Có trẻ đến khám tâm lý, đã sẵn dây thừng... để chết (!)

Hoài Nam

(Dân trí) - Đó là chia sẻ, đồng thời cũng là lời cảnh báo của bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn về vấn đề sức tâm thần của học trò, nhất là trước tác động của dịch Covid-19.

Chia sẻ tại tọa đàm về tâm lý học đường trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng BV Đại học Y dược TPHCM thông tin, bản thân ông và nhiều anh chị làm trong lĩnh vực tâm lý từng tiếp nhận không ít ca học trò đến thăm khám tâm lý trong tình trạng đã rất tệ.

Có em đã rơi vào trầm cảm, có bạn rạch tay 2 lần, mua dây thừng cất sẵn trong phòng để chuẩn bị cho cái chết, và có nhiều ca uống thuốc tự vẫn, nhưng thoát chết... 

Có trẻ đến khám tâm lý, đã sẵn dây thừng... để chết (!) - 1

Nhiều học sinh đến phòng khám tâm lý khi tình trạng đã rất xấu (Ảnh minh họa).

Có nhiều trường hợp học sinh có biểu hiện bất ổn được giáo viên đưa đến phòng tâm lý chứ không phải cha mẹ. Có em được thầy cô đưa đến đã bị trầm cảm, hay gần đây có 2 người bạn giờ tan học, rủ nhau đi khám tâm lý, một em trong đó đã bị trầm cảm... 

Theo bác sĩ Mẫn, để các bạn học sinh chia sẻ mình đang gặp vấn đề tâm lý, trầm cảm là việc rất khó khăn. Chưa kể, chúng ta vẫn nặng suy nghĩ ai bị khùng bị điên mới tìm đến chuyên gia tâm lý cũng là cản trở để các em tìm sự hỗ trợ từ sớm. 

Điều này, đòi hỏi bố mẹ thầy cô cần quan tâm, quan sát, lắng nghe các em để phát hiện sớm những dấu hiệu bất ổn.

Khi căng thẳng, theo bác sĩ Mẫn các em sẽ có những biểu hiện về thể chất, cảm xúc, tâm lý, về hành vi xã hội. Nhất là những giai đoạn các em đối mặt với áp lực học tập, chuẩn bị thi cử tình trạng phải nói càng "dữ dội". 

Áp lực có sẵn đó, thêm hệ quả của dịch bệnh Covid-19 như tình trạng cách ly, mắc bệnh, mất mát, mồ côi... dẫn đến những sang chấn, theo bác sĩ Mẫn như ly nước tràn, nhiều em sẽ "bùng nổ". 

Bất ổn về tâm lý, bị nói là... giả bộ

Thạc sĩ tâm lý Cao Thị Thùy Trang, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn lo ngại nhất là tình trạng nhiều người có vấn đề tâm lý nhưng không nhận ra, không tìm kiếm sự hỗ trợ cũng như không nhận được sự hỗ trợ.

Nhất là một đứa trẻ khi bất ổn về tâm lý có thể nghe bạn bè nói "nó giả bộ đó cô" hoặc bố mẹ cũng cho rằng "lười học chứ bệnh tật gì". 

"Khi chúng ta gãy tay chân, đau bụng, đau ruột thừa rất nhiều người lo lắng, quan tâm. Nhưng những vết thương về tinh thần, tổn thương về mặt tâm lý thì lại vô hình, không ai nhìn thấy và có khi chính mình cũng không nhận ra mình đang "bị đau", bà Trang cho hay. 

Có trẻ đến khám tâm lý, đã sẵn dây thừng... để chết (!) - 2

Nhiều học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý (Ảnh minh họa: HN).

Chuyên gia tâm lý này chỉ ra một số dấu hiệu nhận diện rối loạn tâm lý học đường như hay buồn chán, cảm thấy ám lực, căng thẳng, mất tập trung, không thích trò chuyện. Nhiều dấu hiệu đi kèm như ăn uống quá mức, vô độ, không kiểm soạt được cân nặng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều nhưng vẫn luôn mệt mỏi, cơ thể thiếu sức sống... 

Tính khí cộc cằn, dễ quạu, luôn cảm thấy tiêu cực kể cả những câu nói bình thường của người khác. Và đâu đó, từng có suy nghĩ đến cái chết...  Biểu hiện này kéo dài 1-2 tuần ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, mối quan hệ.

Theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam của Unicef, tỉ lệ các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Chúng ta có thể liệt kê nhiều vụ học sinh, sinh viên tự vẫn như gần đây nam sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhảy sông tự vẫn, nam sinh lớp 6 ở Hà Nội nhảy từ tầng 22 xuống,  một sinh lớp 10 ở TPHCM nhảy lầu tại trường may mắn thoát chết... 

Hãy tìm mọi cách để nói ra, cố gắng nói với bạn bè, những người trong gia đình hoặc thầy cô là lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn dành cho những bạn trẻ đang gặp khó khăn về tâm lý. 

Ở góc độ trường học, ThS Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM cho hay không chỉ chờ đến tác động của dịch bệnh Covid-19, học sinh vốn đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Nhiều cú sốc về tâm lý không phải em nào cũng có thể vượt qua, mà đòi hỏi phải có sự trợ giúp từ thầy cô, bạn bè, nhà trường. 

Thực tế này đặt ra yêu cầu với các nhà quản lý giáo dục cần có những giải pháp đối với vấn đề tâm lý học trò. Trong đó, quản lý giáo dục phải có sự quan sát và dự báo, phải thấy được vai trò của công tác tư vấn tâm lý trong trường học ở mọi thời điểm, không chỉ trong dịch bệnh để chuyên viên tư vấn cùng nhà trường, giáo viên hỗ trợ, phát hiện, can thiệp hỗ trợ học sinh kịp  thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm