Câu chuyện giáo dục:
Được mời vào hội phụ huynh, bà mẹ méo mặt đáp: "Chị nghèo, không có tiền"
(Dân trí) - Cô giáo đề nghị vào làm trong hội phụ huynh, người mẹ nhăn nhó đáp lại: "Chị nghèo, không có tiền đâu cô ơi!".
Chị N.Th. là hội trưởng một tổ chức hoạt động xã hội ở TPHCM. Có thể với chức danh "hội trưởng", năm con bước vào đầu cấp, chị được cô giáo để ý và chủ động đề nghị tham gia vào Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) lớp.
Là nhà hoạt động xã hội, cộng đồng, bản thân chị mong muốn có thể góp sức mình vào các hoạt động của các con. Tuy nhiên, chị không nhận lời ngay khi hiểu mục tiêu không ít BĐD CMHS vốn nặng về tiền bạc, không nghiêng về việc hỗ trợ học sinh, chắc gì mình đã phù hợp.
Người mẹ trao đổi với giáo viên, chị có thể hỗ trợ thiết kế, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động phù hợp cho các con không tốn kém, không cần đóng nhiều tiền. Chị không ngại đóng góp về thời gian, công sức, nội dung, ý tưởng...
Còn riêng về tài chính, chị thẳng thắn nói với cô, mình nhìn vậy chứ nghèo, không có tiền. Không quản việc gì nhưng chị thừa nhận mình không thể đi đầu trong các khoản đóng góp, cũng không thể đứng ra vận động, phụ huynh khác đóng tiền.
Sau đó, cô giáo không đề cập vấn đề này với chị nữa. Hai phụ huynh khác trong lớp có tiềm lực tài chính hơn được cô giáo "chọn mặt gửi vàng". Những phụ huynh này luôn đi đầu trong những khoản thu chi. Trong nhiều khoản, họ sẵn sàng đóng góp, đóng nhiều hơn những người khác.
Chia sẻ câu chuyện, chị Th. trải lòng, không thể phủ nhận những người làm trong hội phụ huynh họ nhiệt tình, năng nổ. Tuy nhiên, sự năng nổ đó phải phù hợp với tiêu chí của trường, giáo viên.
Sự nhiệt tình, năng nổ ở đây nhiều khi được đánh giá ở mặt "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Những tiêu chí khác có thể bị "bỏ qua" như sự im lặng của cô giáo sau lời đề nghị với chị.
Tới mức, chọn phụ huynh có tiềm lực kinh tế vào BĐD CMHS trở thành luật bất thành văn ở nhiều nơi.
Với những phụ huynh có điều kiện, họ mong muốn con được hưởng thụ điều kiện tốt nhất. Họ sẵn sàng đóng góp cũng như đưa ra đề xuất, vận động phụ huynh theo những "tiêu chuẩn" của mình.
Với những phụ huynh này, trường cũng dễ "gửi gắm" những đề xuất, mong cầu về sắm thêm cái này, sửa lại cái kia. Tất cả được đưa ra với lý lẽ "vì các con" vô cùng thuyết phục.
Sự "nhiệt tình" từ một số người trong BĐD CMHS, cùng tiếp sức từ nhà trường, không ít lớp học bị... tư nhân hóa. Hội phụ huynh nhà giàu tạo ra những lớp học "con nhà giàu" ngay trong môi trường công lập.
Những năm qua, những số tiền "khủng" hàng chục, hàng trăm triệu đồng để sửa sang, mua sắm trong một lớp học không còn hiếm. Nơi ấy, có thể một cách rất vô tình, những phụ huynh nghèo trở nên không có tiếng nói, phải chấp nhận chạy theo điều kiện của người khác đặt ra.
Hay cay đắng hơn như tuyên bố từng gây choáng váng của vị phụ huynh "có tiền" ở Trường tiểu học An Hội, Gò Vấp, TPHCM cách đây không lâu: "Phụ huynh khó khăn đừng cho con theo học lớp này" khi một số gia đình không thể theo nổi các khoản đóng góp được gọi là "tự nguyện".
Nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ đứng "ngoài lề" trong môi trường công lập khi lớp học, trường học bị "thao túng" bởi sự nhiệt tình của một vài phụ huynh. Tất nhiên phía sau đó không thể không nhắc đến vai trò của nhà trường.
"Chị nhìn vậy chứ nghèo, không có tiền cô ơi!", câu chuyện của chị Th. phần nào phản ánh hoạt động, mục tiêu của không ít BĐD CMHS hiện nay.
Ở đó, nặng về việc thu chi, tiền bạc hơn là những hoạt động thật sự hướng đến học sinh như quy định. Ở đó, nhiều hoạt động phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình trở nên lệch lạc, méo mó khi bị chi phối bằng số tiền đóng góp.
Đau lòng hơn ở đó, có thể có những phụ huynh khó khăn bị bỏ rơi, như cái cúi gằm mặt của người mẹ trước sự kỳ thị "Khó khăn đừng cho con ở lớp này"...