Hội phụ huynh không nắm quy định, ai muốn làm đúng bị cho... ra rìa
(Dân trí) - Khi trưởng ban phụ huynh "than nghèo kể khổ" cho nhà trường, chị Thuần đứng dậy hỏi sau dịch bệnh, nhiều gia đình rơi vào túng quẫn, nhiều đứa trẻ mồ côi... hội phụ huynh có nắm không?
Đại diện phụ huynh nhưng thay trường "than nghèo kể khổ"
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm qua, dư luận bức xúc trước hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS), hay còn gọi là hội phụ huynh. Thậm chí, nhiều ý kiến lên tiếng đề xuất nên giải tán hội phụ huynh.
Điều này xuất phát từ việc nhiều BĐD CMHS hoạt động hoàn toàn sai với quy định, nhiệm vụ. Thay vào đó, họ lại rất nỗ lực trong việc thu và chi.
Không ít vụ lạm thu ở trường học được tiến hành thông qua BĐD CMHS với đủ các khoản đóng góp. Những bảng thu chi từ quỹ phụ huynh trong nhiều trường học gây chấn động thời gian qua không chỉ ở số tiền mà còn ở chỗ "cánh tay quá dài" của BĐD CMHS.
Nào sửa trường, sửa lớp, sắm sửa cơ sở vật chất từ cái micro cho đến nối Internet rồi lại ôm thêm việc "chăm sóc" giáo viên, bảo mẫu... Tất cả những thứ đóng góp này đều không thuộc nhiệm vụ của phụ huynh.
Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ BĐD CMHS nêu rõ, nhiệm vụ của BĐD CMHS lớp là phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục; chuẩn bị các cuộc họp phụ huynh, tổ chức việc thu thập nguyện vọng và kiến nghị của phụ huynh.
Tuy nhiên, thay vì nắm bắt nguyện vọng của phụ huynh thì nhiều BĐD CMHS làm ngược là nắm bắt "nguyện vọng" của trường. Thay vì quan tâm đến tâm tư, khó khăn của phụ huynh, học sinh thì hội này đại diện cho trường "than nghèo kể khổ"...
Chị Lê Ngọc Thuần, có hai con ở bậc tiểu học ở TPHCM chia sẻ, năm học trước, trong buổi họp phụ huynh cho đứa con lớn, trưởng ban BĐD CMHS đứng lên rào đón rằng sau dịch bệnh Covid-19, trường học xuống cấp, thiếu thốn cái này cái kia, khó khăn ra sao...
Khi đó, chị Thuần đã đứng dậy, hỏi lại anh trưởng ban, sau Covid-19 rất nhiều phụ huynh không có việc làm, nhiều gia đình rơi vào túng quẫn. Có những trường hợp học trò mồ côi vì dịch bệnh, chưa kể rất nhiều hoàn cảnh học trò khó khăn khác, anh có biết không?
Cả bầu không khí buổi họp chùng xuống...
Muốn làm đúng, bị cho ra... khỏi ban
Chị N.T.N. là phó ban trong BĐD CMHS tại một trường tiểu học ở Hà Nội 3 năm nay.
Phó ban nhưng thật ra chị N. cũng như mọi phụ huynh còn lại trong lớp, không đóng vai trò gì to tát ngoài đóng tiền và thêm việc "phụ họa" việc vận động.
Khi được hỏi, chị có nắm về điều lệ, các quy định của BĐD CMHS học sinh, chị Ng. bật cười: "Ai đọc làm gì. Mọi thứ cứ theo trường và giáo viên để làm".
Người này cho biết, chính chị được gọi là phó ban còn không biết mặt mũi bảng thu chi thế nào. Chỉ có thủ quỹ, giáo viên và trưởng ban BĐD nắm rõ, không phổ biến, công khai trước phụ huynh.
Theo chị N., mọi hoạt động, bảng tự tính thu chi mang tiếng là do BĐD lên kế hoạch nhưng thật ra là mẫu từ nhà trường, giáo viên đưa xuống, BĐD cứ vậy mà thực hiện. Người cả việc mua đồ trang trí, bánh kẹo, hoa quả cho hoạt động của học trò ở đâu cũng do cô giáo... chỉ định, làm khác là có chuyện ngay.
Chị N. kể, ở lớp con mình có trường hợp một bà mẹ khá trẻ tuổi được giáo viên đưa vào BĐD với mục đích gợi ý và định hướng các phụ huynh khác trong việc vận động.
Khi người mẹ này đề cập ban cần phải thực hiện theo quy định, liền bị trách móc là... thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm và cho ra khỏi ban.
Cũng nằm trong BĐD CMHS với vai trò thành viên, từ năm ngoái, anh Lê Văn Minh, có con học ở Bình Thạnh, TPHCM đề nghị ban cần phổ biến về Điều lệ BĐD CMHS đến toàn bộ phụ huynh nhưng đề xuất bị ngó lơ.
Năm nay, anh tiếp tục đưa ra ý kiến này, thẳng thắn nói ban hoạt động thì việc đầu tiên phải nắm rõ quy định để hiểu trách nhiệm và quyền hạn. Đề nghị này lại bị rơi vào im lặng nên anh Minh chủ động gửi thông tin, quy định điều lệ vào nhóm để tất cả phụ huynh nắm rõ.
Sau lần đó, anh Minh được biết, giáo viên lập một nhóm thông tin khác cùng với BĐD không có anh trong đó.
"Thật kỳ lạ, một tổ chức hoạt động không thèm nắm quy định vẫn hoạt động rất tích cực. Gọi là quỹ phụ huynh nhưng "nặng gánh" nhất lại là những khoản chi cho cơ sở vật chất, hoạt động của trường", anh Minh nói.
Trong buổi làm việc mới đây với hiệu trưởng các trường THPT công lập, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT nhấn mạnh, không có khái niệm quỹ cha mẹ học sinh của trường, của lớp, BĐD CMHS thu đúng quy định và chịu trách nhiệm với các khoản thu không đúng.
Với trường hợp một số giáo viên chủ nhiệm hay đưa ra các khoản thu quỹ lớp, theo ông Huy hiệu trưởng phải nắm rõ và thực hiện đúng chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT về việc không có khái niệm quỹ trường, quỹ lớp.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM lưu ý, với kinh phí hoạt động của BĐD CMHS, Sở nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa BĐD CMHS để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, không sử dụng các khoản kinh phí của BĐD CMHS vào các mục đích không đúng quy định.
Theo quy định tại Thông tư 55, các khoản không được phép sử dụng kinh phí từ BĐD CMHS gồm:
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.