Không phải câu chuyện về cái quần đùi của người thầy giáo!
(Dân trí) - Chẳng học sinh nào phán xét thầy/ cô giáo mình nhố nhăng, không mô phạm chỉ vì thầy mặc giống hệt ca sỹ huyền thoại Elvis Presley, đội cái mũ với bông hoa to đùng sặc sỡ và diện quần đùi ngồi bệt xuống đất kể chuyện Teddy đi học… Ngược lại, chúng được truyền cảm hứng, được tự tin là chính mình.
LTS: Vượt lên câu chuyện văn hóa quốc gia, thời trang hay những quy tắc mô phạm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền hiện đang du học tại Úc nhìn câu chuyện chiếc quần đùi đang gây tranh cãi ở cách thức mà người giáo viên tiếp cận với học trò.
---
Là học viên bậc thạc sỹ chuyên ngành Nghiên cứu Phụ nữ (Giới) tại Trường Đại học Flinders (thành phố Adelaide, bang Nam Úc, Australia), mình cũng từng được thầy Bevin Wilson – “huyền thoại sành điệu” của trường dạy một tiết về lịch sử và văn hoá bản địa Úc. Thầy vô cùng đặc biệt, hẳn rồi, từ cách chọn và kết hợp trang phục.
Điều mình muốn chia sẻ ở đây không phải câu chuyện về cái quần đùi của giảng viên đại học mà bao hàm hơn, đó là cái cách mà giáo viên Úc tiếp cận với học sinh thông qua ngôn ngữ hình thể, thông qua trang phục - một cách tiếp cận nhân văn, vượt lên trên ý nghĩa của thời trang hay những quy tắc dập khuôn của ngành Sư phạm.
Lần đầu đến lớp bạn Miu (con gái) mình thấy: cô giáo mặc quần đùi lanh ngồi bệt trên đất đọc truyện cho học sinh nghe; bắt gặp một thầy giáo trung tuổi, trang điểm, vận đồ y hệt Elvis Presley đi lại trong sân trường; một cô giáo đội cái mũ đỏ, đính những bông hoa to tướng theo kiểu mũ của các cô gái chăn cừu những năm đầu thế kỷ 19...
Cái đứa được dạy dỗ khá kĩ càng từ trong nhà cũng như ở trường, ngoài xã hội về những khuôn mẫu gần như “bất di bất dịch” rằng, giáo viên thì phải ăn mặc đứng đắn, mô phạm, áo thì phải có cổ, váy thì phải dưới đầu gối, quần thì không được ngắn trên mắt cá chân, tóc thì phải thế này, đi đứng thì phải thế kia.... cảm thấy khá bất ngờ, một tí sốc phản vệ. Như cái lẽ dĩ nhiên khi bắt gặp cái gì đó khác đi những thứ đã ăn sâu bén rễ trong đầu. Nhưng rồi mình ngộ ra rằng, đó cũng là cách mà giáo viên Úc dạy học sinh qua những thông điệp không lời như thế.
Hãy thôi không xem xét ở khía cạnh văn hoá vì sự khác nhau chính là cuộc sống và mọi sự so sánh, soi chiếu đều trở nên “ông chẳng bà chuộc”. Mình chỉ chia sẻ những suy nghĩ ở khía cạnh sư phạm và mục tiêu của giáo dục. Đó là dạy kiến thức và cách làm người, thì dù ở nền văn hoá nào, dựa trên những cốt lõi giá trị nào, bằng hình thức nào, giáo dục cũng phải thực hiện được 2 chức năng cơ bản đó.
Những ai đã từng tiếp xúc và được học ở môi trường giáo dục tại các nước phát triển đều nhận thấy, khoảng cách thứ bậc (hierarchy) vô hình giữa giáo viên và học sinh là hầu như không có, tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, sắc tộc… đều là những cá thể bình đẳng, có giá trị và được tôn trọng như nhau.
Bọn trẻ ở Úc khi đến trường, ngoài những ngày phải mặc đồng phục ra thì chúng nó được khuyến khích mặc bất kỳ cái gì chúng nó thích, đầu tóc, giày dép, cách trang điểm..., được tự do mang bất kỳ vật dụng gì mà chúng nó cảm thấy yêu mến, thân quen đến lớp như gấu bông, vỏ gối, đồ chơi... và giáo viên cũng được lựa chọn trang phục họ cảm thấy thoải mái, gần gũi nhất với học sinh của mình: váy áo cá tính, quần bò, áo phông có hình các nhân vật siêu anh hùng, thậm chí là quần đùi lanh như cô giáo của bé Miu chẳng hạn.
Thầy giáo Đốm thì có thể dành cả giờ để chia sẻ với học sinh về những nhân vật mà thầy yêu thích: Siêu nhân, Người nhện, Đội trưởng Mỹ, Đèn lồng xanh… Thầy chiếu cho cả lớp xem một clip về nơi thầy sống, những góc sưu tầm thú vị của thầy về những nhân vật trên và lồng vào đó những bài học về sự đam mê, về những giá trị sống đích thực....
Chẳng học sinh nào phán xét thầy/ cô giáo mình nhố nhăng, không mô phạm chỉ vì thầy mặc giống hệt ca sỹ huyền thoại Elvis Presley, hay tại sao cô lại đội cái mũ sặc sỡ, phô trương thế kia đến lớp, hay nghĩ gì mà cô lại diện quần đùi lanh ngồi bệt xuống đất kể chuyện Teddy đi học… Ngược lại, chúng nó được truyền cảm hứng, được tự tin là chính mình, được mạnh dạn nói những điều chúng nó thực sự nghĩ trong đầu mà không lo bị chê bai, cười nhạo hay phán xét. Đồng thời, chúng nó cũng được dạy để tôn trọng mọi sự khác biệt – một trong những nền tảng cơ bản để chung sống thân thiện, hoà bình và không xung đột.
Thay vì phân tách rạch ròi vị thế, ngôi thứ giữa giáo viên và học sinh kiểu “thầy ra thầy, trò ra trò”, trường học Úc lại đang cố xoá cái ranh giới lạnh lùng, xa cách ấy bằng một môi trường hoà nhập, bình đẳng, thân thiện, tôn trọng hơn thông qua trang phục, chủ đề học tập và văn hoá ứng xử. Có thể đồng tình hay không đồng tình, cá nhân mình thì cho rằng, đó là một môi trường giáo dục tích cực, thúc đẩy và giàu cảm hứng.
Nguyễn Thị Thu Hiền
(Từ Đại học Flinders, Australia)