"Tôi cảm ơn nếu trường tổ chức cho con đi xem phim Đất rừng phương Nam"

Hoài Nam

(Dân trí) - Chị Minh Thu ở TPHCM cho biết, nếu trường con mình tổ chức cho con đi xem phim "Đất rừng phương Nam", chị sẽ cảm ơn trường.

Kế hoạch vận động học sinh đi xem phim "Đất rừng phương Nam" tại một số  trường ở TPHCM như Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, Trường THPT Thanh Đa, Trường THPT Bùi Thị Xuân đã bị hoãn do liên quan đến những lùm xùm của bộ phim. 

Tuy nhiên, việc trường học vận động học sinh đi xem phim vẫn kéo theo nhiều tranh cãi. 

Tôi cảm ơn nếu trường tổ chức cho con đi xem phim Đất rừng phương Nam - 1

Nhiều trường ở TPHCM hoãn kế hoạch tổ chức cho học sinh đi xem phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: PHCCC).

"Ai còn dám thay đổi, sáng tạo?"

Chị Lê Minh Thu - phụ huynh có con học cấp 2 ở TPHCM - cho biết, chị thấy nặng nề trước những ý kiến tấn công trường học về việc vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam". 

Với chị, việc trường tổ chức cho học sinh xem tác phẩm điện ảnh để trải nghiệm, đối chiếu với nội dung học là điều đáng khuyến khích. Việc học không thể chỉ bó hẹp trong bốn bức tường ở lớp học, trong sách giáo khoa mà các em cần được mở rộng góc nhìn, góc tiếp cận. 

Chưa bàn đến những lùm xùm phát sinh của bộ phim, chị Thu chia sẻ, đây là bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa. Thông qua bộ phim, học sinh có thêm hình thức để cảm nhận, đánh giá. 

Tôi cảm ơn nếu trường tổ chức cho con đi xem phim Đất rừng phương Nam - 2

Một cảnh trong phim "Đất rừng Phương Nam" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Bộ phim đã được kiểm duyệt và công chiếu công khai, việc chọn bộ phim không phải lỗi từ nhà trường. Rồi khi có tranh cãi quanh bộ phim, họ đã dừng lại. 

"Chúng ta hay chê trường học dạy chay nhưng khi thầy cô làm khác đi, đổi mới thì bị "ném đá" rất khủng khiếp. Cứ vậy, rồi còn ai dám làm khác, dám đổi mới, sáng tạo. An toàn nhất là cứ trong khuôn khổ sách vở, lớp học để dạy", chị Thu lo ngại. 

Người mẹ này nêu quan điểm, nếu trường con mình tổ chức cho học sinh đi xem phim để trải nghiệm như vậy, chị còn cảm ơn trường. Chị không muốn con chỉ học quanh quẩn trong sách, trong lớp, chỉ học ở thầy cô. 

Cùng góc nhìn, chị Huỳnh Ngọc Anh - có con học lớp 10 ở TP Thủ Đức, TPHCM - nói về vấn đề này: "Tôi thấy vui mà. Nếu trường con tổ chức, tôi đăng ký cho cháu ngay". 

Theo chị Ngọc Anh, các con thường rất thích các hoạt động này, nhất là khi được đi cùng bạn bè. Đó là hoạt động lành mạnh, trẻ có thêm hoạt động, góc nhìn về tác phẩm văn học.

Nếu không có yếu tố bắt buộc hoặc vụ lợi, chị Anh ủng hộ những hoạt động trải nghiệm ngoài trường học như vậy. Và các trường cần không gian nhất định để họ có thể làm mới, thay đổi việc dạy học. 

Gọi là vận động nhưng bắt buộc?

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản đối việc trường đưa học sinh ra rạp xem phim vì hàng loạt yếu tố như gọi là vận động nhưng mang tính bắt buộc, lo ngại tình trạng thương mại hóa trong trường học... 

Nhiều ý kiến cho rằng, cũng như nhiều cuộc vận động trong trường học, gọi là vận động, tự nguyện nhưng thật ra chẳng khác nào bắt buộc.  

Tôi cảm ơn nếu trường tổ chức cho con đi xem phim Đất rừng phương Nam - 3

Lãnh đạo Trường THCS Đồng Khởi, quận 1, TPHCM trong buổi họp báo về sự việc thư ngỏ vận động học sinh xem phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Hoài Nam).

Việc tổ chức cho học sinh đi xem phim được gắn vào hoạt động trải nghiệm của môn học, học sinh muốn "nói không" cũng khó. Chưa kể, có trường tổ chức trong thời khóa biểu chính khóa đẩy phụ huynh, học sinh vào thế... không có lựa chọn. 

Ở góc độ cảm thụ một tác phẩm điện ảnh, nằm ngoài hoạt động giáo dục của trường lại thành cuộc "vận động", một phụ huynh ở TPHCM cho rằng "quá tầm bậy". 

Với ông, với phim ảnh, ai thích thì đi xem, không thì thôi. Ngay cả việc trường tổ chức cho học sinh xem phim miễn phí cũng chỉ nên dừng ở việc khuyến khích, chứ chưa nói việc đóng tiền. 

Trường có thể muốn đa dạng hóa hình thức học tập cho học sinh nhưng việc tổ chức, vận động như vậy lại có thể gây áp lực với phụ huynh, học sinh và cả gây phản cảm. 

Giáo dục "đua trend" phải cẩn thận

Từ sự việc, thầy Nguyễn Viết Đăng Du - giáo viên sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM - cho hay giáo dục giờ cũng... đua trend (xu hướng). Vài năm trước, có trend đưa hình ảnh, bài hát vào đề thi thì nhiều trường, giáo viên nhiều môn cũng... "ăn theo" có khi rất gượng ép. Và giờ đến lượt phim ảnh.

Thầy Du thông tin, nhiều năm trước, tại trường mình, xem phim là một trong những hoạt động phải có của môn lịch sử. 

Tôi cảm ơn nếu trường tổ chức cho con đi xem phim Đất rừng phương Nam - 4

Hoạt động sân khấu hóa cho học sinh tái diễn "cảnh nóng" trong tác phẩm văn học qua hình thức chiếu bóng tại một trường học ở TPHCM từng gây phản ứng (Ảnh: Chụp lại màn hình).

Ngoài những phim tư liệu phản ánh chân thực hiện thực lịch sử, sau mỗi chương học sinh đều phải coi các tác phẩm điện ảnh lấy lịch sử làm bối cảnh để nuôi dưỡng cảm xúc. Coi phim chiến tranh để yêu cuộc sống hòa bình. Coi phim nhân vật lịch sử để hiểu thêm rằng danh nhân cũng là những người rất bình thường…

Theo thầy Du, xem phim là một hình thức giáo dục tốt như đi xem kịch, xem triển lãm, đi bảo tàng. Quan trọng nhất phải chọn phim cho phù hợp với nội dung giảng dạy và phải nghĩ trước học sinh sẽ phải làm gì sau khi xem.

Tiêu chí chọn phim, thầy Du cho biết phim cần liên quan đến bài học; giáo viên đều xem trước và công nhận hay, hấp dẫn, xúc động; có tính nghệ thuật và đạt được nhiều giải thưởng.

TS Vũ Thế Dũng - CEO Thinking School Việt Nam - cho rằng, việc tổ chức tiết học ngoại khóa bằng xem phim, đi thăm bảo tàng, hay đến các di tích lịch sử văn hóa là việc cần và nên làm. 

Tuy nhiên, nội dung của các hoạt động cho học sinh, sinh viên cần được trường thẩm định kỹ lưỡng, tránh vội vã tổ chức cho học sinh đi xem.

Ở một góc độ khác, TS Dũng đưa ra quan điểm, mang một bộ phim thương mại vào quảng cáo trong môi trường giáo dục là điều rất không nên. 

Để bảo vệ sinh viên, học sinh, cần có luật về hạn chế hay cấm quảng cáo trong khuôn viên trường học. Các trường cũng cần phải bị cấm nhận các khoản đóng góp của các doanh nghiệp để đổi lại các hoạt động quảng cáo, bán hàng hướng tới học sinh, sinh viên của mình.

"Quảng cáo nên bị cấm trong trường học vì có thể gây hiểu lầm cho học sinh, sinh viên, phụ huynh là nhà trường đã thẩm định chất lượng các sản phẩm quảng cáo này và ủng hộ bán cho học sinh", TS Vũ Thế Dũng cho biết.