Dính "bẫy tỷ phú", sinh viên đánh mất mình theo giấc mơ vương giả
(Dân trí) - Đó là lời cảnh báo mà chuyên gia kỹ năng sống Trần Hải Nguyên nhắn nhủ tới sinh viên về hàng loạt thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhắm đến giới trẻ.
"Vẽ" giấc mơ vương giả
ThS Trần Hải Nguyên - Giám đốc một công ty đào tạo kỹ năng sống - gọi đây là "bẫy tỷ phú" khi các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý không làm gì cũng có tiền, làm ít tiền nhiều.
"Các đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý với những lời "mật ngọt", vẽ cảnh tượng tiền đến một cách dễ dàng khiến đam mê giàu sang hoặc tâm lý lười biếng trỗi dậy. Không ít em chấp nhận bỏ học, bỏ nhà ra đi, bỏ luôn tình anh em, ba mẹ... để chạy theo giấc mơ vương giả", ThS Hải Nguyên chia sẻ.
Chiêu thức được các đối tượng quảng cáo đều là những lời mời "có cánh", hấp dẫn giới trẻ như: Việc nhẹ lương cao, làm chỉ 2-3 giờ/ngày nhận lương... 7 - 10 triệu đồng/tháng, lĩnh hoa hồng 30-60%, giới thiệu người khác bán hàng còn mình lĩnh tiền…
Ông Nguyên liệt kê hàng loạt hoạt động lừa đảo nhắm vào học sinh, sinh viên hiện nay, nhất là vào dịp đầu năm học, dịp lễ tết như: Cộng tác viên gói quà tại nhà, chốt đơn hàng online, tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy văn bản, thuê nhà trọ, mua vé tàu xe giá rẻ... Ẩn sau đó, các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ người lao động để chiếm đoạt tài sản.
Mất cả chì lẫn chài
Thực tế, không ít sinh viên đã "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo, mất đi vài triệu thậm chí hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
ThS Trần Hải Nguyên cảnh báo, kéo theo đó là hàng loạt hiểm họa. Tâm lý của các bạn sinh viên chưa vững vàng nên khi vấp phải cạm bẫy, nhiều em hoang mang, hoảng sợ, đánh mất bản thân.
"Bị lừa tiền, có em chấp nhận tiếp tục đi lừa người khác để gỡ lại số tiền đã mất, có người tiếp tục dính vào các cạm bẫy khác như cầm cố, trộm cắp... Từ cạm bẫy này, các em rơi vào một cạm bẫy khác", ông Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyên chỉ ra những chiêu thức lừa đảo khá đa dạng và được cảnh báo nhiều trên báo chí nhưng sinh viên ít cập nhật kiến thức.
"Cạm bẫy làm thêm, nhà trọ... đã được báo chí nêu rất nhiều nhưng sinh viên không đọc, đến khi bị lừa, có bài học xương máu rồi mới đi tìm thì đã có hậu quả. Song, các em phải hiểu rõ bản chất để không bị lừa lần sau", ThS Nguyên nêu.
Chính vì thế, ông khuyên các bạn trẻ cần đủ tỉnh táo và trang bị kiến thức để tránh được những cạm bẫy có thể hủy hoại cả cuộc đời.
Theo chuyên gia kỹ năng sống, dấu hiệu nhận biết lừa đảo là hầu hết những mẩu đăng tin tuyển dụng đều yêu cầu kỹ năng rất đơn giản: Không cần kinh nghiệm, không cần thử việc, không cần trình độ... nhưng mức thu nhập "trên trời".
Một điểm nhận diện khác là không cung cấp địa chỉ, tên đơn vị làm việc mà chỉ cần để lại số điện thoại hoặc tin nhắn.
Khi đến làm hồ sơ, bên tuyển dụng lại đưa ra các chiêu dụ khách hàng như nộp phí sớm sẽ được khuyến mại nhiều, đóng tiền cọc trang phục, thiết bị làm việc, cọc tiền hàng hóa...
Dấu hiệu nhận biết khác là công việc chính nhân sự được giao chỉ là tập trung lôi kéo thêm người tham gia vào hệ thống đa cấp của mình.
"Hình thức lừa đảo sẽ được đổi mới liên tục. Vì thế, sinh viên cần nắm được các đặc điểm, dấu hiệu đáng chú ý để tránh bị lừa đảo. Thông thường, nếu các công ty lớn, uy tín tuyển dụng sẽ có thông tin trên trang web chính thống, có thỏa thuận giờ giấc, yêu cầu công việc với mức lương hợp lý", chuyên gia kỹ năng sống Trần Hải Nguyên nói.
Bà Võ Hồ Thu Tiên - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho biết, qua các chương trình chuyên đề ngoại khóa, nhà trường giúp sinh viên trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tránh bẫy lừa đảo.
"Hãy luôn sống hết mình để khám phá cuộc sống và theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, cũng cần biết dừng lại đúng chỗ trước những cám dỗ hoặc những chiêu thức lừa đảo luôn rình rập trong xã hội hiện nay. Có những cánh cửa dẫn đến sai lầm và rất khó để khắc phục hậu quả", bà Thu Tiên nói.