến giảng. Đến đoạn nói về cởi bỏ định kiến để sáng tạo ông mới cởi đồ ra nhằm truyền đạt ý tưởng của ông về việc cởi bỏ định kiến để sáng tạo, dám cởi bỏ những rào cản chứ không phải ông mặc đồ như vậy đến nói chuyện...
Cho dù đặt vào tình huống cụ thể, việc “cởi đồ” chỉ như là một dẫn chứng dám phá bỏ lối mòn thì cũng thì vẫn nhiều ý kiến phản đối. Có rất nhiều cách phá bỏ các định kiến, lối mòn, dẫn chứng cho sự phá cách, sáng tạo mà không cần “xâm phạm” đến yêu cầu cơ bản nhất về thời trang - là sự phù hợp với hoàn cảnh.
Một nhà giáo ở TPHCM chia sẻ, giảng viên cởi quần áo, mặc trang phục “phá cách” để minh họa cho sinh viên về ý tưởng sáng tạo là một cách giảng dạy không thuyết phục. Ý tưởng nghèo nàn và thiếu tôn trọng người học. Cuộc sống cần tôn trọng sự khác biệt nhưng trong môi trường giáo dục, theo cô cần tôn trọng một số chuẩn mực.
Giống như cô giáo mặc đồ con khỉ trong giờ kịch
Trái với luồng ý kiến phản đối cũng không ít người cho rằng việc thầy giáo mặc quần đùi nói chuyện với sinh viên chẳng có vấn đề gì phải ầm ĩ, nhất là diễn ra trong tình huống cụ thể.
Anh Nguyễn Văn Tâm, ở quận 8, TPHCM nhấn mạnh, mọi người nên nhớ ông thầy mặc vậy trong bối cạnh cụ thể của bài giảng. Giống như giờ học kịch của tụi nhỏ, cô giáo mặc bộ đồ con khỉ có cái đuôi, học sinh mặc đồ con voi con heo con chuột con cá sấu... Giống như sinh viên học kịch trong giờ Văn học, chúng vào vai người nghèo người ăn xin mặc quần rách quần đùi, thầy giáo mặc quần xà lỏn đi tắm biển...
Nhiều người bày tỏ, một bức ảnh chưa thể nói lên điều gì, mọi người đi quá xa trong việc bàn luận, mổ xẻ.
“Tôi thấy nhiều vấn đề trong giáo dục cần thay đổi như bạo lực, xâm hại tình dục, như mua bán điểm số... là bản chất cần thay đổi, cần lên án. Là người tri thức đừng quan tâm quá nhiều đến hình tướng bên ngoài. Tôi tin không có sinh viên nào hư hỏng, mất đi thuần phong mỹ tục vì buổi giảng này đâu. Chúng sẽ mất đi ''thuần phong mỹ tục'' bởi những thứ cốt lõi khác trong giáo dục”, anh Hiệp, kiến trúc sư làm việc tại TPHCM bình luận.
Thầy Nguyễn Văn Trung, giáo viên dạy Văn nêu quan điểm, nhiều người đang “sa” vào bình phẩm việc ông thầy vi phạm chuẩn mực ăn mặc khi nói chuyện với sinh viên. Vấn đề cần quan tâm ở đây là việc thầy “cởi đồ” để làm minh họa liệu có phải phù hợp, hiệu quả hay không? Người tham gia buổi nói chuyện đó sẽ hiểu rõ nhất chứ không thể hình vào một bức ảnh rồi đánh giá.
Không lên án hình ảnh này nhưng thầy Trung cũng cho rằng bản thân mình băn khoăn với... việc ông thầy đưa hình ảnh bản thân chưa được “chuẩn” làm dẫn chứng cho bài giảng.
Thông điệp của GS Trương Nguyện Thành khi cởi bỏ quần dài, áo khoác có thể không phải theo cách hiểu cứ cởi bỏ chuẩn mực sẽ sáng tạo. Tuy nhiên, có lẽ ông đã lấy minh họa chưa phù hợp, dễ gây ngộ nhận rằng sáng tạo là phải đạp đổ, phá bỏ mọi chuẩn mực cơ bản.
Liên quan đến hình ảnh thầy hiệu phó mặc quần đùi nói chuyện với sinh viên, một số ý kiến cũng đặt ra đây có thể là cách truyền thông “gây sốc” của ngôi trường vừa “vượt bão” khủng hoảng? Chưa biết nhận được sự đồng tình hay phản đối nhưng tên tuổi ngôi trường lại được truyền thông và dư luận nhắc đến khi mùa tuyển sinh cận kề...
Lê Đăng Đạt