DNews

Giáo sư kinh tế lo ngại "bẫy nghèo khó" từ tham nhũng

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Các giáo sư ngành kinh tế cho rằng cần giải quyết vấn đề việc làm, tăng lương, tạo cơ chế minh bạch, công khai, giám sát sẽ giúp chống tham nhũng, hạn chế "củi vào lò".

Giáo sư kinh tế lo ngại "bẫy nghèo khó" từ tham nhũng

Lương chưa tương xứng dễ gây tham nhũng

Tại sự kiện học thuật với chủ đề "Những tư tưởng vượt thời gian của "Cha đẻ của kinh tế học" được tổ chức mới đây, GS Lê Văn Cường - chuyên gia nghiên cứu về toán kinh tế, giáo sư danh dự Trường Kinh tế Paris, Pháp - trao đổi về chủ đề "Lao động, vốn, tổ chức và tăng trưởng: Tại sao tham nhũng có ảnh hưởng?".

Theo GS Cường, chất lượng của người quản lý sẽ dẫn đến động cơ cá nhân của họ. Ông đưa ra những phép toán chứng minh động cơ cá nhân liên quan tới lương được trả.

GS Cường đặt giả thuyết những người quản lý là người tham nhũng, nếu được trả cao, họ sẽ làm việc tốt. Ngược lại, nếu lương thấp, động cơ, động lực làm việc của họ sẽ giảm đi và họ tìm cách để có thể nhận về thu nhập cao hơn. Từ đó, dẫn đến hiện tượng rút ruột các nguồn vốn và gây thất thoát ngân sách.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới tham nhũng là những luật lệ không rõ ràng và cơ chế xin, cho khiến con người phải đi "bôi trơn", "đút lót" mong làm ăn có hiệu quả.

"Tiền đi "bôi trơn" từ đâu ra? Chính là từ tiền vốn được cấp", ông Cường phân tích.

Giáo sư kinh tế lo ngại bẫy nghèo khó từ tham nhũng - 1

GS Lê Văn Cường (trên màn hình) tham gia trực tuyến tại sự kiện học thuật với chủ đề "Những tư tưởng vượt thời gian của "Cha đẻ của Kinh tế học" (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Từ đó, vị chuyên gia kinh tế chỉ ra "bẫy nghèo khó", cứ có kẽ hở cho con người tham nhũng rồi lại làm nền kinh tế đi xuống. Nhiều người có đầu óc làm việc đi vào con đường tù đày, lực lượng lao động giảm đi. Nhóm lao động còn lại sẽ làm việc uể oải với mức tiền lương được nhận.

"Đánh" tham nhũng bằng cách gì? Nên "đánh" tham nhũng bằng kinh tế học hơn là tù đày" - GS Cường kiến giải dùng biện pháp kinh tế, có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để giải quyết vấn đề này.

Từ đó, ông giới thiệu mô hình kinh tế 5C và đặt vấn đề, cần tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết vấn đề hạ tầng giúp kinh tế phát triển bền vững.

Cải cách để không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không dám tham nhũng

Tiếp nối ý kiến, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - thẳng thắn chia sẻ, thời gian qua có nhiều cán bộ, lãnh đạo ở Việt Nam bị khởi tố liên quan tới tham nhũng. Ông trăn trở sẽ có bao nhiêu "củi vào lò" nữa và làm sao hạn chế tham nhũng?

Từ những băn khoăn trên, TS Doanh cho rằng, phải cải cách bộ máy, phải giám sát quyền lực để cán bộ không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không dám tham nhũng.

Muốn như vậy, theo lý thuyết, lương của công chức, viên chức phải cao hơn lương của giám đốc doanh nghiệp. Ông dẫn một tính toán gần đây chỉ ra rằng lương công chức ở TPHCM phải khoảng 56 triệu đồng/tháng. Con số rất khó khăn với điều kiện hiện nay của Việt Nam.

Do đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương kiến nghị, cần nghiêm túc nghiên cứu về cải cách thể chế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy hiện nay. Ngân sách đang phải chi quá nhiều, không chỉ chi cho bộ máy Nhà nước mà còn các tổ chức đoàn thể, đơn vị khác.

Giáo sư kinh tế lo ngại bẫy nghèo khó từ tham nhũng - 2
Theo tôi, việc cần làm ngay là phải chuyển mạnh sang kinh tế số, Chính phủ điện tử, công dân điện tử và tăng công khai, minh bạch, phải tăng cường sự giám sát của quần chúng và công luận.
TS Lê Đăng Doanh Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Song, ông nhấn mạnh, việc giám sát phải chuyên nghiệp, phải đến từ người có chuyên môn nghiệp vụ. Ví dụ, người giám sát về mặt tài chính phải có chuyên môn về kinh tế, tài chính mới biết bình luận, góp ý, kiểm soát.

Vì vậy, việc giám sát phải có sự tham gia của các hiệp hội chuyên nghiệp, của những công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Ông khái quát, chống tham nhũng cần được tiếp tục bằng việc giám sát quyền lực.

"Mỗi quyền lực đều cần giám sát, thiếu cơ chế phải bổ sung ngay. Chúng ta phải xem xét một cách rất nghiêm túc là chúng ta muốn có một chính quyền trong sạch, chúng ta muốn phòng ngừa tham nhũng để không phải chống tham nhũng nữa", TS Lê Đăng Doanh nêu nguyên lý.

Góc nhìn khác, phải xem xét lại một số đặc quyền, đặc lợi, một số chính sách áp dụng hiện nay nhưng chưa phù hợp; cần nghiên cứu, vận dụng những thành tựu tốt nhất, tiên tiến nhất.

Phát triển doanh nghiệp dân tộc, tạo thương hiệu Việt

Ở góc nhìn phát triển kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh nhấn mạnh việc phát huy điểm mạnh của dân tộc, đó là nông nghiệp và doanh nghiệp dân tộc.

"Chúng ta rất mừng là nông nghiệp có tiến bộ, bảo đảm an ninh lương thực nhưng xin lưu ý là lao động ở nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn đang ùn ứ, thiếu việc làm", ông nêu thực tế. 

Giáo sư kinh tế lo ngại bẫy nghèo khó từ tham nhũng - 3

Các diễn giả tham gia thảo luận tại sự kiện học thuật (Ảnh: Huyên Nguyễn)

Để giải quyết, TS Doanh nhấn mạnh, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp dân tộc và hạn chế tư duy nhiệm kỳ, cố gắng đẩy cao hơn nữa tốc độ tăng trưởng bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, chất lượng FDI thu hút cũng là vấn đề. Ông nêu thực tế có địa phương muốn nhanh chóng phát triển thành tỉnh công nghiệp và hiện đại hóa nên mời doanh nghiệp nước ngoài vào, cho hưởng nhiều quyền lợi về đất đai, thuế với mục tiêu tăng ngân sách nhưng giá trị thực tế mang lại cho đất nước không nhiều.

"Nhất thiết phải phát triển doanh nghiệp dân tộc, tạo ra thương hiệu Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trên cơ sở đó, phải phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, giảm bớt rào cản gây khó cho việc phát triển doanh nghiệp", TS Lê Đăng Doanh mong muốn.

Theo ông Doanh, doanh nghiệp phát triển sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, giúp họ có việc làm, có thể lập nghiệp tại chỗ và trên cơ sở đó đóng góp xây dựng đất nước.

PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Singarpore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng giai đoạn 2016-2021 - bày tỏ, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển bền vững hơn.

Việt Nam hiện tập trung thúc đẩy tăng trưởng nhưng vấn đề tiến hóa chưa được chú ý. Theo ông, cả nước cần lựa chọn chiến lược đúng, chọn đúng, dân tộc sẽ đi lên, chọn sai phải đi xuống, chọn thật đúng sẽ đi lên rất nhanh...

Giáo sư kinh tế lo ngại bẫy nghèo khó từ tham nhũng - 4
Các bộ ngành và Trung ương đang làm rất tốt công tác hội nhập thế giới, kinh tế thị trường và bảo vệ kinh tế tư nhân. Song, ta còn hạn chế, đi đúng rồi nhưng tạo đà là chưa có. Ta chưa chọn ra được điểm nhấn trọng tâm.
PGS.TS Vũ Minh Khương Nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Hạn chế tiếp theo được ông Khương chỉ ra, cần làm rõ người chịu trách nhiệm, nếu không rõ trách nhiệm rất khó triển khai. Sau mỗi chủ trương, chính sách, hành động, cần xem lại xem mình tiến bộ đến đâu.

GS Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng giai đoạn 2016-2021 - cho biết, những điều kiện phát triển kinh tế thị trường gồm có sự trao đổi, xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Ông cũng nhấn mạnh tới yếu tố đào tạo con người, nhất là đội ngũ cán bộ và nhận định thêm, cần có nhiều chính sách linh hoạt hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

Giáo sư kinh tế lo ngại bẫy nghèo khó từ tham nhũng - 5
Quan chức là người ảnh hưởng tới kinh tế thị trường nhiều vì hành động, thái độ của họ với những người tham gia thị trường. Do đó, phải đào tạo quan chức cho tốt đặc biệt là đạo đức, hiểu biết của họ về kinh tế thị trường.
GS Trần Văn Thọ Nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Về phát triển đội ngũ kế cận, ông Thọ nhấn mạnh tới vấn đề đạo đức. Ông cho rằng, ngay trong môi trường giáo dục, thời gian dành cho giảng dạy, giáo dục về đạo đức còn quá ít.

"Giáo dục cần chú trọng tới vấn đề đạo đức, dạy cho học trò về lòng yêu thương, vị tha, nhân nghĩa... Phải làm sao để thầy cô giáo đủ xứng đáng, để không có những tiêu cực trong học đường", GS Trần Văn Thọ chia sẻ.

Ông cũng chỉ ra, cần quan tâm tới chính sách miễn học phí đối với bậc phổ thông, tạo môi trường học đường, giải quyết ngay các vấn đề nóng như bạo lực học đường, nhà vệ sinh trường học.

Về giới trẻ, ông nhận định, thế hệ trẻ hiện nay năng động, linh hoạt, có khả năng tiếp thu công nghệ rất nhanh song cần thêm năng lực cơ bản, học ngành gì cũng phải học cho thật sâu, thật tốt.

Theo GS Trần Văn Thọ, giới trẻ Việt cần trau dồi thêm khả năng tiếng Anh và khả năng tư duy, phân tích. Khả năng tư duy sẽ được hình thành qua hoạt động đọc sách và thảo luận với giảng viên.