Giảm môn thi tốt nghiệp: Không lo học lệch

(Dân trí) - Mục đích học lớn nhất của giáo dục trong nhà trường lâu nay là để vượt qua các kỳ thi. Khi áp lực này được giảm, nhiều ý kiến cho rằng, thầy và trò sẽ sáng tạo, thăng hoa hơn trong việc khám phá tri thức.

Dạy học “đóng khung” do áp lực thi cử

Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin, cơ hội tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến không còn khó khăn như trước, người thầy và trò ít nhiều đều hiểu việc dạy học trong nhà trường chúng ta hiện nay chậm hơn sự phát triển chung. Giáo viên (GV) và học sinh (HS) có không ít ý tưởng trong phương pháp dạy học, đề thi… hợp lý hơn. Vậy nhưng chính rào cản từ áp lực thi cử, buộc họ phải “dậm chân một chỗ” trong dạy học theo khuôn khổ.

Thi cử đang là một áp lực rất lớn cho học sinh ở Việt Nam. 
Thi cử đang là một áp lực rất lớn cho học sinh ở Việt Nam. 


Bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia định, TPHCM cho hay, do áp lực thi thầy và trò không dám đổi mới, sáng tạo trong việc dạy học. Ở lớp 10, 11, GV có thể áp dụng nhiều phương pháp dạy học linh động giúp các em giảm áp lực, nhưng khi lên lớp 12, để các em vượt qua các được các kỳ thi như THPT và đại học thì GV chỉ còn cách “gò” các em.

“Tôi lấy ví dụ như môn Sử, Địa, GV chúng ta có nhiều phương pháp dạy đổi mới như làm việc nhóm, tổ chức nghiên cứu. Nhưng thầy cô đâu dám thực hiện, họ nói các em còn phải trả bài, làm bài thi, phải “gò” các em chứ”, bà Cúc nói.

Việc “gò” ở trường chưa đủ, với chương trình thi nặng, nhiều HS buộc phải đi học thêm bên ngoài để tiếp cận với nhiều dạng đề thi, cách làm bài.

Bà Cúc nhấn mạnh, GV, HS và phụ huynh rất phấn khởi trước chủ trương giảm thi tốt nghiệp 4 môn của Bộ GD-ĐT trong năm học này. Bà bác bỏ những lo ngại, thi ít môn sẽ dẫn đến việc các em học lệch: “Thực tế ở trường học cho thấy, chúng ta có mạnh dạn đổi mới trong thi cử thì việc học của các em mới hiệu quả, tránh được việc học lệch, học đối phó”.

Nhiều GV đồng tình cho rằng, khi giảm được áp lực thi cử, việc dạy học sẽ đi vào thực chất chứ không còn học chỉ để thi. Chưa kể, thầy và trò sẽ mạnh dạn với những phương pháp dạy học mới, nhẹ nhàng, hiệu quả mà không phải thom thóp lo “học này sao trả bài”.

Cô Nguyễn Thị Thiên Minh - GV Sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM nêu ra một thực tế, HS không ghét môn Sử như nhìn nhận của nhiều người. Có điều, chương trình học của các em rất nặng, ngoài học ở trường, đi học thêm bên ngoài để tập trung cho thi tốt nghiệp, đại học, thành ra các em trở nên ngại môn Sử. Nhiều em yêu thích cũng không có thời gian để học hoặc chỉ học đối phó.

Một tình trạng lâu nay nhiều nhà giáo dục, tâm lý chỉ ra, HS phổ thông của chúng ta học rất nhiều, tiếp thu khối lượng kiến thúc khổng lồ. Các em có thể thuộc làu làu hàng ngàn trang sách nhưng chỉ chờ thi xong là các kiến thức trả lại hết cho thầy cô. Nguyên nhân là nhiều em học một cách nhồi nhét để vượt qua các kỳ thi chứ thực chất không hiểu bài, nắm rõ vấn đề. 

Chất lượng giáo dục tùy thuộc và rất nhiều yếu tố. Nhưng một khi được giảm áp lực thi cử, sẽ tránh được việc dạy và học đối phó, thầy và trò có điều kiện khám phá những trí thức, tự học, tự nghiên cưu cũng như có thời gian để trau dồi thêm kỹ năng sống. Đó chính là nền tảng để phát triển con người toàn diện về tri thức, phẩm chất, đạo đức.

Giảm áp lực thi cử, việc cần làm ngay

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng, việc giảm áp lực thi cử cho thầy trò là việc cần làm ngay. Tuy nhiên, giảm số lượng môn thi gấp gáp như năm nay thì không nên tăng mức độ khó mà cần giữ nguyên nội dung chương trình, mức độ phân hóa HS trong đề thi. Từ đó, sẽ rút kinh nghiệm và thực hiện quyết liệt hơn trong những năm tới thì mới thật sự giảm tải cho các em.

“Ngoài ra, 20% học HS được miễn thi tốt nghiệp cần phải công khai để tránh được tiêu cực và điều tiếng không hay”, bà Cúc nói.

Ông Nguyễn Long Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học thực hành, ĐH Sài Gòn nêu ra băn khoăn, đối với HS phổ thông, thế nào là học lệch? Chuẩn nào để nói các em học lệch? Và ông cũng cẩn trọng hơn khi đặt ra vấn đề liệu việc thi 4 môn có chấm dứt tình trạng học lệch hay không?

Giảm số môn thi, giảm áp lực thi cử, thầy trò sẽ thuận lợi hơn trong việc dạy học thực chất. 
Giảm số môn thi, giảm áp lực thi cử, thầy trò sẽ thuận lợi hơn trong việc dạy học thực chất. 


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, thi tốt nghiệp THPT chính là một trong những khâu yếu kém nhất của giáo dục, tạo ra nhiều vấn nạn, bức xúc nên việc thay đổi cần phải làm ngay.

Bộ trưởng thừa nhận, cách dạy học trong nhà trường lâu nay cơ bản theo hình thức thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức - trò tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức thầy trao cho. Cách dạy học như vậy cộng hưởng với cách thi, cách đánh giá học sinh - sinh viên (ai nhớ nhiều, học thuộc nhiều, đưa đúng đáp số thì điểm cao) đã làm cho tình trạng quá tải, nhồi nhét, dạy thêm học thêm tràn lan có đất phát triển.

Nhiều địa phương như TPHCM hiện có nhiều phương pháp giảng dạy phong phú, nhiều phương tiện hiện đại như máy chiếu, bảng tương tác… vào trường học nhưng vẫn nặng về truyền thụ kiến thức nên chưa tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ. Công việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải lấy đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá làm xung yếu.

“Trong mục tiêu đổi mới, việc học và thi cử sẽ chuyển mạnh quá trình giáo dục nặng về về truyền thụ kiến thức sang giáo dục trọng về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luân chia sẻ với giáo viên, cán bộ quản lý ở TPHCM.

Hoài Nam