Đề thi Văn THPT quốc gia 2018: Đáp án mở nhưng không trái với thuần phong mỹ tục?
(Dân trí) - Với tính định hướng của câu hỏi trong đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018, liệu đáp án có dung nạp, chấp nhận những bài viết sâu sắc với những quan điểm trái chiều của thí sinh hay không? Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, câu hỏi mở thì đáp án cũng mở và không trái với thuần phong mỹ tục.
Theo ý kiến của nhiều giáo viên với câu 4 phần Đọc hiểu của đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018: “Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?”. Với câu hỏi này, liệu có nên định hướng câu trả lời bằng câu hỏi đóng, yêu cầu này quá sức với đa số thí sinh?
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến giáo viên cũng băn khoăn về hướng độ mở của đáp án cho những bài làm của những học trò có sự quan tâm, hiểu biết sâu sắc về thực trạng đất nước, dám dũng cảm trình bày quan điểm của trí tuệ, lương tri và trách nhiệm.
Liệu rằng các em có dám viết theo đúng suy nghĩ của các em hay không hay lựa chọn cách viết an toàn bởi dù sao đây cũng là vấn đề của cả xã hội trong khi đây lại là một kì thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh?
Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018 chiều 27/6, trả lời thắc mắc này, ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Đề mở thì đáp án cũng phải mở. Với môn Ngữ văn, Bộ đã ra đề mở nhiều năm gần đây, chứ không riêng gì năm nay. Môn Văn cũng có cấp độ các câu hỏi từ dễ đến khó; gồm 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, đáp án mở nhưng không trái thuần phong mỹ tục. Mở nhưng không phải không kiểm soát. Mở nhưng không vi phạm pháp luật.
Sẽ theo dõi những bài chấm lệch 0,5 điểm
Đối với việc chấm bài thi tự luận, theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, trước khi chấm yêu cầu cán bộ chấm thi tiến hành nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án, thang điểm và thực hiện nghiêm túc khâu chấm chung ban đầu theo quy định của Quy chế thi.
Bố trí cán bộ chấm thi (CBChT) chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau. Mỗi bài thi tự luận được 2 CBChT chấm độc lập.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Trưởng môn chấm thi trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 CBChT thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm bài thi trên Phiếu ghi điểm của CBChT lần thứ hai với điểm trên Phiếu chấm cá nhân của CBChT lần thứ nhất, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 CBChT nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm Quy chế thi. Đồng thời, quán triệt CBChT không được sửa chữa điểm trên Phiếu chấm, Phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.
"Bộ Xử lý nghiêm đối với những bài làm vi phạm Quy chế thi hoặc cán bộ không thực hiện đúng Quy chế thi; khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất” - lãnh đạo Cục nhấn mạnh.
Chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận
Để kiểm tra khách quan, Ban Chấm thi tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận.
Đối với những bài thi phải lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, thì điểm trung bình cộng phải được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng cho biết, mục đích của chấm kiểm tra là giúp Trưởng Ban Chấm thi phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi.
Theo đó, Bộ sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi. Tổ chức cho các thành viên của Tổ Chấm kiểm tra nghiên cứu, thảo luận đáp án, biểu điểm cùng với các tổ chấm thi.
Lãnh đạo Ban Chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn ra những bài có nghi vấn (được 2 CBChT cho điểm khác nhau nhiều trước khi thống nhất điểm,...) và giao cho Tổ Chấm kiểm tra để chấm kiểm tra.
Hồng Hạnh