Đề Toán THPT quốc gia 2018: Chuyên gia chỉ ra yếu tố lạ, gây khó cho học sinh
(Dân trí) - “Ở 10 câu cuối trong đề Toán, kì thi THPT quốc gia 2018 khó và có yếu tố lạ, gây khó khăn nhiều cho học sinh”. Giáo viên Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận xét ngay sau khi kết thúc môn Toán chiều nay (25/6).
Về cấu trúc:
Đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút, gồm có 20% kiến thức lớp 11 và 80% kiến thức lớp 12. Một số câu được thiết kế giao thoa cả hai khối lớp.
Về nội dung:
+ Đề tương đối dài, tương tự cấu trúc đã công bố ở đề tham khảo, mức độ phân hóa tốt với tỉ lệ 60 + 40 (6đ + 1 đ + 1đ + 2đ)
6 điểm đầu tiên ở mức độ dễ, dùng để xét tốt nghiệp: 30 câu đầu gồm nhận biết, thông hiểu, đối với các em học sinh nắm vững kiến thức và bản chất vấn đề có thể hoàn thành một cách nhanh chóng trong khoảng 45 – 60 phút.
4 điểm tiếp theo ở mức độ khó, nhằm mục tiêu xét tuyển vào đại học: 20 câu tiếp theo nằm trong mức độ vận dụng, vận dụng cao, yêu cầu học sinh có tư duy và kĩ năng tốt.
Đặc biệt: 10 câu cuối khó và có yếu tố lạ, gây khó khăn nhiều cho học sinh.
+ Mức độ khó tăng lên so với đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố, trái với cam kết cảu Bộ trước đó. Độ khó cũng tăng lên rất nhiều so với đề thi THPT Quốc Gia 2017 (cấu trúc 70 + 30, chỉ có khoảng 5 câu thực sự khó, khoảng 15 câu bấm máy tính ra đáp số, rất nhiều câu có thể thử lại đáp án).
+ Rút kinh nghiệm đề năm 2017, điểm thi cao và bội thực điểm 10, đề Toán năm 2018 rất ít câu bấm máy tính ra ngay đáp số, đề cũng hạn chế các câu hỏi mà học sinh có thể làm ngược (thử lại đáp số). Đề thi đòi hỏi học sinh hiểu bản chất vấn đề thì mới làm tốt được.
Về phổ điểm:
Điểm thi năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2017. Theo nhận định của tôi:
Học sinh trung bình được khoảng 5 điểm. Học khá được khoảng 6 điểm. Học sinh giỏi khoảng 7, 8 điểm.
Điểm 9 sẽ không nhiều và điểm 10 sẽ rất hiếm.
Điểm hay và chưa hay: Nhận xét trên mã đề 106
- Điểm hay của đề thi:
+ Mức độ phân hóa rất tốt, thuận lợi cho 2 mục đích: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
+ Câu hỏi bao quát, tránh học tủ: Toàn bộ nội dung lớp 12, chỉ 2 điểm của lớp 11 nhưng động đến hầu hết các nội dung chính (tổ hợp, xác suất, giới hạn, góc, khoảng cách).
+ Các câu phân hóa mạnh (từ câu 40) đòi hỏi kiến thức sâu, chắc chắn. Nhiều câu phân hóa lạ, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp tốt, sáng tạo.
+ Đề có nhiều câu hỏi vận dụng thực tế (vận tốc, bể cá, lãi suất, bút chì hình lăng trụ…).
- Điểm chưa hay:
+ Các câu hỏi thực tế chỉ là câu bịa ra, thiếu tính thực tế và kiểm nghiệm khoa học. Các câu này chưa đòi hỏi tư duy gì nhiều mà chỉ áp dụng công thức có sẵn.
+ Đề khó như thế này sẽ tạo áp lực rất nặng nề cho cả giáo viên và học sinh trong năm học 2018 – 2019.
Cũng nhận xét về đề thi môn Toán, Thầy giáo Nguyễn Cao Cường, chuyên gia luyện thi tại Hà Nội cho rằng, đề đúng cấu trúc của năm trước với 50 câu hỏi được nằm chủ yếu kiến thức của lớp 12 và lớp 11.
Mức độ tương đương của các mã đề tốt hơn so với năm ngoái. Các câu hỏi từ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các mã đề có mức độ tương đương nhau, công bằng cho các thí sinh.
Đề cũng duy trì số lượng câu hỏi mang tính thực tế về lãi suất ngân hàng, chế tạo sản phẩm… mang tính gắn liền với thực tiễn.
Tuy nhiên học sinh không bất ngờ về những dạng câu hỏi này, các trường THPT trong quá trình ôn tập và thi đã cho học sinh ôn luyện khá tốt.
Số lượng câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11 khoảng 8 câu, chiếm khoảng gần 20%. Các mảng kiến thức lớp 11 có trong đề gồm: giới hạn dãy số, xác suất, hình học không gian lớp 11 (góc, khoảng cách).
So với đề minh họa, thì mức độ kiến thức trong đề thi là phù hợp, học sinh có thể giải quyết được. Trong số đó có 1 câu ở mức độ vận dụng cao.
Mức độ câu hỏi rộng, mức độ hỏi sâu, có tính phân loại cao.
Mức độ câu hỏi ở nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 20- 25 câu và học sinh trung bình có thể được số điểm từ 4-5,5 điểm.
Học sinh mức độ khá có thể giải quyết 35 câu đầu tiên và đạt điểm khoảng từ 7 đến 7.4.
Học sinh giỏi thực sự mới có thể làm đúng và có thể đạt điểm trên 9.
Năm nay, số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều, bởi số lượng câu phân loại học sinh khá giỏi, khoảng 10 câu có độ khó và kỹ thuật ra đề tốt, không đơn giản với các thí sinh.
Sẽ không còn tình trạng mưa điểm 10 như đề thi năm 2017
Theo các giáo viên thuộc TT giáo dục Học mãi, nhìn chung, các mã đề Toán năm nay có dạng câu hỏi tương tự nhau, phần lớn là thay số. Trong mỗi mã đề có khoảng 10 câu hỏi (chiếm 20% tổng số câu) thuộc chương trình lớp 11.
Về dạng thức và độ khó của câu hỏi ở mức độ tương đương đề thi minh họa. Đề được sắp xếp từ dễ đến khó như thông lệ hàng năm, khoảng 25 câu đầu ở mức Nhận biết, Thông hiểu; từ câu 26 trở đi là các câu hỏi có tính vận dụng, đặc biệt có khoảng 10 câu hỏi cuối có độ khó hơn hẳn. Với đề thi như vậy, thí sinh rất khó để đạt điểm tuyệt đối.
Về độ khó: Đề thi xuất hiện nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh vừa phải có tư duy tốt đồng thời giỏi về khả năng tính toán. Ví dụ câu 44 mã đề 105 (câu 50 của mã đề 115) đề bài hỏi về tiếp tuyến, có sự kết nối kiến thức lớp 12 và lớp 11. Thí sinh rất dễ bị mất điểm bởi các phương án nhiễu.
Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi có yếu tố thực tiễn bên cạnh những dạng toán thường gặp như mọi năm. Ví dụ: dạng toán về lãi suất; toán về thể tích khối hộp thì có một câu hỏi không khó nhưng tương đối lạ là bài toán về “bút chì” (câu 30, mã đề 104).
Mỹ Hà (ghi)