Đừng nhầm lẫn tổn thương sức khỏe tâm thần và "hậu Covid-19"
(Dân trí) - Sau thời gian dài học trực tuyến, nhiều học sinh có biểu hiện tổn thương sức khỏe tâm thần, lo âu, khó khăn học tập nhưng nhiều người đang nhầm lẫn với các triệu chứng hậu Covid-19.
Trên đây là nhận xét mà PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo "thắp lửa tiến lên 2022", do mạng lưới Giáo dục không biên giới tổ chức ngày 27-28/3 tại Quảng Ninh.
Nhầm lẫn tổn thương sức khỏe tâm thần và "hậu Covid".
Theo chuyên gia này, rối loạn lo âu và trầm cảm ảnh hưởng tất cả mọi người từ mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và địa vị trong xã hội nhưng không mấy ai nhận thấy hoặc biết cách vượt qua.
Đối với học sinh, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch càng phổ biến, gây ra những hậu quả cụ thể về mặt cảm xúc, trong đó độ tuổi từ 15-18 có triệu chứng lo âu, trầm cảm cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.
Sở dĩ các em có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe tâm thần sau khi quay lại trường do phải đối diện quãng thời gian dài sợ hãi, cô lập, mắc kẹt trong không gian chật chội, tiếp xúc nhiều thông tin xấu độc trên mạng, bạo lực gia đình.
Khi đến trường, có thể trẻ sẽ có xu hướng nghịch ngợm, hung hăng, phá vỡ mọi nội quy. Trẻ căng thẳng thường có dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, không muốn tham gia các hoạt động trước đó từng yêu thích.
Nhiều em có biểu hiện khó khăn học tập, trầm cảm, lo âu. Thậm chí các rối loạn này tăng từ 3-5 lần so với bình thường; tỷ lệ muốn tự tử tăng gấp 5 đến 6 lần.
Không riêng gì học sinh, nhiều người trầm cảm nhưng họ chỉ dám nhận là mất ngủ, không ăn được hoặc cảm thấy mệt mỏi nhưng thực tế bản chất có thể bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Con số mà chuyên gia này đưa ra, một số vụ tự tử gần đây cho thấy, đằng sau đó có thể họ đã bị tổn thương tâm lý dài ngày, khoảng 80- 90% các vụ tử tự nguyên nhân do trầm cảm.
Đối với lứa tuổi học đường, lo âu đến từ nhiều phía như: Quan hệ bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, nhu cầu đạt được thành tích, sự tự đánh giá, áp lực đánh giá từ người khác và nhu cầu thể hiện bản thân…
Mặc dù vậy, nhiều người lại lầm tưởng các triệu chứng mệt mỏi, trầm cảm trên đây của các em là do "hậu Covid-19" chứ không biết đấy là tổn thương sức khỏe tâm thần.
Giáo viên không phải là "Phật nghìn tay"
Mặc dù tỉ lệ học sinh lo âu gia tăng nhưng theo PGS.TS Trần Thành Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần và tham vấn tâm lý trường học hiện vẫn đang là khoảng trống.
Cụ thể, chúng ta đã xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường, có đội ngũ giáo viên phân công vào các vị trí đó để hỗ trợ nhưng các phòng đó vẫn còn vắng vẻ, không có học sinh, sinh viên đến nhờ hỗ trợ can thiệp.
Có thể nói, sức khỏe tâm thần của các em học sinh thời gian đầu quay lại trường quan trọng hơn vấn đề kiến thức. Mặc dù vậy, nhiều người còn xem nhẹ vấn đề này.
"Sáng tạo thích ứng nhanh" quan trọng như thế nào với Hiệu trưởng và các nhà quản lý giáo dục? Chỉ trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tất cả các trường học đều luôn trong tình trạng "thích ứng nhanh", "sáng tạo" để vượt qua những thử thách.
Với tinh thần đó, Hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2022" chọn "Sáng tạo thích ứng nhanh" như là một thông điệp cần truyền tới mỗi hiệu trưởng, xuyên suốt trong bốn nội dung được bàn luận của hai ngày hội thảo.
Mặc dù nhà trường có phòng tư vấn tâm lý, nhiều trường hợp học sinh ngại vì sợ bạn bè trêu ghẹo, bên cạnh đó cũng có những trường hợp học sinh khó có thể nói trực tiếp vấn đề của mình.
Thứ hai, chính bản thân giáo viên không nhận biết được các dấu hiệu tổn thương của học sinh về sức khỏe tâm thần nên không hỗ trợ các em bằng cách cho nghỉ buổi học đó để đến phòng tham vấn học đường.
Cha mẹ vẫn còn định kiến nên không thoải mái khi con phải vào các phòng tham vấn này để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Chỉ khi nào đứa trẻ đó bị ảnh hưởng đến học tập hoặc các cơ quan chức năng khác mới tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng thời điểm đó đã quá muộn.
Đặc biệt, giáo viên hiện nay quá tải công việc, nhiều trường không có nhân viên tham vấn tâm lý chuyên trách nên thầy cô đang "một công rất nhiều việc".
"Các thầy cô vừa dạy kết hợp on- off, vừa xử lý sự cố máy móc đường truyền, vừa quan tâm đến sức khỏe tâm lý học sinh…. Thầy cô không phải 'Phật nghìn tay' để kham cùng lúc nhiều việc đến vậy.
Nếu không có hệ thống tham vấn học đường một cách bài bản, chính thầy cô cũng là đối tượng tổn thương sức khỏe tâm thần chứ không riêng gì học sinh.
Đồng thời, hệ thống này cũng là nơi kết nối đến các chuyên gia, các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần uy tín thuộc các trường đại học, các bệnh viện để giới thiệu chuyển tuyến các trường hợp đặc biệt", chuyên gia này khẳng định.