Từ vụ nữ sinh lớp 9 tử vong từ tầng 26 ở Hà Nội: Chuyên gia tâm lý nói gì?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Liên quan đến nữ sinh lớp 9 rơi từ tầng 26 chung cư tử vong ở Hà Nội, ngày 23/3, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết, đơn vị này đã liên lạc và phối hợp với gia đình lo hậu sự.

Danh tính bé gái xấu số là N.K.L. (15 tuổi, quê Tuyên Quang, hiện sống tại tầng 26, tòa T3, khu đô thị ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng bố mẹ). Thời điểm gặp nạn, bé L. đang ở cùng chị gái còn bố mẹ về quê.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 23/3, bà Trịnh Đan Ly, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết, nữ sinh học lớp 9 tại quận Đống Đa.

Theo thông tin ban đầu từ phía nhà trường, nữ sinh tử vong từ tầng 26 trên đây có học lực bình thường. Ngày xảy ra sự việc đau lòng, nữ sinh này vẫn đi học như mọi ngày.

"Phòng GD-ĐT quận Đống Đa và nhà trường đã cử nhân viên liên lạc với gia đình. Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp cùng gia đình để lo hậu sự cho nữ sinh", bà Ly cho hay.

Từ vụ nữ sinh lớp 9 tử vong từ tầng 26 ở Hà Nội: Chuyên gia tâm lý nói gì? - 1

Thời gian gần đây, nhiều vụ học sinh tự tử xảy ra trên cả nước (Ảnh: M.H).

Được biết thời gian gần đây, nhiều vụ học sinh tự tử xảy ra trên cả nước, với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 23/3, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, sau thời gian nghỉ dịch và học trực tuyến lâu dài, việc chuẩn bị cho các em trở lại trường học là nỗi lo lớn, nhất là những học sinh cuối cấp.

Theo đó, việc chuẩn bị cho học sinh quay trở lại trường cần cả ba sẵn sàng: trẻ sẵn sàng về tâm lý, về thể chất và nhận thức để quay trở lại trường.

Cha mẹ sẵn sàng trong hỗ trợ tâm lý cho con; thiết lập lại thói quen học tập; nhận biết sớm và tư vấn phù hợp những rối nhiễu.

Về phía giáo viên, để học sinh hứng khởi khi trở lại trường, người dạy cần giúp các em giao lưu, giải tỏa tâm lý… Đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý của nhà trường cần kích hoạt.

Về lý thuyết, nếu đảm bảo cả "ba sẵn sàng" trên đây sẽ rất tốt cho trẻ nhưng thực tế, có rất ít gia đình và nhà trường chuẩn bị được chu đáo như vậy.

"Chúng ta quay lại trường học nhưng chỉ bằng lý trí và chỉ đang đủ điều kiện dồn sức vào vấn đề an toàn y tế.

Trong khi đó, chúng ta dường như đang để trống hoặc quan tâm rất ít đến các vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là bảo vệ an toàn tâm lý cho trẻ", PGS Trần Thành Nam chia sẻ.

Chính vì thiếu quan tâm về vấn đề này, cộng với việc gia đình lơi lỏng kiểm soát nên nhiều bạn trẻ có dấu hiệu tổn thương, cách nhìn đời tiêu cực.

Nhiều em cảm thấy mất ý nghĩa cuộc sống, cảm thấy bị người lớn ứng xử thô bạo, bất công. Từ đó, các em thể hiện muốn chấm dứt cuộc sống … qua những thái độ, lời nói mà bố mẹ lại coi thường, bỏ qua trong giao tiếp hàng ngày.

Vậy nên khi cuộc sống dần bình thường trở lại, các dịch vụ được mở cửa, các bạn học sinh được ra ngoài, có khả năng tiếp cận với những không gian không ai giám sát nên một số em có thể mua được những thứ nguy hiểm như thuốc ngủ, dao, dây thừng… để thực hiện các ý đồ tự vẫn.

"Trong khi trầm cảm, tổn thương nặng, cá nhân thu mình lại gặm nhấm nỗi đau…. Nhưng khi chuyển từ "pha trầm" sang "pha hưng cảm", đây là thời điểm bệnh nhân dễ tự tử nhất vì họ cảm thấy có năng lượng để thực hiện những kế hoạch tự tử đã được lên kế hoạch trong khi trầm cảm và tuyệt vọng nhất", PGS Trần Thành Nam phân tích.

Do vậy theo ý kiến của chuyên gia tâm lý này, có lẽ trong giai đoạn giãn cách và hạn chế các hoạt động vì dịch bệnh, nhiều trẻ em đã có tổn thương quá lớn về tâm lý và xuất hiện những ý tưởng tự sát trong giai đoạn bị giữ ở nhà.

Đến khi có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường, nếu chúng không được quan tâm, người lớn không nhạy cảm với tâm trạng của các em, rất dễ có những hành vi tự gây hại.

Chuyên gia này cho rằng, trước đây mỗi trường có Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 thì bây giờ, phải tiếp tục xử lý các vấn đề hậu Covid-19.

Trong đó, phần nhiều là các vấn đề tâm lý, mệt mỏi, mất ngủ, sương mù não… có thể góp phần làm tăng mức độ lo âu trầm cảm sẵn có góp phần thúc đẩy những hành vi tự hại của các em học sinh.