Nữ sinh sợ đến trường, xin chuyển lớp vì bạn lập hội miệt thị hình thể

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Theo một số giáo viên, việc học sinh "kéo bè" chê bai, miệt thị hình thể bạn học trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Có nữ sinh sợ đến trường hoặc phải xin chuyển lớp vì bị bạn học nói xấu trên mạng.

Mũm mĩm là bị tẩy chay

Năm nay Hằng Nga (tên học sinh đã được thay đổi) học lớp 8 tại một trường công lập thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Nga là lớp trưởng, là học sinh năng động trong các hoạt động ngoại khóa, từng tham gia một số cuộc thi học sinh giỏi của trường.

Thế nhưng vài tháng trở lại đây, chị Lan, mẹ Nga, thấy con trầm tính, thi thoảng mắt đỏ hoe và thường xuyên thì thầm trò chuyện với chị họ đang học cùng trường.

"Tôi gặng hỏi nhưng con không nói gì, chỉ bảo con không đi học nữa đâu, con thấy sợ hãi.

Tôi lo lắng quá, lập tức gọi điện cho chị họ cháu mới biết gần một năm nay, con gái tôi bị một số bạn nữ, tạm gọi là thuộc nhóm ăn chơi, kiếm cớ cô lập.

Đỉnh điểm đầu tháng 10 vừa qua, nhóm bạn nữ dùng hình ảnh con để chế video đăng lên Facebook và Tiktok, miệt thị hình thể con gái tôi với những ngôn từ vô cùng xúc phạm, tệ hại.

Chúng tôi rất sốc trước bộ mặt khác của những đứa trẻ mới cấp 2, trong đó có cả những bạn học lực xuất sắc, với những ngôn từ lệch lạc, cay nghiệt, ác tâm như vậy", chị Lan kể lại.

Nữ sinh sợ đến trường, xin chuyển lớp vì bạn lập hội miệt thị hình thể - 1

Học sinh Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) trong giờ học chuyên đề "Tôi tự tin" nằm trong dự án "Nâng cao nhận thức giá trị bản thân" (Ảnh: Mỹ Hà).

Chị Lan lập tức gọi điện thông báo với cô chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường để giải quyết. Theo người mẹ, từ một cô bé năng động, Hằng Nga dần hạn chế hoạt động ngoại khóa bởi cảm thấy không tự tin.

"Trước đây con tham gia nhảy, thuyết trình bằng tiếng Anh trước toàn trường rất thoải mái, tự tin nhưng năm học vừa rồi, con cố lánh mặt. Chúng tôi không hề biết sau mỗi hoạt động như vậy, con lại bị một số bạn đưa ra bêu rếu, miệt thị", chị Lan nói.

Sau nhiều nỗ lực, gia đình xin chuyển lớp cho con. Sau khi rời bỏ được môi trường đầy kỳ thị, cô lập đó, Hằng Nga hạnh phúc hơn. Con lại tiếp tục thi học sinh giỏi cấp quận và dự thi liên hoan đồng ca, hợp xướng cấp thành phố năm 2023.

Khảo sát nhanh của Trung tâm Giáo dục và Phát triển với 426 học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội trong tháng 9 vừa qua cho thấy, 69% số em được hỏi từng bị người khác trêu chọc hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình.

Trong số này, có khoảng 55% học sinh đã trải qua một lần, gần 14% đã trải qua nhiều lần bị người khác trêu chọc hoặc bình luận. 

Người hay đưa ra bình luận về ngoại hình nhất là bạn bè, chiếm 55,6%, tiếp theo là bố mẹ 15,63%, người thân 13,4%, ông bà 6,9%...

Chuyện với Hằng Nga không phải cá biệt. Mới đây, một Facebook có tên N.H.A. lên tiếng với tư cách là nạn nhân của việc miệt thị ngoại hình. N.H.A là nữ sinh trung học ở Hà Nội.

Nữ sinh bị một nhóm gồm các nam và nữ sinh đến từ nhiều ngôi trường THPT nổi tiếng của Thủ đô cho vào một nhóm chat để miệt thị, chế giễu ngoại hình.

Sau khi đọc được những đoạn chat nói trên, nữ sinh N.H.A đã chụp lại ảnh màn hình những nội dung này, đăng tải lên mạng xã hội nhằm tố giác việc làm đáng xấu hổ của nhóm học sinh trên.

Nữ sinh cho biết, em bị cả bạn quen và không quen dùng những lời lẽ thô tục chê bai, rủa sả như: "xấu là một cái tội", "nhảy lầu đi", "bọn xấu phải biết vị trí của chúng nó trong xã hội"...

Dạy học sinh tự tin với cơ thể 

Theo cô Hoàng Hồng Vân, giáo viên trường Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục (Hà Nội), trong quá trình dạy học, cô nhận thấy những học sinh tự tin rất năng nổ, tham gia rất nhiều hoạt động của trường, thoải mái trình bày trước bạn bè, thầy cô.

Ngược lại, có nhiều em thiếu tự tin, đơn giản như mặt có mụn cũng đeo khẩu trang cả ngày. Có em cắt kiểu tóc mới nhưng không ưng liền đội mũ cả ngày. Những việc đó ảnh hưởng lớn đến tâm lý, khiến nhiều học sinh nép mình trong tiết học. Khi cô giáo yêu cầu bỏ khẩu trang hoặc bỏ mũ, các em tỏ ra sợ hãi, xấu hổ. 

Nữ sinh sợ đến trường, xin chuyển lớp vì bạn lập hội miệt thị hình thể - 2

Giáo viên nòng cốt tập huấn tài liệu "Tôi tự tin" (Ảnh: Hải Yến).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm cho biết, tình trạng chê bai hình thể giữa học sinh với nhau, giữa người lớn với học sinh khá nhiều.

"Nhà trường thường xuyên giải quyết những vụ việc lớn nhỏ liên quan đến vấn đề này. Thậm chí, có những vụ việc Ban giám hiệu phải mời cả phụ huynh, giáo viên và học sinh đến làm việc", cô Yến nói.

Cũng theo nữ hiệu trưởng, những chê bai ngoại hình thường là quá béo, nấm lùn, cây sào… khiến không ít học sinh tự ti về bản thân, tổn thương tâm lý.

Để học sinh hiểu đúng vẻ đẹp hình thể, trước đây nhà trường lồng ghép nội dung định hướng vào một số tiết học, sinh hoạt chuyên đề hoặc một số môn học như ngữ văn, nhưng để nói có bộ tài liệu hay một chương trình giáo dục bài bản về lĩnh vực này hoàn toàn chưa có bởi các chương trình, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT hiện chỉ nói chung chung.

"Để giúp học sinh hiểu đúng bản thân, mới đây nhà trường đã áp dụng các tiết học thí điểm bộ tài liệu "Tôi tự tin" với thời lượng 1 tiết/tuần/lớp - một nội dung nằm trong chương trình "Nâng cao nhận thức giá trị bản thân (Dove Self-Esteem Project)", triển khai ở 3 tỉnh thành Hà Nội, Khánh Hòa, Sóc Trăng.

Bộ tài liệu gồm 5 bài học tương ứng 5 tiết học tìm hiểu về ngoại hình lý tưởng, cách sử dụng mạng xã hội văn minh và thông thái, hậu quả của việc so sánh ngoại hình, các cách so sánh tích cực, hậu quả của việc bàn luận về ngoại hình người khác, các cách làm tăng sự tự tin về cơ thể.

Nội dung các bài học phù hợp với mục tiêu của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho học sinh THCS. Đó là những mục tiêu giúp học sinh khám phá bản thân, củng cố thói quen tích cực, hình thành các giá trị cá nhân, quan niệm sống và ứng xử đúng đắn", cô Yến nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm