Dự kiến 2 phương án môn thi tốt nghiệp THPT
(Dân trí)-Đối với việc thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến hai phương án môn thi. Một là, thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Hai là, thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (phải) và Cục trưởng Mai Văn Trinh trao đổi với báo chí về bản dự thảo.
Cũng theo ông Trinh, phương án được đưa ra dựa trên đánh giá ưu điểm, nhược điểm của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) những năm trước đây; trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội.
Tăng diện học sinh được miễn thi tốt nghiệp
Theo dự thảo, ngoài các đối tượng được miễn thi theo Quy chế hiện hành (người học khiếm thị; người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hóa và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật), các thí sinh (học sinh giáo dục THPT và học viên Giáo dục thường xuyên) có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; Kết quả các kì thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế.
Thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Thí sinh được miễn thi vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo quy định. Trong kì thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.
Về việc xét miễn thi tốt nghiệp Bộ GD-ĐT dự kiến phân cấp mạnh mẽ cho Sở GD-ĐT và Hiệu trưởng các trường THPT. Cụ thể, Sở GD-ĐT căn cứ tỷ lệ miễn thi do Bộ GD-ĐT quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình với các nội dung: Cụ thể hóa tiêu chí miễn thi; dự kiến phương án miễn thi của đơn vị, trong đó nêu rõ tỷ lệ miễn thi cho từng cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý dựa trên các đánh giá của Sở về điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; kết quả các hoạt động giáo dục mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh…
Lấy ý kiến của Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên về phương án miễn thi. Hoàn thiện phương án và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng tham mưu trường Quân đội Nhân dân Việt Nam phê duyệt. Sau đó công khai phương án trên các phương tiện thông tin đại; Chỉ đạo hướng dẫn các trường THPT thực hiện phương án miễn thi đã được phê duyệt và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Hiệu trưởng các trường THPT có trách nhiệm tham gia góp ý phương án miễn thi theo yêu cầu của Giám đốc Sở GD-ĐT. Thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án đã được phê duyệt (Hội đồng gồm: Ban chấp hành đảng bộ/ chi bộ nhà trường, Ban Giám hiệu, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh lớp 12); Công khai và xử lí các góp ý về danh sách học sinh được miễn thi do Hội đồng đề xuất; Trình giám đốc Sở GD-ĐT duyệt danh sách học sinh được miễn thi.
Hai phương án môn thi
Đối với việc thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT dự kiến hai phương án môn thi. Một là, thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc Toán và Ngữ văn và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp; dự kiến: bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 trở lên được cộng 1,0 điểm.
Theo đánh giá của Bộ, phương án này có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiên để Bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020; trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc viết). Tuy nhiên, có thể dẫn đến việc dư luận cho rằng sẽ giảm nhẹ yêu cầu dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông theo Đề án ngoại ngữ 2020.
Hai là, thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Đối với môn ngoại ngữ: Thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.
Với phương án này Bộ GD-ĐT đánh giá, bắt buộc phần lớn học sinh phải học ngoại ngữ. Tuy nhiên, số môn thi tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi ngoại ngữ đã lạc hậu; do đó không có tác động đến việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ.
Các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử thi theo hình thức tự luận; Các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm. Môn Ngoại ngữ có hai phần thi: trắc nghiệm và viết luận. Thời gian làm bài Toán và Ngữ văn là 150 phút; Môn Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ là 90 phút; Môn Vật lý, Hóa học và Sinh học là 60 phút.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay, với hai phương án đưa ra thì Bộ GD-ĐT đang thiên về phương án 1.
“Mong muốn đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới cách thi cử, đánh giá học sinh. Bộ đã công bố về phương án tuyển sinh ĐH-CĐ, nay công bố thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến dư luận. Thay đổi này được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm sắp tới, trước khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tức là đây chỉ là những thay đổi mang tính kỹ thuật. Cũng chưa phải là phương án cuối cùng. Bộ sẽ lắng nghe ý kiến dư luận” - Thứ trưởng Hiển nói.
Điểm trung bình cả năm lớp 12 quyết định 50%
Bộ GD-ĐT cũng dự kiến, điểm xét tốt nghiệp được xác định bằng: (Điểm trung bình các bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 +Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/số bài thi. Điểm xếp loại thì không tính Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/bài thi.
Với cách xét tốt nghiệp như vậy thì điểm trung bình cả năm lớp 12 sẽ quyết định 50%.
Trước câu hỏi của PV Dân trí, với việc quay lại xét học bạ liệu có phát sinh tiêu cực bởi trước kia việc hủy bỏ quy định tuyển học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đã là một lời cảnh bảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn nhìn nhận: “Không phải là quay lại toàn bộ, chúng ta chỉ cho tăng số lượng miễn thi tốt nghiệp còn cách làm sẽ khác. Cách làm trước đây là Bộ giao chuẩn rồi ai đạt được chuẩn thì được miễn nên người ta cố gắng bằng cách này cách khác để đạt chuẩn đó. Ở đây chúng ta xác định việc kiểm tra, đánh giá là trách nhiệm của cơ sở, trách nhiệm của học sinh, giáo viên. Chúng ta đưa lại cái này để giáo viên, học sinh tăng cường giám sát lẫn nhau, tăng giám sát của Hội đồng giáo dục, phụ huynh học sinh”.
Một vấn đề đặt ra, với việc chưa có một chuẩn đánh giá đối với học sinh THPT khi mà chưa hình thành ngân hàng đề thi quốc gia. Việc địa phương đưa ra các chuẩn đánh giá thấp nhằm cho kết quả học tập của học sinh cao lên dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ tăng? Trước câu hỏi này thì Bộ GD-ĐT lại chưa có lời giải thích thỏa đáng.
Nguyễn Hùng