Cần chú ý tâm lý của học sinh khi các em trở lại trường học trực tiếp
(Dân trí) - Sang tuần, học sinh sẽ trở lại trường học trực tiếp khiến nhiều em phấn khởi, mong ngóng từng ngày để gặp bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, phụ huynh và giáo viên cần quan tâm nhiều tới tâm lý của các em.
Mong chờ từng ngày để được đến trường
Em Nguyễn Việt Lâm (học sinh lớp 7 Trường THCS Mê Linh) chia sẻ: Ngay sau khi đón nhận thông tin học sinh sẽ quay trở lại trường vào ngày 8/2 cảm xúc của em vô cùng vui sướng. Em đã mong chờ từng giây, từng phút để có thể được quay trở lại trường học bởi vì em đã học online gần 1 năm qua không được gặp thầy cô, bạn bè".
Cùng cảm xúc với Việt Lâm em Hồ Khánh An (Học sinh lớp 10 trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa) bày bỏ: "Khi bước chân vào cánh cổng cấp 3 em chưa có cơ hội được gặp gỡ thầy cô, bạn bè trực tiếp mà chỉ thông qua màn hình trực tuyến bởi tình hình dịch Covid- 19 căng thẳng. Khi nhận được thông tin đến trường em rất háo hức vì em sẽ được trải nghiệm học tập ở một ngôi trường mới với nhiều bạn bè, thầy cô. Đặc biệt quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán bản thân em cũng như các bạn sẽ có cơ hội được lì xì, chúc tết đầu năm hy vọng mọi điều may mắn."
Anh Hà Văn Hiệp (Hà Đông) chia sẻ: Phương án cho học sinh quay trở lại trường sau Tết là thời điểm vô cùng hợp lý. Lý do là nhiều hoạt động đã được hoạt động trở lại bình thường, xã hội đã dần thích nghi được với tình hình dịch bệnh. Điều quan trọng, các con đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid- 19 nên sẽ đảm bảo an toàn hơn so với thời điểm trước đó.
Mặc dù, con trẻ đã quen với hình thức học online tuy nhiên điều này cũng gây nên ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của các con. Khi học ở nhà, con sẽ bị giảm tương tác với thầy cô, không được sát xao và tính tự giác không cao như khi trên lớp dạy trực tiếp.
Để giúp con không bị bỡ ngỡ sau khoảng thời gian dài học online chị Nguyễn Thu Hiền (Sóc Sơn) cho hay, trong thời gian nghỉ Tết, tôi vẫn duy trì việc cùng con học tối thiểu 30 phút mỗi ngày để giúp con không bị quên kiến thức, củng cố ôn tập. Hàng ngày, thay vì cho con ngủ nướng tới 8-9h thì tôi gọi con dậy sớm theo như giờ đi học để con có thói quen sinh hoạt tránh việc bỡ ngỡ, lo sợ khi quay trở lại trường.
Thầy Nguyễn Văn Nam (THPT Đan Phượng) đưa ra lời khuyên: "Ba mẹ nên đồng hành, quan tâm tới con nhiều hơn. Nên kiểm soát tốt thời gian sử dụng các thiết bị điện tử để giúp con không bị xao nhãng học tập, quản lý giờ giấc sinh hoạt một cách hợp lý.
Cùng với đó là dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con để giúp con có tâm lý thoải mái, tích cực khi đến trường. Vì khi ở nhà tương tác online các con đã tạo ra một độ "ì" nhất định từ đó dễ dẫn đến những hành vi, cách ứng xử chưa chuẩn mực".
Tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý, thể chất cho học sinh
Trước khi học sinh trở lại trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Theo đó, để bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên (HSSV), cán bộ, nhà giáo và chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho HSSV trước ngày 14/02/2022.
Chỉ đạo Sở GDĐT, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục về phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.
Chỉ đạo các địa phương (cấp huyện, cấp xã) hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy và học phù hợp đối với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ,...).
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức, các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường. Tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; tiếp tục triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết thúc năm học phù hợp.
Chỉ đạo các địa phương khẩn trương bàn giao lại cơ sở vật chất đã trưng dụng của các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn, sửa chữa hư hại nếu có để đảm bảo sử dụng tốt; đồng thời quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước khi cho học sinh đến trường.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc và các trường đóng trên địa bàn trong việc đưa sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp sau kỳ nghỉ tết âm lịch.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GDĐT.